Đánh giá tình hình sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết đã đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích cũng như đã khai thác được tiềm năng về đất đai, tạo nguồn thu cho ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng và là một nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển đô thị và nông thôn mới ở Thành phố những năm qua.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhìn nhận một số chỉ tiêu về sử dụng đất không thực hiện được theo quy hoạch được duyệt, làm hạn chế hiệu quả sử dụng và bảo vệ môi trường.
Theo ông Thắng, nguyên nhân là do thiếu các giải pháp có tính khả thi để quy hoạch sử dụng đất, trong đó có 2 khâu yếu là không cân đối đủ nguồn vốn đầu tư và bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Đến cuối năm 2015, TP.HCM còn 2.100ha đất ở đô thị chưa được chuyển mục đích sử dụng theo kế hoạch được duyệt.
Đề cập đến quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, nhóm đất nông nghiệp được điều chỉnh đến năm 2020 là 88.005ha (năm 2010 là 118.052ha). Nhóm đất phi nông nghiệp là 188.890 ha, cao hơn 1.080ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ (năm 2010 là 90.868ha), trong đó đất phát triển hạ tầng là 34.912ha, cao hơn 3.244ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ, tăng 15.233ha so với năm 2015. Đất ở đô thị được điều chỉnh đến năm 2020 là 1.250ha, cao hơn 134ha so với chỉ tiêu quốc gia phân bổ.
Theo ông Thắng, Thành phố sẽ chú trọng đầu tư hoàn chỉnh 4 đô thị vệ tinh tại 4 hướng (phía Đông gồm phường Long Trường, quận 9, giáp với trục cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây với diện tích khoảng 280ha; phía Tây với khu vực giáp quốc lộ 1A thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (200 ha), trục Nguyễn Văn Linh; phía Nam là khu A đô thị mới Nam Sài Gòn, trục đường Nguyễn Hữu Thọ (110ha) và phía Bắc thuộc khu Tây - Bắc (500ha), hướng quốc lộ 22).
Song song đó là xây dựng giao thông kết nối giữa các khu dân cư và các tuyến metro để tiếp cận nhanh với giao thông công cộng, đồng thời chú trọng đầu tư các đô thị vệ tinh theo hướng đồng bộ cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi để hạn chế sự di chuyển của người dân vào khu trung tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy chương trình giãn dân ra các khu đô thị mới. Thành phố sẽ tiếp tục chọn những nhà đầu tư có năng lực để đầu tư những dự án lớn, các khu đô thị mới.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phải thống nhất, chặt chẽ, chống lãng phí nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng phải công khai thông tin, giám sát, đảm bảo quyền lợi đối với người dân bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, việc công khai này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án, tạo điều kiện giám sát việc thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo quyền lợi của người có đất và giúp cơ quan quản lý theo dõi tiến độ thực hiện dự án, đồng thời phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát tất cả các dự án chậm triển khai để có phương án xử lý theo hướng dự án nào sau 3 năm không triển khai thì công bố hủy bỏ, thu hồi đất và giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người dân.