Liên kết trong thế lỏng lẻo

Ban biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn| 02/10/2009 07:27

Sau gần 5 tháng mở diễn đàn “Doanh nhân và nông dân: Ai cần ai?”, Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã nhận được nhiều bài viết của các nhà khoa học, chuyên viên kinh tế, doanh nhân, nông dân và bạn đọc...

Liên kết trong thế lỏng lẻo

Sau gần 5 tháng mở diễn đàn “Doanh nhân và nông dân: Ai cần ai?”, Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã nhận được nhiều bài viết của các nhà khoa học, chuyên viên kinh tế, doanh nhân, nông dân và bạn đọc gửi về tham gia với nhiều góc nhìn khác nhau.

Một trang trại ở Tây Nguyên - Ảnh Vũ Đức Tân

Tựu trung diễn đàn là những trăn trở về thực trạng nông dân, chủ trang trại canh tác lạc hậu, manh mún và sự liên kết giữa “bốn nhà” (nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - Nhà nước) chưa chặt chẽ, chưa tạo đà để nông nghiệp phát triển bền vững.

Khép lại diễn đàn này, Ban biên tập chúng tôi rất cám ơn nhà tài trợ Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Vinamit, rất cám ơn quý vị đã gửi bài, ảnh góp phần làm cho diễn đàn thành công.

Vì sao nông dân còn nghèo?

Đó là câu hỏi mà hầu hết ý kiến đã đặt ra trong diễn đàn. Theo ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, trong khi các sản phẩm nông nghiệp VN như lúa, gạo, cá tra, cá ba sa, tôm sú, cà phê, cao su, trà, hạt tiêu, hạt điều đang thuộc top nhất nhì thế giới, năm 2008, xuất khẩu nông sản đạt 16,2 tỷ USD, trong đó thủy sản và gạo trên 7 tỷ, nhưng thực tế, người nông dân vẫn còn nghèo, nguyên nhân là do nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, ở đâu, bao nhiêu, bán cho ai, lời bao nhiêu, gần như không biết. Lãnh đạo ngành nông nghiệp thì như người làm công tác khuyến nông.

Lý giải thêm tình trạng nghèo nàn của nông dân, GS. TS Võ Tòng Xuân - Đại học An Giang cho rằng, hậu quả là do đất đai canh tác manh mún, nhỏ lẻ nên sản phẩm không đồng đều, chất lượng thấp, giá thành cao. Nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất thì thiếu trầm trọng. Mặc dù dịch vụ về tín dụng ở nông thôn đã có nhưng để vay được nguồn vốn này không dễ, thường nông dân chỉ được vay từng vụ, phải trả nợ ngay sau khi thu hoạch. Vì thế, nông dân không đủ tiền để đầu tư sản xuất, khó có điều kiện tích lũy vốn.

Một thực trạng khác khiến lợi tức của nông dân gia tăng chậm, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, đó là người nông dân không được định hướng sản xuất, thường bắt chước nhau nuôi, trồng một cách quá tự do, dù không biết sẽ bán cho ai, bán được bao nhiêu. Vì thế, khi thì nông phẩm không ai mua, khi thì phải bán rẻ, khi không có hàng để bán. Trong sản xuất, nông dân chỉ làm theo kinh nghiệm, không theo khuyến cáo kỹ thuật. Sản phẩm làm ra chỉ biết tiêu thụ qua thương lái với giá rẻ trong khi mua lại vật tư nông nghiệp và hàng tiêu dùng với giá cao.

Đứng ở góc độ thị trường, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Vinamit, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và Trang trại nông dân - nông thôn VN phân tích: Do thị trường bị thương lái chi phối, họ cần gì phải đáp ứng ngay nên mảnh vườn của người nông dân trồng đủ thứ cây. Mục tiêu của thương lái là lợi nhuận nên thường lấy giá người này ép giá người khác. Chỉ khi một mặt hàng nào quá khan hiếm thì mới nâng giá mua. Cũng vì vậy, phương thức bán mão, bán xô được nông dân ưa chuộng vì chất lượng tốt xấu đều tiêu thụ hết. Họ không cần làm thương hiệu. Tóm lại, nông dân ta còn nghèo bởi nền nông nghiệp vẫn đang thiếu hệ thống tiêu thụ sản phẩm, lợi thế cạnh tranh không có, không có khả năng tương tác thị trường, không có định hướng làm thương hiệu để nâng giá trị sản phẩm.

Chính sách nông nghiệp bất cập

TS Vũ Trọng Khải - Trường Quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II nêu ý kiến: Quá trình ban hành chính sách về nông nghiệp, nông thôn của bộ máy công quyền và quá trình nghiên cứu khoa học của giới học thuật là hai đường thẳng song song. Việc nghiên cứu khoa học về kinh tế, xã hội nông thôn, về nông nghiệp - nông dân chưa được coi là khâu bắt buộc trong quá trình ban hành chính sách. Thực tế, các nhà hoạch định chính sách cũng ít khi hỏi ý kiến người dân và không tính toán khả năng thực thi của chính sách.

Dây chuyền sản xuất thực phẩm của công ty Vissan - Ảnh Quý Hòa

Luật Đất đai hiện nay đang hạn chế quy mô diện tích đối với hộ nông dân. Trong khi các DN, cả lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp có quyền thuê đất 50-70 năm tùy dự án, thì nông dân chỉ được sử dụng 20 năm đất trồng cây hằng năm. Nếu biết lách luật, hai vợ chồng nông dân có thể lập công ty trách nhiệm hữu hạn và với tư cách là DN , họ dễ dàng tích tụ ruộng đất.

Theo các ý kiến tham gia diễn đàn, không tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp không thể hiệu quả. Và như vậy thì làm sao có thể cơ giới hóa, làm sao tạo ra vùng nông nghiệp hàng hóa chuyên canh lớn đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của công nghiệp chế biến và thị trường? Do không có quỹ đất lớn (hạn điền theo quy định cho nông dân là 2ha đất hằng năm/hộ ở các tỉnh phía Bắc và 3ha/hộ ở các tỉnh phía Nam), nên không có sản lượng lớn bán ra cùng lúc.

Ông Nguyễn Lâm Viên thẳng thắn khẳng định: Chính sách miễn thuế hay thuế VAT bằng 0 cho nông dân chưa công bằng so với DN xuất khẩu. Nông dân hay chủ trang trại không được khấu trừ đầu vào mà phải hạch toán vào giá vốn. Khi nông dân mua cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thiết bị nông nghiệp thì dù có hóa đơn VAT cũng không được cơ quan thuế hoàn trả lại. DN kinh doanh không được miễn thuế đầu vào cho nông sản. Vậy, nếu nông dân không có hóa đơn VAT thì DN sẽ không có gì để khấu trừ, họ phải đóng đủ 10% trên sản phẩm bán ra thị trường.

Mô hình liên kết: Có nhưng hời hợt

Theo ông Lê Duy Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trang trại Việt Nam, mô hình trang trại hiện được xem là bước đột phá trong sản xuất hàng hóa nông nghiệp, một số trang trại lớn, chủ trang trại đã liên kết với nông dân bằng hình thức khoán đất canh tác, qua đó nông dân có điều kiện tiếp cận kỹ thuật trồng trọt. Tuy nhiên, mô hình này, theo ông Lê Duy Minh, vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, kỹ thuật và do không nắm thông tin thị trường, đầu tư theo cảm tính nên “điệp khúc được mùa mất giá” vẫn liên tục diễn ra. Đặc biệt, việc liên kết giữa các nhà, đặc biệt là “nhà bank” thì hầu như chưa có. Nguyên nhân là do đất của các chủ trang trại phần lớn đều phải thuê của địa phương nên chỉ được cấp “sổ xanh” nên khi vay vốn không được ngân hàng chấp nhận. Nếu mua đất (được cấp “sổ đỏ” có thể vay vốn) thì theo quy định hạn điền của Nhà nước chỉ cho mua tối đa 30ha, quá nhỏ để xây dựng trang trại.

Cũng do không có quy định rõ ràng nên nhiều DN đã đầu tư cho nông dân và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nhưng do nhận thức hạn chế và chỉ nhìn thấy lợi trước mắt nên không ít nông dân khi thấy giá thị trường cao hơn thì bán cho thương lái. Một thực tế, theo ông Nguyễn Lâm Viên, là trong khi hợp đồng với nông dân trồng cây chuyên canh thì nhiều hộ vẫn trồng tạp, bán cho nhiều mối, nên sản phẩm không đáp ứng nhu cầu.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, ông Lưu Văn Tân - Giám đốc phát triển ngành sữa Công ty FrieslandCampina cho rằng, việc liên kết giữa các công ty với người chăn nuôi hiện rất khó do thiếu thông tin hướng dẫn quy hoạch cụ thể, cũng như chính sách, quyền lợi đảm bảo cạnh tranh nên nông dân còn ngại mở rộng sản xuất. Mặt khác, do tâm lý làm nhỏ không cần cải tiến, đổi mới, nên việc triển khai các quy trình kỹ thuật, vệ sinh của nhà sản xuất với nông dân bị hạn chế.

Một số kiến nghị

Theo ông Lê Quốc Phong, để liên kết “bốn nhà” hiệu quả thì về phía nông dân cũng phải thay đổi cách suy nghĩ, thói quen làm ăn nhỏ, phải biết điểm mạnh, điểm yếu của mình trong điều kiện cụ thể ở từng địa phương để sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, khối lượng lớn, chủ động tổ chức lại sản xuất, biết sản phẩm mình sẽ bán ở đâu, bán cho ai... Muốn vậy, nông dân phải được thông tin dự báo về tình hình thị trường, được trang bị những tiến bộ kỹ thuật và cũng cần được quan tâm đào tạo. Về phía Nhà nước phải có định hướng quy hoạch cây trồng, vật nuôi cụ thể, phù hợp với từng địa phương. Nhà nước cần hỗ trợ cho DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp vay vốn ưu đãi để họ bán chịu hoặc hỗ trợ nông dân mua phân bón, thuốc trừ sâu, con giống... Mặt khác, nếu được hỗ trợ lãi suất thấp nhất (thấp hơn mức 4% như hiện nay), DN cũng yên tâm hơn để thu mua sản phẩm cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên kết trong thế lỏng lẻo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO