Bước đầu khống chế sự lây lan của Covid-19
Đã gần một tháng trôi qua kể từ khi Việt Nam công bố thông tin có ba người bị nhiễm virus Corona biến thể. Cho đến nay, 16/16 ca nhiễm dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đã được chữa khỏi. Việt Nam đã tập trung dập dịch Covid-19, không để dịch lan rộng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Dịch Covid-19 đang phát triển ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là nước khống chế hiệu quả sự lây lan của virus Corona, cho thấy tầm quan trọng của việc người dân có ý thức dự phòng nguy cơ mắc bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu “chống dịch như chống giặc”. Vai trò quan trọng số một của những người làm công tác phòng, chống dịch là khi dịch vào Việt Nam thì không để bùng phát và lan rộng.
Thành công thứ hai cũng rất quan trọng, đó là vai trò của truyền thông. Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã nỗ lực vào cuộc cùng với Bộ Y tế để chống dịch Covid-19, trong đó có một công việc rất quan trọng đó là ngăn chặn tin giả, tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội gây hoang mang, bất ổn trong xã hội.
Để ngăn chặn tin giả, ngay từ đầu Chính phủ đã chỉ đạo phải minh bạch mọi thông tin, cung cấp đầy đủ thông tin chính xác về dịch Covid-19 để người dân biết, tuyên truyền tới người dân về phòng, chống dịch bệnh. Để làm được điều này có vai trò không nhỏ của các doanh nghiệp công nghệ.
Doanh nghiệp công nghệ góp phần chống Covid-19
Ngay từ chiều 30/1/2020, sau khi thông tin có ba người bị nhiễm Covid-19 được công bố, hai trang web của Bộ Y tế và Cục Y tế Dự phòng là địa chỉ cập nhật thông tin chính thức về diễn biến dịch, luôn trong tình trạng quá tải, truy cập vào rất chậm, có lúc không truy cập được.
Ngày hôm sau, Viettel đã hỗ trợ Bộ Y tế lắp đặt 21 cầu truyền hình tại 21 bệnh viện lớn ở các tỉnh, thành để đảm bảo công tác giao ban chống dịch Covid-19. Đồng thời, cả ba nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone tuyên bố từ ngày 1/2/2020 miễn cước cuộc gọi đến tổng đài 19003228 tư vấn phòng chống dịch bệnh. Do nhu cầu gọi điện đến 19003228 tăng quá cao, Viettel đã chuyển đường dây nóng sang tổng đài 19009095 của Bộ Y tế do Viettel vận hành.
Ngày 2/2/2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ra chỉ thị cho toàn ngành thông tin - truyền thông thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra. Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ xem đây là trách nhiệm đối với xã hội, khẩn trương đưa ra những giải pháp công nghệ số, ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu, chủ động báo cáo, khuyến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp công nghệ xem việc góp phần chống Covid-19 lây lan là trách nhiệm đối với xã hội, đã khẩn trương đưa ra những giải pháp công nghệ số, ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu, chủ động khuyến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi cộng đồng công nghệ Việt Nam cùng chung tay, thể hiện trách nhiệm, năng lực công nghệ để giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đến ngày 8/2/2020, chỉ 6 ngày sau khi được Bộ Y tế đặt hàng, doanh nghiệp công nghệ đã cho ra mắt trang tin điện tử có tên miền https://ncov.moh.gov.vn/ và ứng dụng thông tin về dịch bệnh Covid-19 “Sức khỏe Việt Nam” nhằm giúp người dân nắm bắt tình hình dịch bệnh và trang bị kiến thức phòng chống dịch bệnh thông qua hướng dẫn, khuyến cáo từ cơ quan y tế để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Ứng dụng “Sức khỏe Việt Nam” do Viettel xây dựng, trang tin về dịch bệnh Covid-19 cổng thông tin điện tử Bộ Y tế là sự phối hợp giữa Bộ Y tế và Hệ Tri thức Việt số hóa (Itrithuc), Công ty CP Công nghệ DTT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST) để thực hiện.
Các kênh thông tin này đã góp phần cung cấp nguồn tin chính xác, đa dạng, đã hỗ trợ người dân cũng như đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và cán bộ, nhân viên ngành y tế chủ động ứng phó với các tình huống dịch bệnh, đẩy lùi các trang thông tin giả mạo, những tin đồn, tin giả về dịch Covid-19.
Ứng dụng Zalo cũng nhanh chóng được triển khai trên kênh chính thức của Bộ Y tế. Có thể nói đây là kênh thông tin rất hiệu quả, cập nhật thông tin về Covid-19 nhanh nhất tới 50 triệu người dùng. Mới đây, Bộ Y tế đã tích hợp trợ lý ảo (chatbot) tra cứu thông tin Covid-19 trên Zalo. Việc ra mắt tính năng này giúp tránh tình trạng người dân đổ dồn về các cơ sở y tế tuyến trên gây quá tải trong khám sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Từ ngày 5/2/2020, nhận thấy nguy cơ bùng phát dịch, có thể gây nguy hại cho cộng đồng, VCCorp thành lập ban phòng chống dịch, khởi tạo chiến dịch "Lá chắn virus Corona" cung cấp những thông tin tin cậy, kịp thời và kiến thức hữu ích, thúc đẩy hành động về cách phòng chống dịch bệnh qua mạng xã hội Lotus và cổng thông tin https://lotus.vn/lachanviruscorona.
Trên mạng xã hội Lotus, những thông tin được chia theo thư mục để người đọc dễ dàng chọn lọc, tiếp cận, theo dõi những chủ đề mà mình quan tâm, như tin nóng, cẩm nang phòng dịch, ý kiến chuyên gia, Việt Nam hành động, doanh nghiệp hành động...
Mạng xã hội TikTok cũng không đứng ngoài cuộc, trong ngày 25/2/2020 đã phối hợp cùng với Bộ Y tế, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (VACHE) đồng hành cùng TikTok Việt Nam và Câu lạc bộ Influencer Việt Nam (VIC) phát động chiến dịch truyền thông bằng phim ngắn (short-video) mang tên Kiến thức phòng dịch. Với cách tiếp cận mới mẻ, gần gũi với cộng đồng, chiến dịch hướng đến mục tiêu cung cấp kiến thức về sức khỏe, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân, đặc biệt là dịch Covid-19 đang diễn tiến phức tạp. Chương trình đặt mục tiêu tạo ra 5.000 video về sức khỏe và thu hút 50 triệu lượt xem, hai chủ đề của chương trình là #kienthucphongdich và #vudieuruatay, đây là một kênh truyền thông mới mẻ tới cộng đồng, nhất là giới trẻ về phòng, chống dịch bệnh.
Trước đó, từ ngày 4/2/2020, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ trong việc phòng chống tin giả về dịch viêm đường hô hấp cấp và nâng cao ý thức phòng dịch, TikTok đã hợp tác với Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt tài khoản với ID @ICT_anti_nCoV. Đây là kênh thông tin chính thống về dịch Covid-19. Mỗi ngày, TikTok đăng tải ít nhất 1-2 video, giúp người dùng cập nhật diễn tiến chính xác của dịch bệnh, theo dõi các khuyến cáo từ cơ quan y tế, trang bị thêm kiến thức phòng, chống dịch bệnh.
Ngay khi dịch mới diễn ra, các doanh nghiệp như VNPT và FPT đã nhanh chóng nghiên cứu các giải pháp góp phần chống Covid-19 xâm nhập. VNPT tiên phong miễn phí e-learning cho những trường học có yêu cầu. Hệ thống e-learning giúp thầy trò dạy và học từ xa, trao đổi bài giảng, giao bài tập và chấm điểm cho học sinh.
FPT cũng tích cực phối hợp với Bộ Y tế ứng dụng công nghệ hỗ trợ cộng đồng, như xây dựng chatbot để tư vấn, trả lời tự động thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19, hay hỗ trợ các trường dạy và học từ xa thông qua VioEdu.