Doanh nghiệp nhỏ chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế tư nhân

PHAN ĐỨC HIẾU(*)| 01/08/2018 03:36

Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban chấp hành trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đề ra ba mục tiêu.

Doanh nghiệp nhỏ chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế tư nhân

Thứ nhất, gia tăng số lượng doanh nghiệp, phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Thứ hai, kinh tế tư nhân đóng góp vào tăng trưởng GDP. Đến năm 2021, khu vực kinh tế này sẽ đóng góp 50 - 60% GDP. Thứ ba, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Để thực hiện, Nghị quyết 10-NQ/TW đưa ra 5 nhóm giải pháp: Thống nhất về tư tưởng hành động, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, Nhà nước có chính sách, hành động trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao khả năng cạnh tranh về nhân lực, đổi mới khu vực quản lý nhà nươc và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của các bên có liên quan.

Nghị quyết 10-NQ/TW đầy đủ và toàn diện, đặc biệt là đề ra những giải pháp cụ thể để thực hiện. Chẳng hạn, đối với cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị quyết nhắm đến việc mở rộng khả năng gia nhập thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực một cách công bằng, dễ dàng hơn và hoàn thiện các cơ chế về thu hút đầu tư.

Nghị quyết 10-NQ/TW  cũng đề ra một loạt giải pháp cho việc hỗ trợ, ưu đãi phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Sau Nghị quyết 10-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98 như một chương trình hành động, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và các bên có liên quan.

Tuy nhiên, sau một năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW, kinh tế tư nhân phát triển chưa như kỳ vọng. Năm 2017, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP, chiếm ưu thế so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song phần lớn đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân lại thuộc về kinh tế cá thể, hộ gia đình, trong khi doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp gần 8% GDP.

Nghĩa là số đông trong khu vực kinh tế tư nhân vẫn là hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hiệu quả hoạt động hầu như chưa được cải thiện trong nhiều năm qua.

Đang có nhiều câu hỏi đặt ra sau một năm Nghị quyết 10-NQ/TW được ban hành, tập trung vào ba nhóm. Thứ nhất, tác động của Nghị quyết đang ở mức độ nào, có cải thiện hay cải thiện đột phá? Việc thực hiện Nghị quyết gần đạt mục tiêu, đạt mục tiêu hay đã vượt qua các mục tiêu đề ra. Thứ hai, giả định về việc thực hiện Nghị quyết không như mong muốn.

Các mối quan tâm tập trung vào phần nguyên nhân đến từ đâu và khâu nào gây ách tắc. Việc xác định nguyên nhân, không thể đánh đồng trung ương hay địa phương, bởi trung ương có nhiều bộ, ngành, cơ quan có liên quan và địa phương có tới 63 tỉnh - thành phố, và ở cả cấp huyện.

Thứ ba, trong khi có quan điểm cho rằng, doanh nghiệp tư nhân "không muốn lớn, hoặc hộ gia đình không muốn phát triển lên doanh nghiệp là do chính sách thuế không nghiêm, không công bằng. Nhưng một nhóm khác lại nói, việc đẩy mạnh chống thất thu thuế đang khiến doanh nghiệp tư nhân không những "không muốn lớn", mà còn không muốn gia nhập thị trường.

Tại nhóm giải pháp về tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh và tiếp cận các nguồn lực, việc tiếp cận vốn và đất đai đang có những khó khăn nhất định, tác động lớn đến sự phát triển và lớn mạnh của khu vực này. Bởi vì, đất đai và vốn - hai nguồn lực chính để khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Trong khi đó, chi phí về thuế, phí vẫn là vấn đề rất lớn của doanh nghiệp.

Thuế có hai mặt, vừa là công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhưng cũng là rào cản cho sự phát triển đó. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ trọng thuế/lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức rất cao, chiếm gần 39,4% lợi nhuận để nộp thuế.

Tỷ trọng thuế/lợi nhuận doanh nghiệp Việt Nam phải nộp thấp hơn một số nước như Mỹ, Trung Quốc, nhưng lại cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, như Singapore là 18,4%, Thái Lan khoảng 27,5%, Indonesia 29,7%, Campuchia 21%. Đặc biệt, tại Hàn Quốc, một nước công nghiệp phát triển, nhưng tỷ lệ này cũng chỉ chiếm 33% lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế tư nhân và Nhà nước giữ vai trò tác động. Ví dụ, đối với các điều kiện kinh doanh, khi doanh nghiệp muốn phát triển, họ áp dụng những tiêu chuẩn, chuẩn mực trong sản xuất, kinh doanh đôi khi còn cao hơn các chuẩn mực trong các văn bản yêu cầu thực hành sản xuất tốt.

Kết quả sau một năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW, một mặt đến từ việc Nhà nước bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, nhưng cần ghi nhận những nỗ lực của khu vực kinh tế tư nhân.

Như vậy, việc đánh giá chính xác thực trạng Nghị quyết 10-NQ/TW sau một năm thực hiện là cần, nhưng chưa đủ để phát triển được khu vực kinh tế tư nhân. Đang có hai vấn đề rất lớn đặt ra cho việc thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW trong năm 2018 và năm 2019. Một là, việc thực hiện đang ách tắc ở đâu, khâu nào, tại sao lại tắc. Hai là, ai, tổ chức nào sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW, sẽ làm gì và làm bằng cách nào.

(*) Tác giả là Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp nhỏ chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO