Mỹ phẩm được hiểu là gồm nhiều sản phẩm như dưỡng da, tóc, móng, sữa rửa mặt, nước hoa, lăn khử mùi... Hiện nay, nhiều quốc gia đã đưa ra tiêu chuẩn quy định các thành phần của mỹ phẩm để đảm bảo an toàn cho người dùng.
Đọc E-paper
Dị ứng mỹ phẩm
Theo đó, mỹ phẩm không được chứa bất kỳ thành phần dược (thuốc) nào, vì các thành phần này sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc hay chức năng của da. Tuy nhiên, hiện nay mỹ phẩm và một số loại thực phẩm chức năng không phải lúc nào cũng được phân biệt rõ, thậm chí nhiều sản phẩm có sẵn các thành phần để phục vụ cả hai chức năng này.
Người ta ước tính trung bình một ngày trên thế giới, mỗi người phụ nữ sử dụng ít nhất bảy loại mỹ phẩm, vì vậy không có gì là đáng ngạc nhiên khi xuất hiện phổ biến một số phản ứng không mong muốn khi sử dụng các sản phẩm này. Mặc dù tỷ lệ dị ứng mỹ phẩm chưa có con số thống kê chính xác, nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có khoảng 10% dân số có một số loại phản ứng không mong muốn đối với một loại mỹ phẩm nào đó trong quá trình sử dụng. Con số thực tế có thể nhiều hơn do có những phản ứng nhẹ xảy ra và người sử dụng đã tự điều trị tại nhà.
Dị ứng mỹ phẩm có thể là viêm da tiếp xúc, viêm da kích ứng, sốc phản vệ..., tùy theo cơ địa và thời gian tiếp xúc với sản phẩm.
Chất gây dị ứng trong mỹ phẩm
Nhiều nguyên nhân dẫn đến dị ứng mỹ phẩm như mùi hương, chất bảo quản, Paraphenylenediamine (PPD) được tìm thấy trong thuốc nhuộm tóc...
Dị ứng với mùi thơm. Hơn 5.000 loại mùi hương được sử dụng trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da, dầu gội, dưỡng ẩm, khử mùi... Hầu hết những sản phẩm này gây viêm da tiếp xúc qua biểu hiện đỏ, ngứa, phù nề vùng da sau tiếp xúc từ 30 phút đến 12 tiếng đồng hồ.
Chất bảo quản. Chất bảo quản được đưa vào sản phẩm để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và nấm. Nó cũng là nguyên nhân thứ hai gây dị ứng mỹ phẩm, biểu hiện dưới dạng viêm da tiếp xúc. Các chất bảo quản bao gồm Paraben, Formaldehyde, Imdazolinidyl urea, Quaternium - 15, Isothiazolinone.
PPD trong thuốc nhuộm tóc. Là nguyên nhân thứ ba trong dị ứng mỹ phẩm, có thể gây chảy nước, phù nề, đỏ vùng da đầu, mi mắt...
Ngoài ra còn có những chất gây dị ứng như Lanolin, Coconut Diethanolamide, Glyceryl Monothioglycolate...
Dị ứng mỹ phẩm sẽ gây viêm da tiếp xúc. Đối với những trường hợp này sẽ điều trị bằng Steroid thoa tại chỗ để kiểm soát các triệu chứng đỏ, ngứa, sưng nề. Những trường hợp nặng như chảy nước, nhiễm trùng bắt buộc phải sử dụng kháng sinh.
Nếu có tiền sử dị ứng mỹ phẩm, cách tốt nhất nên chọn những sản phẩm chứa ít chất gây dị ứng (Lanolin, Cocunut Diethanolamide...).
Đọc kỹ những chất dễ gây kích ứng da trước khi sử dụng.
Khi sử dụng một sản phẩm mới nên kiểm tra trước bằng cách xoa lên mặt trong cổ tay, cánh tay, để ít nhất 24 giờ xem có kích ứng hay không.
Nếu có dị ứng với mỹ phẩm, nên đến gặp bác sĩ da liễu để có liệu pháp điều trị thích hợp.