Phía bắc tỉnh Tây Ninh cuối những năm 70 của thế kỷ trước bạt ngàn rừng nguyên sinh, nhưng là vô chủ, cộng với chủ trương đưa dân Sài Gòn lên xây dựng "kinh tế mới" và Việt kiều từ Campuchia về, nên mạnh ai nấy khai phá làm rẫy, bán sang tay, khi những người có trọng trách "tỉnh ra" thì trên 200.000ha rừng chỉ còn lại khoảng 30% chạy dọc theo biên giới vài chục kilomet.
Đọc E-paper
Hơn 10 năm sau ngày thống nhất đất nước, Chính phủ mới có quyết định công nhận vệt rừng còn lại này là rừng đặc dụng, phải bảo vệ, nhưng lại giao cho hai lâm trường quản lý. Hai lâm trường này không dám mở rộng diện tích trồng mía, trồng khoai mì, nhưng khai thác gần hết gỗ quý để bán. Rồi phải chờ thêm 16 năm nữa, phải qua "cấp trung gian" là khu bảo tồn thiên nhiên, tháng 7/2002, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát mới được thành lập trong địa phận bốn xã thuộc huyện Tân Biên.
Khi viết những dòng này sau 42 năm rời căn cứ Tòa soạn Báo Giải Phóng - Cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát bây giờ, tôi vẫn tiếc nuối những khu rừng bạt ngàn lan đến gần thị xã Tây Ninh bị thu hẹp nhanh chóng chỉ trong mươi năm. Bom phạt, bom đào, bom napalm, chất độc hóa học của quân đội Mỹ không thắng được sự tái sinh mạnh mẽ của rừng Tây Nguyên, rừng Đông Nam bộ, nhưng phải ngã rạp, cháy trụi, không bao giờ hồi phục được trước sự tàn phá của con người với cưa tay và hộp quẹt diêm.
Rất may là Tây Nguyên còn có Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh, Yok Đôn, Chư Yang Sin, Bidoup - Núi Bà; Đông Nam bộ còn có Vườn Quốc gia Cát Tiên, Bù Gia Mập, Côn Đảo và Lò Gò - Xa Mát trong 30 vườn quốc gia của cả nước, dù tổng diện tích rất khiêm tốn, chỉ hơn 450.000ha, để thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay còn biết thế nào là rừng, tại sao sách giáo khoa cho học trò trước đây viết đất nước mình vốn được bao phủ bởi 3/4 rừng mưa nhiệt đới.
Mỗi lần trở lại chiến khu bắc Tây Ninh, những phóng viên chiến tranh như chúng tôi dù không khỏi chạnh lòng trước những mất mát to lớn của thiên nhiên hoang dã, nhưng vẫn được an ủi bởi nhờ có Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát mà còn lại những khu rừng, những con suối, những trảng cỏ thân thuộc và một số loài động vật quý hiếm. Với hai cuộc chiến tranh giữ nước và với riêng chúng tôi, rừng bắc Tây Ninh là người ơn đã che chở, nuôi nấng bao lớp người kháng chiến, với đất nước hòa bình dựng xây hôm nay, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát dù chỉ có khoảng 19.000ha, nhưng là báu vật để bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên.
Không có vườn quốc gia nào độc đáo như Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát bởi có sinh cảnh chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Với hệ thực vật 696 loài thuộc 5 ngành, 60 bộ, 115 họ và 395 chi, ngoài rừng mưa nhiệt đới xanh lá quanh năm, đặc biệt là những danh mộc như trắc, gõ mật, cẩm lai, dáng hương, sao, trai, dầu, căm xe, vên vên, cà chít của rừng Đông Nam bộ, VQG LG-XM còn có rừng khộp, tức rừng thưa lá rộng, rụng lá vào mùa khô, chủ yếu là cây họ dầu, không khác gì rừng khộp ở nam cao nguyên Pleiku hay ở huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, và quần thể tràm gió đất ngập nước y như ở Đồng Tháp Mười.
Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát còn có hệ sinh thái trảng cỏ khoảng 4.000ha với nhiều bàu, trảng xen kẻ rừng già cùng với ba con suối lớn và thượng nguồn sông Vàm Cỏ cung cấp thức ăn, nước uống, nơi ở cho nhiều loại động vật, trong đó có các loại thú lớn, chim nước và chim di cư. Vào mùa khô, dưới tán rừng khộp và giữa những trảng cỏ ấy, lan bạch phượng tua quý hiếm, lan cỏ và nhiều loại hoa dại nở rộ, dập dờn bướm lượn ong bay. Nhiều nhà khoa học gọi Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát là "vườn dược liệu" bởi có đến 179 loại cây thuốc, quý nhất là nhân trần, võng vang, tổ phượng, bách bệnh (mật nhân), trung quân, kim tiền thảo...
Động vật đặc hữu của Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát |
Về đa dạng sinh học thì động vật Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát không thua kém bất cứ vườn quốc gia nào khác, bởi có đến 414 loài. Trong đó có 42 loài thú, quý nhất là khỉ đuôi lợn, voọc chà vá chân đen, cu li nhỏ, trút mà Sách đỏ Việt Nam ghi nhận là "nguy cấp"; 203 loài chim, quý nhất là gà tiền mặt đỏ, gà lôi hồng tía, cao các bụng trắng, hạc cổ trắng, vàng anh đầu đen, tất cả đều phân bố hẹp, nên đủ điều kiện để được công nhận là Vùng chim đặc hữu (Endemic Bird Area) theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Các tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học chim (BirdLife International); 88 loài cá, quý nhất là cá cóc thuộc phân họ cá bỗng, chưa tìm thấy ở nơi nào khác tại Việt Nam; 23 loài lưỡng cư, chủ yếu là ếch nhái với đặc tính trú khô độc đáo; và 58 loài bò sát, quý nhất là rồng đất thuộc họ nhông, gần như sắp tuyệt chũng bởi bị săn bắt làm món "bổ dương".
Những khu rừng còn lại ở bắc Tây Ninh không chỉ có từ Lò Gò đến Xa Mát - hai địa danh cách nhau 40km, sát biên giới Việt Nam - Campuchia, mà còn kéo dài đến Chàng Riệc khoảng 35km nữa. Sự liên hoàn ấy bị cắt ra thành hai khu riêng biệt để thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Lò Gò - Xa Mát (tiền thân của Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát ngày nay) và Khu Rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc 11.000ha.
Những ai từng gắn bó với chiến khu kháng chiến bắc Tây Ninh với mật danh "R", sự "chia cắt" ấy quả là lạ, nên đã rất mừng khi nghe tin vào cuối năm 2017, Chàng Riệc sẽ được sáp nhập vào Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát để có tổng diện tích 30.000ha. Và như vậy, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát được bổ sung thêm hai di tích lịch sử quan trọng nhất của cuộc kháng chiến lần thứ hai, đó là Khu Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục, Khu Di tích lịch sử Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và nhà bia, bia kỷ niệm của một số cơ quan trực thuộc.
Rất tiếc, cho đến lúc này, khi mà các vị lãnh đạo cao cấp, các tướng lĩnh lần lượt qua đời, những cán bộ, chiến sĩ còn phơi phới sức xuân trong chiến tranh nay tóc đã bạc mà vẫn chưa có ai công bố vì sao lại đặt mật danh cho chiến khu kháng chiến ở miền Nam là "R". Mà tôi nghĩ như vậy cũng có cái hay, bởi sẽ gây sự tò mò cho du khách khi tham quan các di tích lịch sử, nhất là căn cứ của những cơ quan đầu não được tôn tạo y như cũ trong Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát.
Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát có một độc đáo nữa là Khu Hành chính 35ha (năm 2018 sẽ mở rộng thành 125ha khi những vườn cao su chung quanh hết chu kỳ khai thác), cũng là khu sưu tập, nhân giống danh mộc và những loại cây đặc hữu bản địa nằm trên một địa danh lịch sử rất nổi tiếng là sân bay Thiện Ngôn của quân đội Mỹ và Sài Gòn trước đây. Sân bay Thiện Ngôn là một đoạn đường của lộ Trần Lệ Xuân mà anh em Ngô Đình Diệm dùng để khai thác gỗ, làm từ cuối thập niên 50, được gia cố, mở rộng. Bên cạnh sân bay là căn cứ của Chiến đoàn 49 Quân lực Việt Nam Cộng hòa - một cứ điểm cắm chốt giữa chiến khu "Việt Cộng". Ngày 7/4/1972, Trung đoàn 24 Quân Giải phóng đã tiêu diệt cứ điểm này, bắt sống cả xe tăng, nhưng tổn thất không nhỏ: gần 100 sĩ quan, chiến sĩ hy sinh! Tháng 3/1973, hàng ngàn tù binh Quân Giải phóng đã được trao trả tại mảnh đất còn nóng hổi lửa chiến tranh này.
Thực vật đặc hữu của Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát |
Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát có giá trị đa dạng sinh học, giá trị thẩm mỹ cảnh quan, giá trị văn hóa - lịch sử nên rất thích hợp để tổ chức du lịch sinh thái và về nguồn. Vì thế Vườn đã thành lập Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường, được đầu tư khá bài bản, đưa được khá nhiều du khách đến 6 tuyến du lịch, mở ra triển vọng một vùng du lịch trọng điểm ở miền Đông Nam bộ.
Tôi đã có dịp là thành viên của một tour du lịch ấy nên càng trân trọng những gì mà anh chị em thuộc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát đã làm được để giữ gìn phần còn lại mà thiên nhiên đã ban tặng con người, tất cả đều quý giá, quý giá còn hơn cây dầu rái 269 năm tuổi, đường kính 2,2m, chu vi 6,8m, cao 42m, cây vên vên 215 năm tuổi, đường kính 2m, chu vi 6,3m, cao 44m, là hai Cây Di sản Việt Nam tại Vườn.