Chuyện cây rau miệt vườn

VÂN ANH| 12/09/2009 00:16

Các hợp tác xã, câu lạc bộ trồng rau theo quy trình an toàn, muốn có cái máy test nhanh để in kết quả giao cho bạn hàng mà còn phải cậy đối tác thì làm sao có tiền xây kho lạnh!

Chuyện cây rau miệt vườn

Các hợp tác xã, câu lạc bộ trồng rau theo quy trình an toàn, muốn có cái máy test nhanh để in kết quả giao cho bạn hàng mà còn phải cậy đối tác thì làm sao có tiền xây kho lạnh!

Xóm rau dược tính

Mười ba nông dân ở ấp Trà Kháo, Hòa An, Cầu Kè, Trà Vinh góp tiền mời Thạc sĩ Phạm Chí Tùng, Trưởng Bộ môn Trồng trọt và Phát triển nông thôn Trường Đại học Trà Vinh, người từng hỗ trợ họ trong dự án do Oxfarm tài trợ, làm tư vấn trồng rau đón đầu siêu thị Co.opMart Trà Vinh, dù công trình này chưa khai trương. Mỗi nhà phải có ít nhất 2.000m2 đất trồng hoa màu, thời gian hợp đồng 6 tháng và mỗi công đất phải góp 100.000 đồng để cho thầy đổ xăng về Trà Kháo.

Thầy Tùng ra đồng với 13 nông dân này mỗi tuần một lần, chỉ vẽ tại chỗ, chỉ định trồng loại rau nào... Nhiều quyết định của thầy giúp nông dân có thu nhập khá. Nhưng thầy Tùng cho biết, sau khi trao đổi với Câu lạc bộ Hỗ trợ nông gia - một tổ chức thiện nguyện ở Cần Thơ - về hướng khai thác dược tính của các lọai rau bản địa cung cấp cho các cửa hàng Co-opFood, được người trồng rau đồng tình. Mười bốn thầy trò trồng rau hi vọng bằng cách này sẽ nâng cao chuỗi giá trị ngành rau. Trong đó có nhiều loại rau dược tính chỉ VN mới có. Trước đó, vùng rau ở Châu Thành cũng đã chuyển hướng sang những loại rau “sức khỏe cho mọi người”.

Ông Nguyễn Phú Quý, Chủ nhiệm CLB Khuyến nông xã Tân Quới, là người trồng rau an toàn có tiếng ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, nói: “CLB Hỗ trợ nông gia từng tổ chức một “bữa tiệc salad” tại Cần Thơ từ những loại rau bản địa có dược tính cao, rất hấp dẫn, điều đó khuyến khích người trồng rau trồng rau theo phương pháp “sạch”. Nhưng khó khăn nhất đối với người trồng rau hiện thời là nếu các siêu thị mua rau có dược tính cao từ đồng bằng sông Cửu Long thì khi đưa về TP.HCM mà vẫn tươi ngon là không phải dễ”.

Tự bơi

Ông Quý từng “buông trôi” những hợp đồng lớn chỉ vì khả năng bảo quản rau ở Bình Tân “không ngon lắm”. Thương nhân Nhật tới huyện Bình Tân tổ chức trồng bắp, họ nói cây trồng ở đây không phải loại biến đổi gen nên không phải lo phản ứng của người tiêu dùng Nhật, nhưng nếu diện tích mở rộng tới 500ha hay hơn nữa, sản lượng lớn, bảo quản không tốt sẽ giảm giá trị dinh dưỡng. Người ta nói người càng giàu thì rau không thể thiếu trong bữa ăn. Riêng rau có dược tính cao lại đòi hỏi kiến thức về thực dưỡng.

“Khi mà nhu cầu và kiến thức của người tiêu dùng thay đổi thì người trồng rau bị “hụt chân”, ông Quý thừa nhận. Mỗi ngày, cả Bình Tân cung cấp 50-70 tấn rau củ quả cho thị trường, 4.000-5.000 người tham gia chuỗi cung ứng này. Thoạt đầu, họ không để ý tới việc thu hái và giao cho thương lái, nhưng nay thì họ biết nếu rau xanh đi từ nơi trồng đến các siêu thị mất 16 giờ, hàm lượng dinh dưỡng sẽ mất từ 15% đến 20%. Từ nhà vườn đến chợ đầu mối mất 13 giờ, hàm lượng dinh dưỡng ở mồng tơi mất 26%, rau muống 25%, cải ngọt 24%, rau dền 23%..., đến bếp ăn mất nhiều hơn. Cái kho lạnh có ý nghĩa trong việc kinh doanh của họ. Nhưng ông Quý thú thật, các hợp tác xã, CLB trồng rau theo quy trình an toàn, muốn có cái máy test nhanh để in kết quả giao cho bạn hàng mà còn phải cậy đối tác thì làm sao có tiền xây kho lạnh!

Không chỉ có vùng rau này, mà từ lâu, ở nhiều nơi khác, các cuộc họp bàn về rau, trái, người ta nói hoài về liên kết bốn nhà, nhưng chẳng ai bàn tới cái kho lạnh, không ai chỉ cách bảo quản rau củ quả cho đúng cách. Kho lạnh là chuyện lớn của người trồng rau, lớn tới mức mơ cũng không thấy.

May mắn hiếm hoi

Ông Đào Tri Hiếu, Công ty TNHH Fujiura.LTD (Nhật Bản) có văn phòng đại diện tại TP.HCM, phối hợp với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp hạt giống dưa Fujiura Melon, thu sản phẩm, sơ chế và chuyển về Nhật Bản để phân tích, kiểm tra xong sẽ chọn nông dân giỏi trồng gia công. HTX rau Long Tuyền (TP.Cần Thơ) trồng tỉa, mỗi dây chỉ chọn lấy 3 - 4 trái, kết quả như ý: trái lớn nhất nặng 13,5kg. “Kỹ thuật canh tác tối ưu, trọng lượng trái có thể lên tới 20kg và mỗi dây có thể cho thu hoạch hơn chục trái”, ông Hiếu khẳng định. Chủ nhiệm HTX rau Long Tuyền Triệu Công Đỉnh rất mừng khi thấy hai đợt thử nghiệm trồng giống dưa này của HTX đều đạt yêu cầu. Điều này có nghĩa là HTX của ông sẽ có cơ hội là ứng viên cho dự án Fujiura Melon.

Ông Đỉnh là người từng thuê ruộng trồng rau giao cho Metro Hưng Lợi, từng đưa bí sáp Nhật về Long Tuyền và là người được nhiều công ty nông nghiệp chọn khi tổ chức gia công một loại cây nào đó. Theo ông Đỉnh, chỉ với giống Fujiura Melon, Công ty TNHH Fujiura có thể tập hợp được một lực lượng nông dân giỏi. Ở An Giang, người Nhật cũng đã tập hợp được hàng ngàn nông dân giỏi với giống lúa tròn do các chuyên gia thuộc Trường Đại học Cần Thơ tuyển chọn. Năm 1991, thương nhân Nhật đã ráp nối với nông dân giỏi thông qua Công ty Liên doanh ANGIMEX - KITOKU. Mười tám năm qua, mối liên kết này giúp hàng ngàn nông dân ở An Giang trồng lúa hạt tròn xuất qua Nhật, giá ổn định ngay khi thị trường gạo nghiêng ngả hồi tháng Tư năm ngoái. Cái may mắn của nông dân An Giang là không chỉ nghe hướng dẫn sản xuất mà quên thị trường, không bao giờ chỉ nói sản xuất mà không chỉ cách sơ chế và cách sử dụng ở người tiêu dùng cuối cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện cây rau miệt vườn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO