Điện lưới quốc gia và kết nối hàng không sẽ giúp kinh tế Côn Đảo bứt phá

Lan Ngọc| 10/07/2023 01:00

Ông Lê Văn Phong - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, để kinh tế Côn Đảo bứt phá trong những năm tới, cùng với việc cấp điện từ lưới điện quốc gia tới Côn Đảo, thì việc bố trí thêm nguồn lực vốn đầu tư từ Trung ương cần đồng bộ thực hiện cải thiện kết nối hàng không.

Điện lưới quốc gia và kết nối hàng không sẽ giúp kinh tế Côn Đảo bứt phá

* Côn Đảo thời là “địa ngục trần gian” kinh tế phát triển thế nào, thưa ông?

- Hơn một thế kỷ (từ ngày 1/2/1862 đến năm 1975), Côn Đảo là “địa ngục trần gian”, do thực dân và đế quốc đã xây dựng hệ thống nhà tù tại Côn Đảo và sử dụng để giam cầm, truy bức, khủng bố các tù nhân bằng những nhục hình man rợ, tàn ác nhằm hủy diệt ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc của những người Việt Nam yêu nước. Thời địa ngục trần gian ấy, kinh tế ở Côn Đảo rất kém phát triển, phần lớn diện tích đất là rừng, số còn lại ít ỏi là đất nông nghiệp nhưng nông nghiệp và ngư nghiệp phát triển cũng chỉ tập trung vào một số tên có quyền thế trên đảo chủ yếu sống dựa vào thành quả lao động khổ sai của người tù. 

* Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), Côn Đảo đã chuyển mình phát triển cùng đất nước và diện mạo kinh tế - xã hội ở Côn Đảo đã đổi thay ra sao?

- Sau giải phóng, kinh tế Côn Đảo phát triển theo hướng từng bước xây dựng các cơ sở kinh tế quốc doanh, mở rộng đất, khai thác hải sản, phân phối nhu yếu phẩm sinh hoạt theo chế độ tem, phiếu. Tuy nhiên, đó là thời kỳ kinh tế phát triển theo mô hình kế hoạch hóa nên còn rất nhiều hạn chế. 

Từ năm 1986 đến nay, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, kinh tế của huyện Côn Đảo đã có nhiều chuyển biến đi lên; giao thông kết nối và được mở rộng cả về đường thủy, đường hàng không nên ngành du lịch ở Côn Đảo đã phát triển mạnh, đời sống người dân được cải thiện từ “ăn no, mặc ấm” (trước năm 2015) sang “ăn ngon mặc đẹp” (từ năm 2016). Các ngành kinh tế khác của huyện Côn Đảo như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng đã có những bước phát triển khởi sắc và đi lên.

-4319-1688871875.jpg
Ông Lê Văn Phong - Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

* Ông có thể cho biết, hạ tầng kinh tế - xã hội tại Côn Đảo hiện nay đã và đang phát triển ở mức độ nào?

- Tuy là một huyện đảo, nhưng Côn Đảo đang phát triển có dáng dấp là một đô thị được đầu tư khá đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng, dịch vụ công ích, môi trường… 

Trong những năm vừa qua, huyện Côn Đảo đã tích cực tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, ngân sách trung ương để tập trung xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật trọng điểm, trùng tu và sửa chữa các công trình văn hóa, kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, hệ thống cấp nước dự trữ, tích trữ nước ngọt, thu gom và xử lý nước thải, triển khai các dự án nâng cấp, mở rộng cảng Bến Đầm, cảng tàu khách... nhờ vậy đã cải thiện đáng kể việc tiếp cận đến Côn Đảo.

* Khó khăn, hạn chế nào (nếu có) còn đang cản trở, thách thức sự bứt phá phát triển kinh tế - xã hội tại Côn Đảo, thưa ông?

- Dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã tác động ảnh hưởng lớn tới phát triển du lịch tại Côn Đảo. Là huyện đảo xa đất liền, giao thông kết nối dù đã được đầu tư, cải thiện, song vẫn là một vấn đề rất cần phải tiếp tục được quan tâm cải thiện hơn thì Côn Đảo mới có điều kiện thuận lợi để phát triển. 

Các sản phẩm du lịch tại Côn Đảo hiện nay vẫn chưa thu hút được du khách lưu trú dài ngày; khả năng khai thác các tiềm năng, thế mạnh, loại hình về du lịch sinh thái biển đảo phục vụ phân khúc khách du lịch cao cấp, khách quốc tế đến lưu trú dài ngày còn rất hạn chế; giá vé máy bay quá cao, khó tiếp cận trong mùa cao điểm du lịch cũng khiến Côn Đảo khó khăn trong thu hút du khách.

Quỹ đất phát triển kinh tế Côn Đảo hạn hẹp (chỉ khoảng 512,5ha), phân tán manh mún, một số khu vực có địa hình dốc do phần lớn là đất rừng tự nhiên của vườn quốc gia, đất an ninh quốc phòng, đất di tích. Quy mô nền kinh tế nhỏ, chi phí đầu tư, nhất là chi phí xây dựng còn cao nên việc thu hút đầu tư và triển khai các dự án phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khăn.

Điện cho nhu cầu phát triển tại Côn Đảo còn thiếu hụt lớn. Tại Côn Đảo cũng chưa hình thành được các khu vực thương mại, dịch vụ có chất lượng cao. Tuyển dụng lực lượng giáo viên cho ngành giáo dục còn gặp rất nhiều khó khăn do Côn Đảo xa đất liền, trong khi các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực này từ địa phương khác chưa đủ sức hấp dẫn. Dịch vụ y tế chưa đáp ứng được yêu cầu, việc khám, chữa các bệnh nặng cho người dân vẫn phải di chuyển về đất liền mất nhiều thời gian, chi phí tốn kém.

* Ông có đề cập việc Côn Đảo đang thiếu hụt điện, xin hỏi cụ thể nhu cầu điện ở mức độ nào, hiện trạng cấp điện tại Côn Đảo ra sao? 

- Theo quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đã được Bộ Công Thương phê duyệt), nhu cầu điện định hướng cho huyện Côn Đảo đến năm 2025 là 21MW, năm 2030 là 33,3MW, năm 2035 là 46,4MW. Tuy nhiên, hiện nay nguồn điện cung cấp cực đại tại Côn Đảo theo thiết kế mới chỉ đạt 11,8MW thông qua 9 tổ máy phát điện diesel, nhưng thực tế hoạt động cũng không đạt hiệu suất, công suất khả dụng mới chỉ đạt 6,4/11,8MW. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống người dân ngày một tăng cao (nhu cầu điện thương phẩm tại Côn Đảo trong quý I/2023 tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2022), điện lực vẫn thường xuyên phải cắt giảm, điều tiết cung cấp điện mới có thể đảm bảo cấp điện ổn định cho toàn huyện. 

Hiện Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai đầu tư, xây dựng thêm 4 tổ máy phát điện diesel dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 để bù đắp nhu cầu điện bị thiếu hụt tại Côn Đảo. Trước mắt (trong năm 2023), Côn Đảo đang phải tính đến kế hoạch thuê thêm máy phát điện để giảm áp lực thiếu điện. 

-8684-1688871875.jpg
Bến Đầm tại Côn Đảo

Xét về tổng thể, nguồn điện phục vụ cho nhu cầu phát triển tại Côn Đảo hiện nay mới chỉ đạt ở mức độ duy trì ổn định thực hiện các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, chưa thể đáp ứng được đủ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch, các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. 

* Ngày 16/6/2023, Thủ tướng đã ký Quyết định số 708/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia tới Côn Đảo, điều này có ý nghĩa thế nào với Côn Đảo, thưa ông? 

- Thứ nhất, sẽ đảm bảo nguồn cung cấp cấp điện ổn định tại Côn Đảo, góp phần giảm thiểu tác động tới môi trường sinh thái từ việc cấp điện, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện Côn Đảo nhanh hơn. 

Thứ hai, sẽ tạo ra bước đột phá về giao thương hàng hóa, dịch vụ giữa các địa phương tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng như các khu vực lân cận khác với huyện Côn Đảo. Khi có đủ điện ổn định cấp từ lưới điện quốc gia, huyện Côn Đảo sẽ có điều kiện đầu tư xây dựng trở thành “khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao” gắn với bảo tồn, tôn tạo di tích cách mạng đặc biệt (nhà tù Côn Đảo), bảo vệ môi trường sinh thái, gắn kết chặt chẽ sự phát triển của huyện Côn Đảo với phát triển của cả vùng phía Nam đất nước, giúp Côn Đảo thu hút được các nhà đầu tư mới đến đầu tư, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm cho địa phương, cải thiện đời sống, thu nhập cho người dân trên đảo.

Thứ ba, huyện Côn Đảo sẽ có điều kiện để triển khai thực hiện thành công đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trong giai đoạn 2022-2026” với 6 mục tiêu: không rác thải nhựa; tuần hoàn nước; tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; tăng xe điện; bảo tồn đa dạng sinh học; du lịch tuần hoàn. Đây được xem là một trong những giải pháp chiến lược có tính đột phá để giải quyết các tồn tại trong quá trình phát triển mang tính đa mục tiêu, giúp huyện Côn Đảo ngoài phát triển kinh tế - xã hội bền vững, còn đảm bảo tốt về an ninh, quốc phòng, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân không những trong ngắn hạn mà còn cả trong dài hạn. 

* Để kinh tế Côn Đảo bứt phá những năm tới, theo ông cần có những quyết sách chiến lược và giải pháp gì? 

- Để phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển đảo, phát huy hiệu quả nguồn điện lưới quốc gia cấp tới Côn Đảo, Trung ương cần bố trí thêm nguồn vốn đầu tư từ ngân sách để thực hiện các dự án theo mục tiêu phát triển Côn Đảo giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo tương xứng với nhiệm vụ đã được giao theo các định hướng, quy hoạch phát triển của Trung ương.

Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo triển khai dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia tới Côn Đảo đảm bảo về tiến độ, chất lượng, hiệu quả; chỉ đạo sớm khởi công dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo đồng bộ với việc thực hiện cấp điện từ lưới điện quốc gia tới Côn Đảo nhằm tăng cường kết nối Côn Đảo với bên ngoài và ngược lại, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch, giao thương, giúp Côn Đảo có thể kêu gọi thêm được vốn đầu tư ngoài ngân sách để thực hiện các dự án du lịch điểm nhấn theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điện lưới quốc gia và kết nối hàng không sẽ giúp kinh tế Côn Đảo bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO