Phát huy nội lực doanh nghiệp khoa học - công nghệ

Trần Anh Tuấn| 24/02/2020 09:45

Làm thế nào phát huy được nội lực doanh nghiệp để phát triển kinh tế TP.HCM là câu hỏi khó và là vấn đề đang được các chuyên gia kinh tế ấp ủ và quan tâm. Doanh Nhân Sài Gòn lược ghi ý kiến của ông Trần Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu về vấn đề này.

Hỗ trợ doanh nghiệp khoa học - công nghệ 

Trong thời đại công nghệ số, doanh nghiệp (DN) khoa học - công nghệ là đầu tàu, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập, nhất là khi TP.HCM đẩy mạnh xây dựng smart city, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để tăng hiệu quả hoạt động, chia sẻ thông tin đến công chúng, cải thiện chất lượng dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Muốn vậy, TP.HCM càng cần có chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của DN khoa học - công nghệ. 

Muốn xây dựng thành phố thông minh thành công, nhất thiết phải có chính sách tốt để huy động nguồn lực xã hội đầu tư nghiên cứu khoa học - công nghệ, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Ngân sách nhà nước không thể đủ để xây dựng hạ tầng cho thành phố thông minh. Vì vậy, chúng tôi tin rằng lãnh đạo thành phố sẽ phát huy nguồn lực xã hội, xem đó là một giải pháp trọng điểm, vừa tiết kiệm ngân sách, giảm áp lực nợ công, vừa tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Trong đó, hợp tác công tư (PPP) được xem là một giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ.

Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu Trần Anh Tuấn

Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu Trần Anh Tuấn

Muốn vậy, TP.HCM cần có chính sách và đòn bẩy kinh tế để hỗ trợ DN, như thành lập quỹ đổi mới, sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ khởi nghiệp, vườn ươm công nghệ... 

Không thể nói xây dựng thành phố thông minh khi những đô thị mới vẫn thiết kế như cũ, mà phải sử dụng công nghệ vào mọi mặt đời sống, như quản lý giao thông, năng lượng, năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, kết nối dịch vụ trong môi trường thực và không gian mạng, xây dựng hệ thống dữ liệu kết nối Internet vạn vật phục vụ nhu cầu cá nhân, gia đình, cộng đồng... 

Những nội dung đề cập ở trên sẽ tác động mạnh mẽ đến DN khoa học - công nghệ. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) là cơ hội cho những công ty công nghệ trẻ muốn vươn lên thành tập đoàn mạnh. 

Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo

Đổi mới, sáng tạo là động lực phát triển kinh tế và tạo sức mạnh cạnh tranh đối với tất cả các nước. Chính phủ Việt Nam đang đặt sự đổi mới, sáng tạo thành chiến lược phát triển đất nước. Khi nhìn vào đầu tư cho đổi mới, sáng tạo, hầu hết DN Việt Nam mới chỉ dừng lại ở nỗ lực chiếm lĩnh "phần ngọn" thay vì đầu tư vào "phần gốc". Nghĩa là DN chỉ mua công nghệ về sử dụng chứ không hoặc rất ít có cải tiến. Nghiên cứu phát triển công nghệ cũng còn quá ít DN tham gia.

Link bài viết

Qua kinh nghiệm thực tế, chúng tôi thấy Nhà nước nên giao kinh phí và đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ cho những DN có điều kiện, hoặc hội DN ngành nghề do họ trực tiếp nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu của thị trường và trách nhiệm với hội viên.

Để phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo, DN khoa học - công nghệ như chúng tôi xác định phải chủ động hơn, cùng với tiến bộ khoa học - công nghệ của thế giới, tìm cách thay đổi để thích ứng. Cụ thể là: 

- Đầu tư nguồn lực về con người và tài chính để tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D). 

- Xây dựng văn hóa DN gắn kết hơn giữa con người với con người, giữa các phòng ban để sáng tạo, đổi mới đạt hiệu quả cao. 

- Tăng cường hợp tác để tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài nước. 

Chẳng hạn, Sao Bắc Đẩu đã liên kết với Ai20X - là một đơn vị có sứ mệnh thúc đẩy DN, cá nhân phát triển sự nghiệp tại thung lũng Silicon, Mỹ. Hợp tác với Ai20X, Sao Bắc Đẩu có điều kiện đưa sản phẩm trí tuệ Việt Nam ra thế giới, giúp startup công nghệ Việt Nam tiếp cận công nghệ, thị trường và mạng lưới các nhà đầu tư, đối tác từ Mỹ và một số nước khác, ứng dụng công nghệ của Mỹ vào DN Việt Nam, hỗ trợ DN Việt Nam ra mắt sản phẩm, mở rộng kinh doanh tại Mỹ. Theo tôi, việc hợp tác với Ai20X của Sao Bắc Đẩu có thể được lãnh đạo TP.HCM và DN công nghệ tham khảo để nhân rộng.

Việc Tập đoàn Samsung thành lập Trung tâm Trải nghiệm Giải pháp Doanh nghiệp (SEBC) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (SHRD) tại Khu công nghệ cao quận 9, TP.HCM để nghiên cứu, phát triển các giải pháp số ngày càng thông minh là bài học đối với việc đổi mới, sáng tạo công nghệ đối với DN công nghệ Việt Nam. Tôi tin DN công nghệ Việt Nam, nếu liên kết sẽ đủ khả năng xây dựng một trung tâm tích hợp nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến. Mặc dù công nghệ đã sẵn sàng, nhưng hiện nay, một trung tâm như thế chưa có được là do vị trí và diện tích xây dựng. Việc này cần đến sự hỗ trợ của chính quyền Thành phố thì mới thành hiện thực sớm. 

- Tăng cường hợp tác để tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài nước.

Để phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo, DN khoa học - công nghệ cần tăng cường hợp tác để tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài nước.

Thúc đẩy khởi nghiệp

Khởi nghiệp là chủ trương được Chính phủ ưu tiên thực hiện. Khảo sát cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 DN đổi mới, sáng tạo, có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm. Mặc dù nhận được ưu tiên về cơ chế, chính sách, nhưng các DN khởi nghiệp vẫn đang phải đối diện với khá nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn. Các dự án khởi nghiệp thường được bắt đầu bằng nguồn vốn tự có hạn hẹp, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hoặc được các quỹ đầu tư rót vốn lại rất thấp. Theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, 41% DN khởi nghiệp cho biết  vay vốn ngân hàng là một trong những khó khăn hàng đầu của họ. 

Theo tôi, để hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả, thứ nhất, TP.HCM cần sửa đổi, thay thế hoặc xây dựng văn bản pháp quy về khởi nghiệp đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Thứ hai, đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và hoạt động của DN khởi nghiệp. Thứ ba, phát hiện và nhân rộng các mô hình hỗ trợ DN khởi nghiệp hiệu quả, tăng cường đối thoại giữa DN khởi nghiệp với đại diện cơ quan nhà nước. Thứ tư, nâng cao vai trò của các hội đoàn DN và hiệp hội ngành nghề, phát huy vai trò cầu nối giữa các cơ quan quản lý và DN.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phải nắm bắt, tận dụng tốt các cơ hội đang mở ra từ cuộc cách mạng 4.0, lấy động lực tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo thay thế dần các nguồn lực đầu vào truyền thống ngày càng khan hiếm và mất lợi thế cạnh tranh. Các cấp chính quyền cũng như DN phải tham gia cuộc cách mạng 4.0 bằng tinh thần chủ động và sáng tạo. Nội dung cốt lõi là thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo trên tất cả ngành, lĩnh vực: Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát huy nội lực doanh nghiệp khoa học - công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO