Doanh nhân Nguyễn Quyền: Tiên phong trong phong trào “Nhà nho đi buôn” (Kỳ 1)
Nhắc đến phong trào Đông Kinh Nghĩa thục không thể không nhắc đến vai trò của cụ Nguyễn Quyền. Cụ được biết đến không chỉ là người đồng sáng lập Trường Đông Kinh Nghĩa thục mà còn là nhà nho tiên phong trong phong trào đi buôn đầu thế kỷ XX tại Bắc kỳ.
Kỳ 1: Huấn Quyền với phong trào Đông Kinh Nghĩa thục
Nguyễn Quyền hiệu là Đông Đường, sinh năm 1869 tại làng Thượng Trì, huyện Thượng Mão, phủ Thuận Thành (nay thuộc xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Gia đình ông có truyền thống nho học. Năm 1891, Nguyễn Quyền thi đỗ tú tài, cuối năm 1905 được bổ nhiệm làm Huấn đạo tỉnh Lạng Sơn. Vì vậy mà người đương thời thường gọi cụ là Huấn Quyền.
Tiếp xúc với những tiến bộ đương thời
Mặc dù được bổ nhiệm làm quan nhưng Nguyễn Quyền phần lớn chú trọng việc dạy học cho con em trong tỉnh và dành thời gian đọc tân thư, tân văn của Trung Quốc do các chí sĩ Duy tân Trung Hoa soạn, như Trung Quốc hồn, Quần kỹ quyền giới luận. Qua đó, Nguyễn Quyền đã tiếp xúc với những tư tưởng tiến bộ đương thời.
Đầu năm 1906, qua một số lần tiếp xúc với Lương Văn Can và một số nhà nho yêu nước đương thời như Phan Bội Châu, Lương Trúc Đàm, Đỗ Chân Thiết, Phương Sơn… Nguyễn Quyền từ chức huấn đạo, về Hà Nội tham gia vận động thành lập trường tư thục đầu tiên của Việt Nam với tên gọi Đông Kinh Nghĩa thục tại số 4, phố Hàng Đào. Trường được phỏng theo Khánh Ứng Nghĩa thục do chí sĩ Nhật Bản là Phúc Trạch Dụ (Fukazawa) mở tại Nhật Bản và từng được Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh đến tham quan trong các năm 1905 và 1906.
Khi thành lập Trường Đông Kinh Nghĩa thục, Nguyễn Quyền cùng những nhà sáng lập thống nhất mục tiêu hoạt động là khai mở dân trí cho dân, mở lớp dạy học không lấy tiền, tổ chức diễn thuyết, bồi dưỡng ý chí tự lập, tự cường dân tộc, duy tân, tiến thủ, truyền bá tư tưởng học thuật mới, nếp sống văn minh, tiến bộ, cải tổ giáo dục theo Tây phương tới người dân.
Đồng thời, các nhà sáng lập Đông Kinh Nghĩa thục tiến hành tổ chức nghĩa thục (chuyên làm việc nghĩa) và phân phối công việc điều hành hoạt động của trường. Trong đó, Nguyễn Quyền được cử làm Giám học, Phó Ban giám hiệu, phụ trách Ban Tài chính, đồng thời tham gia xây dựng chương trình (Ban Tu thư) và trực tiếp giảng dạy.
Học giả Nguyễn Hiến Lê ghi chép về việc này như sau: “Đại cương đã vạch rồi, ít lâu sau, các cụ tái hội để tổ chức nghĩa thục và phân phối công việc. Lần này vắng mặt cụ Tăng (Tăng Bạt Hổ) và cụ Sào Nam (Phan Bội Châu), nhưng thêm nhiều nhà nho khác như Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hải Thần… và vài nhà Tân học như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học… Hết thảy đều cử cụ Can làm thục trưởng, cụ Nguyễn Quyền làm học giám, cụ Tây Hồ không lãnh chức gì cả vì cụ muốn về Trung gõ chuông thức tỉnh đồng bào trong đó.
Các cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn đảm nhiệm việc xin giấy phép mở trường và tức thì thảo đơn gởi Phủ Thống sứ. Về tài chính, hội viên tự ý giúp bao nhiêu cũng được và quyên thêm trong những chỗ quen thuộc hảo tâm. Tiền do cụ Lương xuất phát, nhưng sổ sách do cụ Nguyễn Quyền giữ”.
Sau khi thống nhất thành lập trường, Nguyễn Quyền và các nhà sáng lập Đông Kinh Nghĩa thục đều thống nhất chủ trương hướng đến việc từ bỏ lối học khoa cử, tập trung vào thường thức và thực nghiệm, dạy cả tiếng Việt, tiếng Pháp và Hán văn. Ban đầu, nhóm sĩ phu Đông Kinh Nghĩa thục có ý định sẽ lập một trường tại Hà Nội, sau đó sẽ phát triển ra các tỉnh. Đến khi chọn địa điểm, do tài chính còn eo hẹp, cụ Can đề nghị lấy nhà mình (số 4 Hàng Đào) làm cơ sở ban đầu, vì nhà có một cái gác tẩu mã, chứa được vài trăm học sinh, mặc dù dưới đất đang là cửa hàng kinh doanh tơ lụa của gia đình cụ.
Lần đầu tiên đưa kinh tế vào giảng dạy
Đặc biệt, từ khi đi vào hoạt động, Đông Kinh Nghĩa thục chủ trương đưa môn kinh tế vào chương trình giảng dạy cho học viên, trước tiên là công thương, kỹ nghệ của nước ngoài. Sách Quốc dân độc bản - một tài liệu giáo khoa quan trọng của Trường có 79 bài thì 24 bài (từ bài 56-79) đề cập trực tiếp đến các vấn đề thuộc về kinh tế, kỹ nghệ. Cho đến nay chưa biết được các soạn giả đã tham khảo nguồn tài liệu nào để viết về những vấn đề kinh tế học. Có thể họ tham khảo từ các sách Tân văn, Tân thư và Tân báo (từ Trung Quốc, Nhật Bản), các sách báo kinh tế của người Pháp và từ chính những vấn đề kinh tế nổi cộm đang diễn ra ở Việt Nam lúc đó. Trong các luận điểm về kinh tế mà các soạn giả nêu ra, khá nhiều dẫn chứng từ các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Trong thời gian này, để phục vụ việc tuyên truyền, cổ động phong trào, Nguyễn Quyền đã sáng tác nhiều tác phẩm để vận động người dân tham gia. Tác phẩm nổi tiếng nhất và còn tồn tại đến ngày nay của Nguyễn Quyền là hai bài thơ Phen này cắt tóc đi tu và Chiêu hồn nước.
Theo đó, bài thơ Phen này cắt tóc đi tu, Nguyễn Quyền mượn hình tượng chú tiểu đi tu, nhưng có cách tu và lý tưởng rất lạ:
"Phen này cắt tóc đi tu/ Tụng kinh Độc lập ở chùa Duy Tân/ Đêm ngày khấn vái chuyên cần/ Cầu cho ích nước lợi dân mới là/ Tu sao mở trí dân nhà/ Tu sao mộ được nước ta phú cường/ Lòng thành thắp một tuần hương/ Nam mô Phật tổ Hồng Bàng chứng minh/ Tu hành một dạ đinh ninh/ Nắng mưa dám quản công trình một hai/ Chắp tay lạy chín phương trời/ Kêu trời phù hộ cho người nước tôi/ Tiểu tôi trông đứng trông ngồi/ Trông sao cho đặng giống nòi vẻ vang/ Nào là tín nữ thiện nam/ Nào là con cái thập phương giúp cùng/ Giúp tôi đúc quả chuông đồng/ Đúc thành quả phúc ta cùng hưởng chung/ Ai tu xin dốc một lòng/ Nghìn năm thu tạc một chữ đồng đến xương".
Còn trong bài thơ Chiêu hồn nước, Nguyễn Quyền tỏ rõ tâm huyết với vận mệnh và tương lai của dân tộc. Bằng động thái “gọi hồn” nước, cụ đã làm sống dậy niềm tự hào dân tộc cũng như sự trăn trở của lương tâm những người con đất Việt:
Hồn xưa: dòng dõi Lạc Long/ Con nhà Nam Việt, người trong giống vàng/ China chung một họ hàng/ Xiêm La, Nhật Bản cùng làng Á Đông/ Trời Nam một dải non sông/ Ngàn năm cơ nghiệp cha ông hãy còn/ Từ phen đá lở sóng cồn/ Nước non trợ đó nào hồn ở đâu/ Chốc đà đã bấy nhiêu lâu/ Bơ vơ như thể bồ câu lạc đàn/ Sịch đâu một cuộc doanh hoàn/ Ngàn Đông nổi gió, sóng tràn bể Nam/ Người đi gọi, kẻ đi tìm/ Biết đâu đài múa mà đem hồn về/ Mấy lần mưa ám, mây che/ Bâng khuâng như tinh, như mê nửa phần/ Hay là ở chốn thôn dân/ Hồn còn tranh cạnh nơi ăn chốn ngồi/ Hay là ở chốn rong chơi/ Hồn còn ham muốn cuộc vui li bì/ Hay là ở chốn sơn khê/ Hồn còn ngơ ngẩn chưa nghe chuyện gì/ Hay là ở chốn khoa thi/ Hồn còn mê mải giữ nghề văn chương/ Hay là ở chốn quan trường/ Hồn còn tấp tểnh toan đường tìm ra/ Hỏi xem hồn ở gần xa/ Gọi ra cho tỉnh, tỉnh ra thì về/ Xin hồn hãy tỉnh đừng mê/ Tinh ra rồi sẽ liệu bề khuyên nhau/ Khuyên nhau lấy chữ đồng bào/ Lấy câu ích quốc, lấy điều lợi dân/ Đường bảo chúng, nghĩa hợp quần/ Tự cường thế ấy, duy tân thế nào/ Sự học ta lấy làm đầu/ Công thương mọi việc trước sau tính dần/ Cũng trong một bọn quốc dân/ Gánh giang sơn cũng một phần trên vai/ Than ôi, hồn nước ta ôi/ Tỉnh nghe ta gọi mấy lời đồng tâm.
---------------------------------------------------
Kỳ 2: Lập Hồng Tân Hưng, kinh tài cho Đông Kinh Nghĩa Thục