Món nợ nho thương
Doanh nhân nhiều nhưng nho thương hiếm. Vì hiếm nên rất quý, rất cần những tác phẩm văn học viết về tầng lớp tinh hoa đã đem trí tuệ, công sức mình tạo nên những giá trị lợi nhuận, góp phần chấn hưng và xây dựng đất nước. Đất nước ta từng có được những danh nhân giàu lòng yêu nước như chí sĩ Lương Văn Can - người đã sáng lập nên Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nhằm nâng cao lòng yêu nước, chí tiến thủ và tự hào dân tộc; truyền bá tư tưởng tiến bộ, nếp sống văn minh; hỗ trợ phong trào Đông Du và Duy Tân. Hậu thế nợ ông cuộc đời bị Pháp lưu đày sang Nam Vang suốt 8 năm, được giảm án về Hà Nội vẫn tiếp tục mở trường, soạn sách.
Chúng ta nợ cuộc đời Nguyễn An Ninh bán dầu cù là, bán ruộng đất mua máy in, làm báo Tiếng chuông rè hoạt động cách mạng. Chúng ta nợ nhan sắc và thanh xuân của chủ nhân Chiêu Nam lầu, mở khách sạn làm hậu thuẫn cho phong trào yêu nước đầu thế kỷ. Chúng ta nợ cô sáu Cầu ông Lãnh (Trương Thị Sáu) - dốc sức kinh doanh giúp chồng làm nên phong trào “Thanh niên cao vọng”, phát triển hội kín Nguyễn An Ninh làm nên một phong trào yêu nước. Chúng ta nợ chủ nhân nước mắm Liên Thành - một thương hiệu của lòng yêu nước. Chúng ta nợ Quách Đàm - thương nhân người Hoa đã xây dựng chợ Bình Tây, góp phần kiến tạo, phát triển một vùng đất trù phú...
Sau chiến tranh, nhiều doanh nhân đã dám đối mặt với thử thách, đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển kinh tế, văn hóa... Những nho thương mà chúng ta mắc nợ họ về những hy sinh thầm lặng, những nỗ lực, rào cản, những bước đi đầu tiên, khó khăn thách thức trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt của thế giới ngày càng trở nên rất phẳng... Mỗi cuộc đời doanh nhân gợi mở những quyển sách chưa viết ra, hay những quyển sách đã được viết để chúng ta tìm đọc, tôn vinh và ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, viết về doanh nhân rất khó... Bởi nhà văn và doanh nhân phải hiểu nhau, yêu mến nhau, trân quý những giá trị của nhau. Tiếc thay, mối quan hệ này đôi khi chỉ một chiều. Nhiều doanh nhân nghĩ rằng có tiền là có được tác phẩm. Thật sự, doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong quá trình làm nên tác phẩm viết về họ. Đôi khi, họ có những vấn đề riêng tư, những bí mật phải chôn vùi, những bí quyết không thể chia sẻ. Đọc Hòn tuyết lăn - quyển sách viết về cuộc đời và sự nghiệp của Warren Buffett - nhà đầu tư huyền thoại xứ Omala; chúng ta hiểu tình bạn giữa ông và Alice Schroeder.
Không có giá trị vĩnh hằng
Doanh nhân Việt Nam khởi nghiệp và kinh doanh trong một đất nước vận hành cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều thành phần kinh tế có quá nhiều cơ hội lẫn thách thức, rủi ro. Còn nhớ những chính sách, nghị định về đất đai, chỉ qua một đêm thức dậy, nhà đầu tư trắng tay. Anh hùng và tội phạm chỉ trong nửa bước chân. Vì đâu nên nỗi khiến doanh nhân hôm qua còn là anh hùng được tôn vinh thì hôm sau đã mất trắng cơ nghiệp, sa vào nhà tù. Nhiều doanh nhân một bước lên trời nhờ vào kẽ hở pháp luật. Nhiều giá trị ảo dẫn dắt xã hội, được tụng ca.
Một doanh nhân chia sẻ: "Cần lắm những tác phẩm viết về doanh nhân Việt Nam để những sinh viên Việt Nam tham khảo, bởi những bạn trẻ trong nước khi học kinh doanh lại được đọc nhiều sách về doanh nhân nước ngoài!". Tôi hiểu nỗi trăn trở đó của anh, bởi với môi trường kinh doanh đặc thù của Việt Nam, doanh nhân Việt Nam vừa làm, vừa run, vừa liều...
Những người trẻ khởi nghiệp cũng không kém phần gian nan, đầy rủi ro, thách thức. Chính vì lẽ đó, sự thành đạt của doanh nhân ở Việt Nam là điều thật đáng trân trọng. Thành công của họ thật đáng học hỏi, cần được chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua số phận, những giới hạn, rào cản. Và cũng không có gì phải kinh ngạc khi nghe tin đồn đoán một doanh nghiệp Việt Nam đang đình đám, từng được báo chí ca ngợi, hào phóng chi cho những dự án án thiện nguyện lại rơi xuống vực thất bại, nợ nần phải phá sản, chủ doanh nghiệp vào tù.
Điều quan trọng là có được tình tri kỷ giữa nhà văn và doanh nghiệp, để họ tin cậy, gửi gắm tâm tư, sẵn sàng trả lời những câu hỏi khó, tự nguyện dành thời gian vô hạn định cho mình, sẵn sàng bộc lộ tính cách, nội tâm con người đầy mâu thuẫn, xung đột và nghịch lý của họ; những bước đi táo bạo, những bức phá và quyết liệt hành động... Để có được tình tri kỷ ấy, nhà văn cũng phải học tư duy của doanh nhân, phải có kiến thức về lĩnh vực doanh nghiệp mình thể hiện. Cần đặt mình vào vai trò doanh nhân để thể hiện nội tâm. Không phải ngẫu nhiên mà Warren Buffett chọn Alice Schroeder là người viết hồi ký cho mình, nếu bà không phải là một người ngoài khả năng văn chương, sự thấu hiểu còn là một nhà phân tích tài chính thành đạt. Và Alice Schroeder đã không phụ lòng Warren Buffett, bởi sau khi Hòn tuyết lăn ra đời, đã "lăn" đến tay bạn đọc khắp thế giới.
Quyển sách không chỉ kể về cuộc đời ông, mà còn là kho báu đúc kết những kinh nghiệm đầu tư tài chính... Và ngược lại, Warren Buffett cũng phải học tư duy nhà văn để mở lòng, để kể chuyện, chân thành bộc lộ con người thật của mình, những góc khuất, cả sai lầm, thất bại và đặc biệt biết hài hước, biết nâng niu những chi tiết sống động... Đôi khi chỉ vài chi tiết độc đáo khiến độc giả kiên nhẫn với hàng nghìn trang quyển sách để tìm kiếm, tò mò. Alice Schroeder rất thông minh nên bà không hề bỏ qua những chi tiết độc đáo mà Warren Buffett đã kể...
Viết về doanh nhân đúng là khó. Đường đi một quyển sách viết về doanh nhân đến với công chúng cũng là câu chuyện đáng bàn. Nhà văn không phải là người viết thuê (ngoại trừ khi họ tự nguyện) mà đồng sở hữu tác phẩm. Sự thành công tác phẩm, sách "lăn" vào tay nhiều bạn đọc sẽ mang lại sự khích lệ, động viên về tinh thần lẫn vật chất cho những người cùng kiến tạo nên tác phẩm.