Điện gió vẫn ở thì tương lai

THANH HUYỀN| 24/06/2018 06:35

Hiện tại, Việt Nam có khoảng 189,2MW điện gió, so với mục tiêu 800MW vào năm 2020 trong Tổng sơ đồ Điện 7 vẫn ở khoảng cách rất xa.

Điện gió vẫn ở thì tương lai

Ảnh minh họa

Ông Bùi Vĩnh Thắng - Công ty Năng lượng gió và mặt trời toàn cầu Mainstream Renewable Power chia sẻ, Việt Nam là một thị trường trọng điểm của Công ty, nhưng việc phát triển điện gió đang gặp nhiều khó khăn, nhất là chưa có hợp đồng mua bán điện mẫu chuẩn (PPA).

PPA là yếu tố quyết định chi phí vốn khi đầu tư xây dựng điện gió. PPA được chuẩn hóa, minh bạch và được các tổ chức tài chính chấp nhận là để giảm rủi ro và chi phí vốn. Tại Hội nghị Điện gió Việt Nam tuần trước tại Hà Nội, ông Steve Sawyer - Tổng thư ký Hiệp hội Điện gió Toàn cầu (GWEC) cho biết, gần đây nhiều PPA cho các công trình điện gió đã được ký kết.

Nhưng PPA vẫn cần được tinh chỉnh hơn nữa để được các tổ chức tài chính quốc tế chấp thuận và để công suất phát điện sử dụng năng lượng gió ở Việt Nam đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Trực tiếp làm việc tại Việt Nam từ năm 2016, ông Tobias Cossen - Trưởng Chương trình điện gió thuộc Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho biết, đang có nhiều bên liên quan quan tâm tới PPA. Phía Mỹ cũng quan tâm tới hợp đồng này. GIZ đang tiếp tục vận động cho hợp đồng mua bán điện chuẩn nhưng tới giờ vẫn chưa có được PPA chuẩn.

Link bài viết

Theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới, nguồn tài nguyên gió chưa được khai thác ở Việt Nam là 27GW, trong khi các dự toán khác đưa ra con số cao hơn. Tận dụng nguồn tài nguyên gió phong phú là một trong những lựa chọn để Việt Nam đáp ứng được nhu cầu điện ngày một tăng cao.

Quy hoạch Phát triển điện quốc gia ban hành vào năm 2011 và điều chỉnh vào năm 2016 đề ra mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng sản xuất điện sử dụng năng lượng gió chiếm 6,5% trong cơ cấu nguồn điện, và đến năm 2030 đạt 6,9%, tức 800MW vào năm 2020 và 6.000 MW vào năm 2030. Với công suất các nhà máy điện gió ở Việt Nam hiện tại chỉ ở mức 189,2MW, còn cách rất xa mục tiêu đề ra cho năm 2020.

Trên nhiều thị trường, điện gió là công nghệ sản xuất điện có sức cạnh tranh nhất. Đầu tư hợp lý vào nghiên cứu và phát triển (R&D), tiến bộ công nghệ cũng như lợi ích kinh tế khiến điện gió trở thành công nghệ được ưu tiên lựa chọn nhiều nhất để sản xuất điện trên toàn thế giới.

Việt Nam có tiềm năng về điện gió rất lớn. Nhưng theo ông Tobias Cossen, trừ các diện tích không phù hợp, tổng tiềm năng vào khoảng 20GW. Cũng theo ông Tobias Cossen, thị trường điện gió Việt Nam mới phát triển ở giai đoạn sơ khai, dù đã có thêm cơ chế ưu đãi của Chính phủ.

Ông Tobias Cossen nói rằng phía Việt Nam cần chú ý tới hợp đồng TPA (dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm bồi thường thông qua bên thứ 3). Các nhà đầu tư rất quan tâm tới hợp đồng TPA để vay vốn ngân hàng. Ông cho biết, năm trước, từ các nhà tài trợ tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp đều nỗ lực giải quyết TPA, nhưng đến nay chưa thành công. Vấn đề là phải có sự bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam. 

Một tin tốt là Bộ Tài chính Việt Nam sẽ ưu tiên cho năng lượng tái tạo để giải quyết được vấn đề bảo lãnh. Nhưng ông Tobias Cossen nói: "Không biết bao giờ mới phê duyệt được bảo lãnh này".

Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển, Việt Nam có nhu cầu cấp thiết về nguồn năng lượng sạch với giá phải chăng, và điện gió có thể góp một phần trong việc giải quyết nhu cầu này. Vừa qua, Hiệp hội Điện gió Toàn cầu và các đối tác đã đưa ra khuyến nghị về phát triển điện gió tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuẩn hóa PPA.

Đặc điểm của điện gió là chi phí xây dựng phần lớn đều là chi đầu tư trả trước, không phát sinh chi phí nhiên liệu và chi phí vận hành, bảo trì trong suốt vòng đời tương đối nhỏ. Do đó, vốn và chi phí vốn là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn để đầu tư vào điện gió.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Điện gió vẫn ở thì tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO