Nhiều ngành nghề thay đổi
Chia sẻ tại chương trình Họp mặt doanh nghiệp hợp tác với Trường đại học Nguyễn Tất Thành nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, được tổ chức vào ngày 17/10/2021, ThS. Nguyễn Cao Phú - Chủ tịch HĐTV Công ty Bến Xe Miền Đông, Uỷ viên ban chấp hành CLB Doanh nghiệp Trường Đại học (ĐH) Nguyễn Tất Thành cho rằng, sau đại dịch, nhiều ngành nghề sẽ phát triển mạnh mẽ.
Trong đó, thương mại điện tử, chuỗi cung ứng logistics hàng hoá, nông nghiệp công nghệ cao sẽ thay đổi và phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhu cầu về kho bãi, trung tâm phân phối cũng sẽ phát triển vượt bậc.
Trước kia, các DN đặt kho hàng ở các tỉnh nhưng sau đợt bùng lần thứ 4 này, các DN phải tính lại việc đặt các trung tâm phân phối hàng hoá sao cho phù hợp trong một quận, huyện, tỉnh thành… Do đó, từ nay cho đến cuối năm 2021 và những năm về sau, diện tích kho, khu vực kho để trung chuyển hàng hoá sẽ khác đi rất nhiều so với với trước dịch.
Ngành chăm sóc sức khoẻ cũng sẽ phát triển, trong đó, có nhu cầu tư vấn chăm sóc sức khoẻ, về stress cho người lao động.
Trong lĩnh vực đào tạo thì đào tạo trực tuyến sẽ lên ngôi. Đào tạo trực tuyến từ đây về sau sẽ có nhiều mô hình mới ra đời. Từ công tác đào tạo trực tuyến này, 2-3 năm nữa, mô hình đào tạo trực tuyến sẽ còn thay đổi đáng kể từ tiểu học, trung học cho đến đại học.
Không chỉ ngành nghề, lĩnh vực hoạt động mà xu hướng tiêu dùng cũng thay đổi. Cụ thể, hình thức mua hàng online tăng mạnh. Vì vậy, theo ThS Nguyễn Cao Phú, các DN phải điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu khách hàng. Bên cạnh đó, phải hình thành các bộ phận điều chỉnh chất lượng từ xa, làm việc từ xa, tổ chức sản xuất đáp ứng 5K đồng thời ứng dụng công nghệ cao trong quản lý kinh doanh.
Trong thời gian tới, các DN hoạt động trở lại phải đảm bảo an toàn (sản xuất phải đảm bảo an toàn như đủ nhân sự cho sản xuất, thực hiện 5K, tiêm vaccine…), an lành (nơi làm việc thông thoáng, đảm bảo các bữa ăn chất lượng, đầy đủ dinh dưỡng cho người lao động), an sinh (chăm lo người lao động về vật chất và tinh thần) và an tâm (tạo sự an tâm cho người lao động trong làm việc trước điều kiện dịch bệnh vẫn còn).
“Bài học của quản trị trong đại dịch là đầu tư phát triển kỹ năng tương lai. Chúng ta phải đầu tư để thay đổi sứ mệnh, tầm nhìn, văn hoá DN. Qua đại dịch cho thấy DN cần quyết sách nhanh, mô hình linh động, tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt, ưu tiên điều phối nhân lực cao. Đây là 6 bài học các DN phải rà soát lại để có thể phục hồi và phát triển sau đại dịch” ThS. Nguyễn Cao Phú tư vấn.
Sau đại dịch, DN cần phải thay đổi mô hình sản xuất kinh |
Quản trị DN phù hợp
Cũng theo ông Nguyễn Cao Phú, có nhiều vấn đề các DN cần quan tâm là đánh giá lại sự phù hợp của xu hướng, nguồn lực và các địa dư sản xuất kinh doanh, tình hình thuận lợi của nguồn cung ứng, hạ tầng nguồn lực liên kết.
Bên cạnh đó, DN cũng nên xem lại cách thức quản trị rủi ro. Các đợt dịch giúp DN xem lại, đánh giá lại nhiều vấn đề. Ví dụ như nên sử dụng nguyên liệu nhập khẩu hay trong nước, hợp tác với các đối tác tại TP.HCM hay các tỉnh miền Đông Nam Bộ…
Hạ tầng thương mại điện tử cũng là vấn đề rất đáng lưu ý. Trước kia, DN ít quan tâm đến đường truyền, hạ tầng công nghệ thông tin nhưng sau đợt dịch này DN cần rà soát lại vấn đề này. Con người có thích ứng với công nghệ hay không? Chính sách động viên người lao động như thế nào cho phù hợp…
“Trong thời buổi này, tài chính của DN âm thì người chủ DN phải làm sao để tài khoản tinh thần của DN dương. Mà muốn được vậy, DN phải có nhiều cách thức triển khai phối hợp giữa công đoàn, phòng nhân sự để làm tốt chính sách động viên người lao động”, ông Nguyễn Cao Phú nói.
Để thích ứng trong điều kiện mới, DN làm phải xem xét lại các ngành nghề, lĩnh vực làm sao phù hợp với xu hướng thực tế. Cùng với đó, DN cũng nên xem xét lại sự phù hợp với sản phẩm trong xu hướng mới, hệ thống quản trị rủi ro, nguồn lực của DN. Cụ thể, với nguồn lực DN cần chú ý đến hạ tầng, con người, mối liên hệ con người, với công nghệ, với khách hàng.
Để đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trong điều kiện mới, ông Phú cũng khuyên DN nên nhìn lại mùa dịch vừa qua, DN đã đạt được gì, những gì chưa đạt được. Bên cạnh đó, cần phải tái cấu trúc, tổ chức lại hoạt động của DN sao cho linh hoạt và gọn hơn. Song song đó, phải tái sáng tạo trên nền tảng cũ. Đây là những giải pháp giúp DN thích ứng tốt hơn, phù hợp hơn, nhân văn hơn.
“Dịch Covid-19 tác động chưa từng có trong tiền lệ, gây ra những biến động không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ. Nhưng non cao vẫn có đường trèo, đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi. Vì vậy, các DN phải đánh giá lại năng lực quản trị khủng hoảng, phải đổi mới lại quy trình… để thích nghi. Từ khoá quan trọng đối với DN hiện nay là “thay đổi” và “thích ứng”, ông Phú chia sẻ.
Tại chương trình Họp mặt doanh nghiệp hợp tác với trường đại học Nguyễn Tất Thành nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, lãnh đạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và CLB Doanh nghiệp trường Nguyễn Tất Thành đã tri ân sự đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự phát triển của trường. Hiện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có mối quan hệ với hơn 2.000 DN. Trong những năm qua, Trường đã cung ứng cho các DN nhiều nhân sự có năng lực cho DN, đặc biệt là mối quan hệ hợp tác theo “đơn đặt hàng” của nhiều DN trên địa bàn TP.HCM. |