Bị áp mã hàng hóa sai là một trong những nguyên nhân gây bức xúc cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình khai và nộp thuế.
Đọc E-paper
Vẫn mất tiền oan
Bị cơ quan hải quan áp mã hàng hóa sai dẫn đến việc truy thu thuế sai là chủ điểm được nhiều DN nêu ra tại Hội nghị Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2016 do Bộ Tài chính và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây.
Tại Hội nghị, Công ty TNHH Sản xuất Minh Diệu bức xúc cho biết: Minh Diệu là công ty chuyên sản xuất phụ liệu cho ngành giày, nguyên liệu nhập khẩu hoàn toàn, trong đó có polyestepolyvon. Năm 2015, Hải quan Cát Lái yêu cầu chuyển lượng hàng polyestepolyvon nhập khẩu qua Trung tâm Phân tích hàng hóa thuộc Tổng cục Hải quan.
Tổng cục Hải quan căn cứ vào kết quả phân tích của Trung tâm, polyestepolyvon nhập khẩu bị áp thuế 3% thay vì 0 % như trước đó. Công ty Minh Diệu đã làm đơn khiếu nại việc thay đổi mức thuế, sau đó cơ quan hải quan tổ chức đối thoại và kết luận có sai sót trong kiểm định hàng hóa, đồng thời thay đổi kết quả kiểm định.
Tuy nhiên sau đó cơ quan này không thực hiện việc thay đổi phân loại mã hàng hóa và vì vậy Minh Diệu tiếp tục bị truy thu thuế. Với công ty chuyên nhập khẩu nguyên liệu sản xuất để sản xuất như Minh Diệu thì mức thuế mới này tạo áp lực tài chính rất lớn.
>>Vì sao dân Thụy Điển yêu quý cơ quan thuế?
Theo ông Vương Nhật Bình - Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện lạnh - Thương mại Hòa Bình, Hòa Bình nhận quyết định kiểm tra máy làm nóng lạnh nước uống nhập khẩu sau thông quan và bổ sung kiểm tra hàng hóa nhập khẩu trong 5 năm theo Công văn 6061 ngày 29/6 của Tổng cục Hải quan.
Căn cứ vào công văn này, cơ quan hải quan áp mã hàng theo mức thuế mới, khiến thuế suất năm 2015 - 2016 từ 0% tăng lên 10%, và còn bị truy thu thuế, truy thu khoản nộp chậm, phạt vi phạm hành chính dựa trên hóa đơn từ 5 năm trước.
Trong khi đó, căn cứ vào Khoản 4, Điều 6, Thông tư số 14 của Bộ Tài chính quy định thời gian sau thông quan thì Công ty Hòa Bình chỉ vi phạm từ sau ngày ban hành Thông tư 14 chứ không phải vi phạm từ 5 năm về trước. Tuy nhiên cơ quan thuế vẫn truy thu 3 tỷ 570 triệu đồng cộng thêm 20% tiền nộp chậm.
Hồi đáp trực tiếp trường hợp của Công ty Hòa Bình, ông Vũ Ngọc Anh - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định, Cục Kiểm tra sau thông quan đã làm đúng quy định về việc kiểm tra hàng hóa trong 5 năm, tuy nhiên, quá trình kiểm tra có thể có sai sót.
Theo ông Anh, với hàng hóa xuất nhập khẩu có thay đổi mã số, việc áp mã số trước và sau khi thay đổi vẫn chấp nhận mã số cũ. Các DN có nhu cầu xuất nhập khẩu có quyền yêu cầu hải quan cung cấp mã số. DN nên tận dụng quyền này để tránh sai sót đồng thời phối hợp với bộ chuyên ngành nhằm thống nhất mã số. Vấn đề chưa rõ, DN có thể liên hệ cơ quan hải quan để được giải đáp, hỗ trợ.
Không nhất quán việc áp mã hàng hóa
Ông Bùi Văn Ngọ - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ chia sẻ:
"Công ty chúng tôi chuyên sản xuất máy móc, thiết bị sấy nông sản, thuộc đối tượng không chịu thuế nhưng vẫn phải đóng thuế do khá nhiều đầu mục nguyên liệu mua vào không nằm trong danh sách định danh của cơ quan thuế. Trong văn bản hướng dẫn của ngành thuế hiện có hơn 4.000 đầu mục đã được định danh không phải chịu thuế, tuy nhiên số lượng mặt hàng mà DN sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp phải sử dụng trong thực tế lớn hơn rất nhiều. Chưa kể danh sách mặt hàng đã định danh của Tổng cục Thuế so với DN cùng ngành nghề còn nhiều tên gọi chưa thống nhất, ví dụ như "băng chuyền đứng" có lúc lại gọi là "bộ đài". Chính vì vậy, dù kinh doanh trong lĩnh vực được miễn thuế nhưng DN chúng tôi và nhiều DN khác vẫn phải nộp thuế với số tiền rất lớn".
Ông Cao Anh Tuấn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế hồi đáp về trường hợp của Công ty TNHH Bùi Văn Ngọ: "Chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng nằm trong diện ưu tiên phát triển quốc gia nhằm khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp. Để đề phòng danh mục không bao quát hết, Bộ Tài chính đã để ngỏ danh sách, sẵn sàng áp cho máy móc nào chưa đưa vào danh sách định danh để tính thuế ưu đãi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Danh sách này vẫn được cập nhật thường xuyên".
>>Sửa ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Cơ hội cho ai?
Ông Tuấn đồng thời nhắc DN nên chủ động gửi công văn về Bộ Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh để các cơ quan này có cơ sở giải quyết khiếu kiện.
Bên cạnh việc bị áp mã hàng sai dẫn đến việc truy thu thuế sai, đại diện Tổng công ty May Nhà Bè cho biết, các cơ quan hải quan, thuế thường kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại cũng là vấn đề "đau đầu" đối với DN.
Cụ thể sau khi kiểm tra chuyên ngành nguyên liệu nhập khẩu, kết luận sai, Hải quan Hải Phòng còn thay đổi mã hàng hóa dẫn đến việc áp thuế sai đối với một lô hàng của May Nhà Bè từ 0% lên 12%. Tuy vậy, sau khi nhận đơn khiếu nại, 3 tháng sau cơ quan này mới có công văn trả lời Tổng công ty May Nhà Bè.
Tại Hội nghị, bên cạnh những nội dung truy vấn, nhiều DN trong số hơn 400 DN tham dự đã đưa ra các kiến nghị đóng góp về chính sách, bày tỏ nguyện vọng được minh bạch thông tin trong lĩnh vực thuế, đồng thời kỳ vọng vào sự cải thiện môi trường kinh doanh tới đây sau khi các cơ quan thuế, hải quan bước vào công cuộc cải tổ một cách toàn diện.