Bắt tay nhưng chưa chặt

NGUYÊN LỮ| 06/08/2009 09:22

Hiện nay, hầu như ở mỗi tỉnh đều có dự án phát triển bò sữa nhưng dựa trên điều kiện tự nhiên của từng vùng thì không phải tỉnh nào chăn nuôi bò sữa cũng đạt hiệu quả cao

Bắt tay nhưng chưa chặt

Hiện nay, hầu như ở mỗi tỉnh đều có dự án phát triển bò sữa nhưng dựa trên điều kiện tự nhiên của từng vùng thì không phải tỉnh nào chăn nuôi bò sữa cũng đạt hiệu quả cao

Nhỏ - Lẻ: Hiệu quả thấp

Ông Lưu Văn Tân - Giám đốc phát triển ngành sữa Công ty FrieslandCampina VN (tên gọi mới của Công ty Dutch Lady VN) cho rằng: “Hiện nay, hầu như ở mỗi tỉnh đều có dự án phát triển bò sữa nhưng dựa trên điều kiện tự nhiên của từng vùng thì không phải tỉnh nào chăn nuôi bò sữa cũng đạt hiệu quả cao.

Chuyên viên của FrieslandCampina VN (người Hà Lan) hướng dẫn kỹ thuật cho những người chăn nuôi bò sữa

Chẳng hạn như nuôi bò sữa ở Tây Nguyên (Dắk Lắk, Dắk Nông, Lâm Đồng) sẽ có lợi thế hơn nhiều so với ở miền Đông Nam bộ. Kết quả thực tiễn cũng đã cho thấy, ở một số tỉnh, việc nuôi bò sữa không thành công. Việc khuyến khích chăn nuôi bò sữa theo chiều rộng cũng cần phải thay đổi, vì thực tế, hơn 95% hộ chăn nuôi chỉ có 5-10 con bò sữa, việc nuôi bò theo kiểu phân tán, nhỏ lẻ sẽ không đảm bảo chất lượng sữa và gây lãng phí trong thu mua, vận chuyển, bảo quản sữa.

Vì vậy, chỉ nên khuyến khích phát triển chăn nuôi ở những hộ có điều kiện (trình độ quản lý với quy mô lớn) và cần có chương trình cụ thể để tạo bước chuyển từ chăn nuôi bò sữa từ gia đình sang chăn nuôi công nghiệp. Một bất cập khác là vấn đề hỗ trợ vốn chưa tạo điều kiện cho nông dân mở rộng chăn nuôi. Họ chỉ được vay vốn tối đa 1-2 năm với lãi suất chưa ưu đãi”.

Hiện nay, dù đã có sự bắt tay giữa DN với người chăn nuôi nhưng chưa phải là một liên kết trọn vẹn. Ông Tân phân tích: “Do 95% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên hầu hết các chi phí đầu vào như thức ăn gia súc, thuốc thú y với giá cao hơn từ 7-15% và chất lượng cũng chỉ dựa vào các ghi chú trên bao bì. Rõ ràng, chưa biết lợi nhuận chăn nuôi đến đâu nhưng họ đang phải chia sẻ lợi nhuận để “nuôi” các “khâu kinh doanh trung gian”.

Liên kết trong thế khó

Các công ty sản xuất sữa trong nước đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, tạo mối liên kết với người chăn nuôi, như Công ty Sữa quốc tế IDP đã lập dự án phát triển đàn bò sữa vùng chân núi Ba Vì với tổng nguồn vốn hơn 50 tỷ đồng (hỗ trợ mua con giống, mua máy vắt sữa, phát triển bồn thu gom sữa) với hình thức cho nông dân vay không tính lãi, dân hoàn vốn cho công ty bằng sữa tươi.

Một điểm thu mua sữa của Friesland Campina

Công ty cổ phần Sữa Ba Vì đầu tư 800 triệu đồng ứng trước cho bà con mua con giống, vật tư chăn nuôi. Công ty FrieslandCampina VN đã có chương trình “Phát triển ngành sữa” với những hỗ trợ thiết thực, như ký hợp đồng mua sữa dài hạn, giá mua sữa cao (từ 7.000 - 7.500 đồng/kg tùy chất lượng), đầu tư hạ tầng cho việc thu mua sữa tươi ở các vùng xa.

Trong 10 năm đầu tiên, FrieslandCampina đã chi hơn 6,6 triệu USD cho chương trình này, đặc biệt là đầu tư hệ thống thu mua sữa các vùng chăn nuôi, cung cấp miễn phí các dịch vụ khuyến nông (thú y và gieo tinh nhân tạo) và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa nhằm khuyến khích phát triển quy mô chăn nuôi lớn hơn... ở Bến Cát, Thuận An (Bình Dương), Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM), Trảng Bàng (Tây Ninh), Đức Hòa (Long An), Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng) và tỉnh Tuyên Quang... Thông qua một số ngân hàng, FrieslandCampina hỗ trợ vốn cho hộ chăn nuôi trong vòng 5 năm, lãi suất từ 0,6%/tháng để phát triển đàn bò.

Nhiều hộ nuôi bò sữa ở Hóc Môn, Bến Cát cách đây 10 năm còn chăn nuôi nhỏ, sau khi tham gia chương trình này đã mạnh dạn mua đất xây chuồng trại theo quy mô lớn, như ông Huỳnh Văn Công Dư hiện có trang trại tại Lai Uyên, Bến Cát với hơn 100 con bò sữa và cung cấp trên 600kg sữa/ngày.

Tuy nhiên, việc liên kết cũng có không ít khó khăn. Do thiếu thông tin và hướng dẫn về quy hoạch cụ thể, cũng như chính sách, các quyền lợi đảm bảo cạnh tranh từ phía Nhà nước nên người dân còn ngại đầu tư mở rộng chăn nuôi. Các DN liên quan (cung cấp thức ăn, chế biến sữa) cũng cần được thông tin và hướng dẫn cụ thể về quy hoạch và các dự án liên quan để ngành sữa có thể phát triển ổn định và bền vững.

Một khó khăn khác là khi triển khai các quy trình kỹ thuật, vệ sinh thì các hộ chăn nuôi nhỏ, việc áp dụng cũng bị hạn chế, một phần do tâm lý làm nhỏ không cần đổi mới, cải tiến, một phần do nhỏ nên hiệu quả sau khi áp dụng không cao. Vì thế, để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững theo hướng hiện đại, công nghiệp hóa, rất cần sự liên kết, phối hợp giữa “ba nhà” theo chiều sâu chứ không hình thức, thiếu đồng bộ như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bắt tay nhưng chưa chặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO