Tại phiên trả lời chất vấn ngày 5/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tình hình xăng dầu trong nước và trên thế giới tiếp tục có diễn biến mới. Cụ thể, nguồn cung xăng dầu ngày càng khan hiếm bởi những ngày qua các nền kinh tế lớn tăng thu mua lượng dầu từ những nguồn cung chính là OPEC+ và Nga.
Ngoài ra, tỷ giá USD và Euro liên tục thay đổi theo chiều hướng tăng gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Bên cạnh đó, do nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của ngân hàng nên việc tiếp cận vốn, ngoại tệ để bảo lãnh nhập, hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối cũng hạn chế.
Những yếu tố này đã dẫn đến tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung trong hệ thống xăng dầu ở một số nơi, nhất là những thành phố lớn.
Theo ông Diên, Bộ Tài chính vừa qua đã có phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, ý kiến này đã được Bộ Công Thương đồng thuận.
Như vậy, trong kỳ điều hành tới vào 11/11, các chi phí phát sinh trong giá bán sẽ được tháo gỡ tương đối tốt cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các ngân hàng sẽ xem xét, giải quyết một cách cụ thể đối với những doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn và bảo lãnh cho việc thanh toán.
Về vấn đề nguồn cung, ông Diên cho biết, xăng dầu trong nước sản xuất ra đạt khoảng 80% nhu cầu. Song trong 80% xăng dầu sản xuất thì khoảng một nửa lượng dầu thô vẫn phải nhập từ thế giới. Cùng với đó là khoảng 20% xăng dầu thành phẩm nhập từ nước ngoài.
Tuy vậy, sản lượng sản xuất trong nước cũng như số lượng nhập từ nước ngoài đã đạt 86% kế hoạch năm. "Chúng ta có thể khẳng định nguồn cung ở các doanh nghiệp, dự trữ thương mại… là hoàn toàn bảo đảm theo kế hoạch", ông Diên khẳng định.
Về vấn đề điều hành giá xăng dầu theo ngày, theo ông Diên, nếu 10 ngày điều hành một lần không hợp lý thì có thể rút xuống 5 ngày. Thậm chí, nếu việc điều chỉnh theo ngày là ý kiến của đa số người dân thì Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền.