Doanh nghiệp thực phẩm Nhật Bản: Tiếp tục đề nghị gỡ khó

TUYẾT ÂN| 20/03/2018 06:50

Doanh nghiệp Nhật khi làm thủ tục kiểm dịch thực phẩm tươi nhập vào Việt Nam phải mất 7 ngày với mặt hàng thịt và 4 ngày với rau củ quả, làm giảm độ tươi ngon của thực phẩm và tăng chi phí kho lạnh tại cảng...

Doanh nghiệp thực phẩm Nhật Bản: Tiếp tục đề nghị gỡ khó

Nhiều doanh nghiệp đề nghị thay đổi cách đánh giá về tính hợp quy của thực phẩm nhập khẩu. Ảnh: Quý Hòa

Tại cuộc họp Liên lạc về thực phẩm để trao đổi ý kiến giữa doanh nghiệp Nhật Bản và một số bộ, ngành Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức tuần rồi tại TP.HCM, các doanh nghiệp Nhật tiếp tục kiến nghị thay đổi cách đánh giá về tính hợp quy của thực phẩm, kiểm tra hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, điều chỉnh tần suất và thời gian kiểm dịch, thủ tục hải quan.

Đề nghị giảm tần suất và thời gian kiểm mẫu

Đại diện JETRO phản ánh, doanh nghiệp Nhật khi làm thủ tục kiểm dịch thực phẩm tươi nhập vào Việt Nam phải mất 7 ngày với mặt hàng thịt và 4 ngày với rau củ quả. Việc kéo dài thời gian kiểm dịch làm giảm độ tươi ngon của thực phẩm và tăng chi phí kho lạnh tại cảng trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.

Việc lấy mẫu kiểm dịch và tần suất lấy mẫu cho mỗi lần nhập khẩu cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo Công văn 1031/TY-KD ngày 1/7/2017 của Cục Thú y về nhập khẩu thịt làm nguyên liệu gia công, chế biến hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp chế xuất (EPE) hướng dẫn, đối với thịt sử dụng cho doanh nghiệp EPE không cần kiểm tra mẫu thử mỗi lần nhập khẩu, cứ 6 lô hàng cùng chủng loại, nguồn gốc xuất xứ và cùng chủ hàng thì chọn ngẫu nhiên một lô để kiểm tra, mỗi lô chọn 3 mẫu.

Đại diện doanh nghiệp Nhật so sánh, nếu các mặt hàng nhập khẩu vào Nhật từ khu vực không có bệnh truyền nhiễm thể ác tính gia cầm, đáp ứng điều kiện vệ sinh và được thỏa thuận theo ký kết giữa Nhật Bản và quốc gia xuất khẩu, chỉ căn cứ theo kết quả kiểm tra hồ sơ là có thể lược bỏ khâu kiểm mẫu. Trong trường hợp phải kiểm dịch, với động vật chỉ mất vài phút, với thực vật sẽ kiểm mẫu với mỗi lần nhập rau củ quả mất 2 - 4 giờ.

Link bài viết

"Chúng tôi mong muốn Chính phủ xem xét giảm tần suất kiểm tra mẫu và kiểm tra trong thời gian hợp lý mà vẫn bảo đảm mục đích kiểm dịch", đại diện JETRO kiến nghị.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khá bất ngờ với phản ánh thủ tục kiểm dịch rau củ quả mất 4 ngày. Các quy định về thời gian kiểm dịch, thủ tục nhập khẩu đã đơn giản hơn rất nhiều, các cơ quan kiểm dịch đánh giá loại bỏ, xem xét nguy cơ rủi ro theo ngành hàng, nếu không cần thiết sẽ không kiểm tra.

Rau củ quả là nhóm hàng tươi sống, chất lượng giảm theo thời gian nên là mặt hàng ưu tiên, nếu nhập qua đường biên giới giải quyết trong vòng 4 giờ, qua cảng biển và sân bay là 10 giờ. "Phía Nhật Bản nêu 4 ngày, Cục sẽ cho kiểm tra và xử lý ngay nơi làm không đúng theo quy định", ông Trung cam kết.

Hiện tại gần 90% sản phẩm động thực vật nhập khẩu vào Việt Nam chỉ cần làm thủ tục qua trang web một cửa quốc gia, tuy nhiên các doanh nghiệp Nhật vẫn phàn nàn gặp không ít khó khăn. Ông Đàm Xuân Thành - Phó cục trưởng Cục Thú y khẳng định, hiện thời gian kiểm tra thông quan với sản phẩm động vật nhập khẩu đều áp dụng hệ thống đăng ký một cửa quốc gia nên rất nhanh, theo quy định của Luật Thú y tối đa là 3 ngày tại cửa khẩu, và tại cảng biển và sân bay là 5 ngày.

Ông Đào Duy Tám - Trưởng phòng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) lý giải, để lấy mẫu, doanh nghiệp phải mời đủ 3 nơi là cơ quan kiểm dịch, cảng vụ và Tổng cục Hải quan nên việc sắp xếp thời gian không dễ dàng. Hải quan đang nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan, dự kiến việc giám sát lấy mẫu chỉ dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro, còn việc lấy mẫu sẽ do cơ quan chuyên ngành và cảng vụ sau khi doanh nghiệp đăng ký lấy mẫu trên hệ thống một cửa quốc gia. Thời gian lấy mẫu chắc chắn sẽ giảm khá nhiều.

Đơn giản hóa tính hợp quy thực phẩm

Theo ông Nakagawa Nikihisa - luật sư của JETRO, doanh nghiệp Nhật Bản phàn nàn khá nhiều về thủ tục đăng ký công bố hợp quy cho thực phẩm lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam. Nhiều trường hợp đã nộp kết quả kiểm nghiệm thành phần sản phẩm nhưng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vẫn yêu cầu nộp kết quả kiểm nghiệm bổ sung xác nhận xem trong sản phẩm có chứa chất cụ thể nào, và bị yêu cầu nộp lệ phí không chính đáng.

Theo ông Nakagawa Nikihisa, nhiều doanh nghiệp Nhật vẫn khá mơ hồ về thành phần phải kiểm nghiệm. Các bộ, ngành của Việt Nam có thể gợi ý thông tin và chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Nhật Bản tham khảo.

"Chúng tôi hiểu trong trường hợp thực phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam thì việc kiểm nghiệm là cần thiết, tuy nhiên nếu cán bộ phụ trách lợi dụng quyền hạn cho mục đích cá nhân sẽ dẫn đến hậu quá khó lường", JETRO cho biết và kiến nghị: "Cần thiết lập những địa chỉ tư vấn và phổ biến tới cán bộ không được phép yêu cầu thu các khoản lệ phí không chính đáng".Theo ông Hoàng Trung, nhiều trường hợp do doanh nghiệp thiếu thông tin, việc kiểm tra thêm chỉ áp dụng khi nào doanh nghiệp vi phạm.

"Việt Nam không tự đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật làm khó doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp gặp nơi nào đòi hỏi giấy tờ ngoài quy định, hãy báo ngay cho Bộ để xử lý”, ông Trung khẳng định.

Hiện nay, ở Việt Nam, do số lượng nhóm sản phẩm thực phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật còn hạn chế nên phải dựa vào thành phần sản phẩm đó để đề ra các chỉ tiêu cần phải kiểm tra. Đối với những vi sinh ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, Việt Nam đã có danh sách công bố trên các trang mạng, cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm sẵn sàng cung cấp cả bản tiếng Nhật cho doanh nghiệp Nhật.

Theo Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Lê Văn Giang, Việt Nam công nhận các kết quả kiểm nghiệm từ phía Nhật Bản nếu kết quả đó được công bố từ các phòng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn. Sản phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam chỉ kiểm tra thêm một số yếu tố theo quy định của Việt Nam về chỉ tiêu kỹ thuật mà trong phiếu kiểm nghiệm từ phía Nhật Bản chưa cung cấp đầy đủ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp thực phẩm Nhật Bản: Tiếp tục đề nghị gỡ khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO