Doanh nghiệp nên có kế hoạch gì để phòng tránh rủi ro về thuế?
Ngày 4/10, tại TP.HCM, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Hội Tư vấn và Đại lý Thuế TP.HCM (HTCAA) tổ chức thành công buổi tọa đàm với chủ đề “Doanh nhân và Kế hoạch phòng tránh rủi ro về thuế”.
Sự kiện thu hút gần 100 đại diện từ các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, chuyên gia thuế và các doanh nhân đến tham dự.
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, ông Ngô Xuân Lộc - Phó Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn chia sẻ: “Việc hiểu rõ và áp dụng các quy định thuế không chỉ đảm bảo doanh nghiệp hoạt động ổn định, mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Chúng tôi hy vọng rằng, qua buổi tọa đàm, các doanh nghiệp sẽ tự tin hơn trong việc xử lý các vấn đề về thuế và đảm bảo tuân thủ pháp luật một cách hiệu quả.”
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh hiện đại với những thay đổi liên tục về luật thuế, buổi tọa đàm mang ý nghĩa quan trọng, giúp các doanh nghiệp nắm bắt những kiến thức mới nhất và các phương pháp phòng tránh rủi ro hiệu quả. Tại buổi tòa đàm, các chuyên gia đầu ngành đã chia sẻ những giải pháp thực tiễn nhất, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro trong quá trình kiểm tra và tuân thủ quy định thuế.
Buổi tọa đàm đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và tiếp cận các thông tin hữu ích từ các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực thuế.
Các chủ đề trình bày tại tòa đàm là những chủ đề nóng, hấp dẫn, đang được các doanh nghiệp quan tâm, bao gồm: “Cập nhật một số thay đổi quan trọng về chính sách thuế năm 2024” do ông Nguyễn Văn Được – Trưởng ban chính sách HTCAA trình bày; “Quản lý rủi ro về thuế” được trình bày bởi Thạc sĩ Cao Đức Nam – Phó ban chính sách HTCAA; “Kinh nghiệm về tuân thủ thuế đối với hoạt động của Hội và Câu lạc bộ” được chia sẻ từ Tiến sĩ Lê Khánh Lâm – Phó chủ tịch Hội HTCAA.
Đặc biệt, tọa đàm đã mang đến buổi thảo luận sôi nổi, với những câu hỏi trực tiếp và thực tế từ phía doanh nghiệp dành cho các chuyên gia.
Sự kiện kết thúc với những phản hồi tích cực từ các đại biểu tham dự, khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức nhiều hơn nữa những buổi tọa đàm tương tự trong tương lai, để cùng mang đến các góc chủ đề sâu, rộng và đa dạng.
Những câu hỏi trực tiếp và thực tế từ phía doanh nghiệp dành cho các chuyên gia tại tòa đàm đã thu hút sự trao đổi, bàn luận sôi nổi giữa các bên tham gia như:
-Công ty bị nợ thuế thì chủ công ty có bị tạm hoãn xuất nhập cảnh hay không?
-Doanh nghiệp đóng hội phí cho Hội thì chi phí này có được xem là chi phí được trừ của doanh nghiệp hay không? Và doanh nghiệp cần chuẩn bị chứng từ gì?
-Công ty gặp phải hóa đơn thuộc cảnh báo rủi ro từ phía cơ quan thuế, tuy nhiên doanh nghiệp có chứng minh được hàng hóa đó là có mua thật. Vậy công ty nên xử lý thế nào trong trường hợp này?
-Công ty đã nộp hồ sơ kê khai quyết toán thuế năm 2022 nhưng phát hiện có một số hóa đơn đầu vào mua của các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh. Xin hỏi các chuyên gia, trường hợp này công ty phải xử lý như thế nào?
-Kính thưa chuyên gia, trường hợp tôi là cá nhân làm công ăn lương chỉ phát sinh thuế TNCN từ tiền lương tiền công. Tại thời điểm quyết toán tôi phát sinh số thuế TNCN phải nộp mà hiện tôi không có tiền để nộp. Theo chuyên gia, tôi sẽ bị xử lý như thế nào?
-Công ty tôi hoạt động từ năm 2018 nhưng chưa được Cơ quan thuế quyết toán thuế, nay tôi muốn được quyết toán thuế sớm có được hay không? Chuyên gia có thể chia sẻ kinh nghiệm quyết toán thuế để Công ty hạn chế bị phạt thuế?
-Hội cần lưu ý điều gì về thuế khi thu các khoản tài trợ để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu; và thu các khoản từ thiện?
-Sổ sách tài chính của Hội có bắt buộc phải sử dụng kiểm toán độc lập trước khi gửi cho Cơ quan quản lý Nhà nước hay không?