"Một trong những quyết định nguy hiểm và gây tốn kém nhất của WHO chính là phản đối việc siết chặt di chuyển từ Trung Quốc cũng như các quốc gia khác", Trump nói. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba cho biết, ông đang chỉ đạo chính quyền ngừng cấp ngân sách và thực hiện một cuộc đánh giá để làm rõ vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước những sai lầm nghiêm trọng trong quản lý, bên cạnh việc che đậy sự lây lan của SARS-CoV-2.
WHO phải chịu trách nhiệm!
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Trump lưu ý "mỗi năm Mỹ đóng góp cho WHO từ 400 - 500 triệu USD, trong khi đó Trung Quốc chỉ đóng góp xấp xỉ 40 triệu USD, thậm chí là ít hơn", và "với tư cách là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO, nước Mỹ có quyền yêu cầu được chịu trách nhiệm đầy đủ".
Đề cập đến khuyến cáo của WHO vào đầu tháng 2/2020, ông Trump chỉ trích: "Một trong những quyết định nguy hiểm và gây tốn kém nhất của WHO chính là phản đối việc siết chặt di chuyển từ Trung Quốc cũng như các quốc gia khác".
"WHO đã thất bại trong việc điều tra các báo cáo đáng tin cậy từ các nguồn ở Vũ Hán, mâu thuẫn trực tiếp với số liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc. Đã có thông tin đáng tin cậy để nghi ngờ về sự lây nhiễm của virus từ người sang người vào tháng 12/2019, lẽ ra WHO phải thúc đẩy điều tra và điều tra ngay lập tức", ông Trump nói.
Không chỉ cáo buộc WHO chấp nhận số liệu từ chính phủ Trung Quốc mà không kiểm tra, Tổng thống Mỹ còn cho rằng việc tổ chức này phụ thuộc vào các báo cáo của Trung Quốc là nguyên nhân khiến số ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới tăng gấp 20 lần. Ông chủ Nhà Trắng lâu nay tin rằng WHO 'thiên vị' Trung Quốc và thông đồng với Bắc Kinh che giấu về Covid-19 để khiến đối thủ kinh tế lớn nhất của nước này là Mỹ bị mù mờ thông tin trước đại dịch.
"Nếu WHO làm công việc của mình, gửi chuyên gia y tế tới Trung Quốc đánh giá diễn biến thực tế và chỉ ra sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, dịch bệnh sẽ được kiểm soát ngay từ đầu với thiệt hại rất nhỏ về sinh mạng. Nó sẽ giúp cứu hàng nghìn mạng sống và tránh gây tổn thương tới nền kinh tế toàn cầu. Nhưng thay vào đó, WHO sẵn sàng tin lời Trung Quốc và bảo vệ những hành động của chính phủ Trung Quốc".
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Bắc Kinh, ngày 28/1/2020. Ảnh: AFP |
Chiêu bài "đổ lỗi"...
Theo thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, thượng nghị sĩ Dân chủ bang Connecticut Chris Murphy, dù cáo buộc trách nhiệm thuộc về WHO và Trung Quốc, song mục đích thực sự của Trump là chối bỏ những sai lầm mà chính quyền của ông mắc phải trong giai đoạn đầu khi ứng phó với Covid-19, đặc biệt khi chính Tổng thống Mỹ lại là người khen ngợi "sự minh bạch" của Trung Quốc vài ngày trước lúc bệnh nhân Mỹ đầu tiên qua đời vì dịch bệnh hôm 6/2/2020.
Trong một dòng tweet ngày 25/1, ông Trump viết: "Trung Quốc đã và đang làm việc rất sốt sắng để kiểm soát virus corona. Mỹ đánh giá rất cao những nỗ lực và sự minh bạch của họ. Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả. Đặc biệt, thay mặt cho người dân Mỹ, tôi muốn cảm ơn Chủ tịch Tập!".
Đồng thời, ông chủ Nhà Trắng cũng không quên khen ngợi WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ bằng một dòng tweet cùng ngày: "Virus corona hầu như đang được kiểm soát tại Mỹ. Chúng tôi đang giữ liên lạc với tất cả mọi người và tất cả các quốc gia có liên quan. CDC và WHO đã làm việc rất chăm chỉ và rất thông minh. Thị trường chứng khoán bắt đầu trông rất tốt với tôi!"
Thế nên, nếu không muốn "tự vả vào mặt mình", Trump buộc phải tìm ra đối tượng để đổ lỗi, và rồi "yêu cầu được chịu trách nhiệm đầy đủ", nhất là khi giới truyền thông cùng phe Dân chủ đang sôi sục trước những sai lầm từ chính quyền của ông. Cụ thể, một bài viết trên tờ New York Times ngày 28/3 lập luận rằng, hơn một tháng trôi qua lãng phí trong việc ngăn chặn Covid-19 vì sơ suất kỹ thuật, sự chủ quan, chậm trễ xét nghiệm trên quy mô lớn đã khiến người dân Mỹ phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Như ông Murphy nói thì "không có sai lầm nào WHO phạm phải mà chính quyền Trump không phạm phải cả. WHO đã quá dễ dàng với Trung Quốc, nhưng Donald Trump cũng như vậy". Theo vị thượng nghị sĩ, "Nhà Trắng và các đồng minh đang nỗ lực phối hợp để tìm kiếm các con dê thế mạng cho những sai lầm chết người mà họ đã mắc phải".
Một bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu Maimonides Medical Center ở Brooklyn, New York hôm 14/4. |
… và gây thanh thế cho bản thân
Thế nên, chiêu bài 'đổ lỗi' đã được Trump sử dụng để trấn an tinh thần người dân Mỹ, hướng dư luận chú ý đến trách nhiệm của WHO lẫn Trung Quốc, thay vì những yếu kém và hạn chế trong ứng phó dịch bệnh của chính quyền. Thêm nữa, việc "trấn an tinh thần người dân" này càng thêm quan trọng đối với chính quyền Trump, đặc biệt trước bối cảnh Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh mẽ ở Mỹ, trong khi đã lắng dịu tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hành động đổ lỗi, kết hợp với việc tổ chức họp báo kéo dài hơn 1 tiếng mỗi ngày của Tổng thống Mỹ để nói về các vấn đề liên quan đến Covid-19 còn nhằm phục vụ cho một mục đích khác. Công bằng mà nói, chính quyền Trump đã bỏ lỡ 'thời gian vàng' để chống dịch; thế nên, thái độ và sự hỗ trợ thực chất từ chính quyền tại thời điểm này đóng vai trò rất quan trọng đối với đội ngũ nhân viên y tế ở tuyến đầu cũng như người dân, nhờ đó góp phần đem lại lợi thế cho Trump trước kỳ bầu cử Tổng thống.
Theo đó, việc mỗi ngày tổ chức một cuộc họp báo kéo dài hơn một tiếng đồng hồ trước rất đông phóng viên, trong điều kiện không có cách ly, chắc chắn sẽ khiến người dân có cảm giác yên tâm hơn về người lãnh đạo đất nước, bất chấp việc vị tổng thống đương nhiệm của Mỹ không thể giải thích cặn kẽ mọi thứ.
Hơn nữa, trước tình hình dịch bệnh khiến cả Đảng Dân chủ lẫn Cộng hoà phải huỷ bỏ các hoạt động gây thanh thế cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, thì việc Trump sử dụng hệ thống truyền hình làm công cụ để gây thanh thế và 'đánh bóng bản thân' hằng ngày là có thể hiểu được.
Ấy là chưa kể đến trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến tồi tệ hơn, tỷ lệ ủng hộ Trump có thể sẽ tăng lên nhờ hiệu ứng đoàn kết đứng sau lãnh đạo mỗi khi đối diện với khủng hoảng. Đơn cử, theo CNN sau sự kiện tấn công khủng bố 11/9/2001, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống George W. Bush đã tăng mạnh, lên tới mức 80% hoặc thậm chí 90%, nhưng sự kéo dài của hiệu ứng đoàn kết ấy thường không cố định.
Trước tình hình dịch bệnh khiến cả Đảng Dân chủ lẫn Cộng hoà phải huỷ bỏ các hoạt động gây thanh thế cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, việc sử dụng hệ thống truyền hình làm công cụ gây thanh thế và 'đánh bóng bản thân' là bước đi hợp lý. |
Hiệu quả thu được là gì?
Dẫn một khảo sát từ Gallup hôm 25/3, CNN cho biết, 49% người được hỏi tán thành với công việc của ông Trump, trong khi số không tán thành là 45%. Tỷ lệ tán thành này cũng là mức cao nhất dành cho Trump trong các cuộc khảo sát của Gallup. Một khảo sát khác từ Đại học Monmouth cũng cho kết quả 46% tán thành với công việc của Tổng thống Mỹ.
Riêng về công tác phòng chống dịch, 60% người Mỹ trong khảo sát của Gallup tán thành với cách Trump ứng phó với Covid-19, trong khi 50% số người thuộc khảo sát của Đại học Monmouth cho rằng ông đã ứng phó tốt với dịch bệnh, và 45% có ý kiến ngược lại. Với nhiều người theo dõi sát sao những động thái cùng lời nói bẩt nhất của Tổng thống Mỹ trong suốt thời gian chống dịch, kết quả này có thể sẽ là một "cú sốc".
Tuy nhiên, theo CNN, kết quả khảo sát từ Gallup và Đại học Monmouth cho thấy, hoặc là người dân không theo dõi từng một tuyên bố được vị Tổng thống của họ đưa ra về vấn đề phòng, chống dịch; hoặc họ không cho rằng cá nhân Trump phải chịu trách nhiệm về những 'sự cố' dọc đường. Song, dù là gì đi nữa, có thể thấy, các chiến lược được Trump thực hiện đã phát huy hiệu quả, ít nhất là cho tới bây giờ.