DN tư nhân tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Tại sao không?

Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN/ HẢI VÂN ghi| 25/07/2012 03:22

Việt Nam muốn phát triển CCƯ phải tác động vào một loạt các chính sách liên quan, như khoa học công nghệ, đào tạo..., đặc biệt là chính sách ngành.

DN tư nhân tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Tại sao không?

Trong chuỗi cung ứng (CCƯ) toàn cầu, sự tham gia của Việt Nam đến nay phần lớn vẫn là xuất khẩu sản phẩm thô hoặc gia công. Một số chuỗi cung ứng gạo, cà phê, thủy sản... đã được hình thành nhưng phạm vi hẹp, ảnh hưởng nhân rộng hạn chế. Nguyên nhân một phần là do thiết chế luật pháp chưa nghiêm, dẫn đến liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) lỏng lẻo, DN chưa có niềm tin với nhau, khiến việc hình thành CCƯ chập chờn.

Đọc E-paper

Thực tế, không một ngành nào có thể phát triển biệt lập, bởi có nhiều nhân tố tác động. Việt Nam muốn phát triển CCƯ phải tác động vào một loạt các chính sách liên quan, như khoa học công nghệ, đào tạo..., đặc biệt là chính sách ngành.

Các chính sách ngành phải được thiết kế kỹ lưỡng, nhìn đến tất cả những nhân tố liên quan.

Lâu nay, thiếu những cái đó nên chúng ta đã chọn quá nhiều ngành ưu tiên, mà không ưu tiên nào phát triển tốt được.

Do đó, chúng ta phải dựa mạnh vào sự năng động, khả năng sáng tạo của DN, mà điều này thì khu vực tư nhân có ưu thế tuyệt đối so với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

DNNN do Nhà nước xây dựng để tập trung vào những việc cốt lõi của Nhà nước. Được cung ứng những đầu vào cần thiết, đảm bảo thị trường đầu ra nên DNNN không có động lực hình thành CCƯ.

Nếu có DN hình thành thì chỉ là mô hình khép kín hoặc sân sau để kiếm lợi, không tạo được sự năng động, tính cạnh tranh. Rất khó đặt vấn đề này với DNNN. Muốn phát triển CCƯ, Nhà nước nên tập trung vào khu vực tư nhân, tạo động lực tối đa cho khu vực này phát triển.

Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay của khu vực tư nhân là tiếp cận các chính sách hỗ trợ, cơ chế ưu đãi của Nhà nước. Các tổ chức khác nhau đã nghiên cứu vấn đề này, tìm kiếm giải pháp có thể thực hiện trong các chương trình tái cơ cấu kinh tế.

Nhìn từ thực tế đó, cái cần tái cơ cấu nhất ở Việt Nam chính là thể chế. Thể chế ở đây không phải chỉ là ban hành các luật, các chính sách trên giấy, mà là tổ chức thi hành như thế nào, khâu này thường rất yếu.

Chúng ta có những luật hay, những nghị định “đẹp”, chẳng hạn như nghị định về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhưng đáng buồn là nó đi vào cuộc sống không bao nhiêu.

Ngay cả những chính sách Chính phủ mới đưa ra, như Nghị quyết 13 về tháo gỡ khó khăn cho DN và trước đó là chính sách kích cầu, thì 3 khu vực ưu tiên: DNNVV, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, nhận được bao nhiêu phần trăm, hay phần lớn nhất rơi lại vào các DNNN, các đại gia và chỉ một số ít DN lớn của tư nhân có khả năng thiết lập.

Chính phủ đưa ra chính sách, DN không thực hiện cũng không tội vạ gì.

Chúng ta phải thay đổi thể chế, cả về cơ chế thi hành và giám sát thi hành, để có những chế tài đủ mạnh xử lý những cá nhân, cơ quan không thực hiện đúng chỉ đạo, tư tưởng chính sách.

Nhưng để làm được việc đó, phải tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong các cơ chế, chính sách, làm rõ việc DN không thực hiện hoặc thực hiện không tốt/xấu thì cá nhân, cơ quan nào chịu trách nhiệm, không thể để đến cuối cùng trở thành trách nhiệm tập thể.

Bên cạnh đó, tăng cường dân chủ, tiếng nói của của DN trong thực hiện các cơ chế, chính sách.

Ở các nước, chẳng hạn như Hoa Kỳ, nhiều DNNVV tham gia vào CCƯ toàn cầu, nhưng chuẩn DNNVV của họ khác nhiều so với Việt Nam, nên chúng ta phải thực tế.

Không thể thúc đẩy DN tư nhân tham gia một cách chung chung. Về mặt chính sách, một loạt vấn đề Nhà nước phải làm để tạo môi trường, điều kiện cần thiết cho DN tư nhân có thể phát triển CCƯ trong nước, từng bước tham gia CCƯ toàn cầu.

Xây dựng CCƯ, Việt Nam cần một số DN mang tính chất đầu đàn làm trung tâm, đó là những DN tư nhân quy mô vừa hoặc đã phát triển lên tương đối lớn, có trải nghiệm thực tế và đã đạt thành công nhất định.

Nếu chọn những DN quy mô quá nhỏ sẽ không đủ khả năng về vốn, công nghệ, năng lực quản trị để kiểm soát chất lượng sản phẩm, kiểm soát rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Trong 500 DN có tốc độc phát triển nhanh nhất của Việt Nam do Vietnamnet đưa ra hàng năm, số DN tư nhân đang tăng lên, hiện là trên 200.

Trước hết, có thể tập trung hỗ trợ cho những DN này để họ đủ khả năng phát triển CCƯ. Đây sẽ là trụ cột, tập hợp những DNNVV khác làm vệ tinh.

Trong điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam, nên ưu tiên cao cho ngành nông nghiệp, các ngành liên quan đến nông nghiệp và dịch vụ, bởi nếu cứ để cho nông dân loay hoay thì nông nghiệp không phát triển được.

Với một nền tảng nông nghiệp khá lớn, gần 50% dân số ở nông thôn, sẽ tạo điều kiện cho các DN phát triển CCƯ. Riêng khâu sau thu hoạch, có thể trở thành nhiều địa bàn cho DN hình thành các CCƯ.

Thị trường thế giới đang có nhu cầu lớn về nguyên liệu tự nhiên cho ngành dược, Việt Nam có thế mạnh về lĩnh vực này, hoàn toàn có thể tham gia CCƯ toàn cầu. Nhìn vào phát triển của Traphaco, của Dược Hậu Giang có thể thấy khả năng tham gia CCƯ toàn cầu rất lớn.

Các DN này có cách tiếp cận thị trường đúng đắn, tự nâng dần trình độ, xây dựng CCƯ trong nước và từng bước tham gia vào CCƯ khu vực và thế giới.

Việt Nam cũng có thể bắt đầu từ lĩnh vực IT, hoặc ICT, những ngành không đòi hỏi quy mô lớn về vốn, về nhân lực, nhưng đòi hỏi nhiều về chất lượng công nghệ cao. Hiện một số DN quy mô nhỏ đã có cách tiếp cận riêng, đáp ứng yêu cầu nhất định về trình độ công nghệ, kỹ năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN tư nhân tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Tại sao không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO