Đi tiếp mãi, đó là lối sống của tôi

08/11/2010 06:15

Những gương mặt người hiện lên trong tranh chị buồn đến thảng thốt, như “những bức tranh nổi gió ở trên tường”. Trên con đường chênh vênh giữa tình yêu hội hoạ và thi ca của chị, thăm thẳm hai bóng người đàn ông toả rạng: nhà văn Kim Lân bố chị, và nhà thơ Lưu Quang Vũ, mối tình không bao giờ tan…

Đi tiếp mãi, đó là lối sống của tôi

Những gương mặt người hiện lên trong tranh chị buồn đến thảng thốt, như “những bức tranh nổi gió ở trên tường”. Trên con đường chênh vênh giữa tình yêu hội hoạ và thi ca của chị, thăm thẳm hai bóng người đàn ông toả rạng: nhà văn Kim Lân bố chị, và nhà thơ Lưu Quang Vũ, mối tình không bao giờ tan…

Thuở thiếu thời sống trên ngọn đồi xa vùng Yên Thế dường như đã cho chị sự giàu có trong tâm hồn, để chị đủ sức vượt qua bao cay đắng cuộc đời?

Ngay từ thuở mới lọt lòng, tôi đã được thấm đẫm trong không gian của nghệ thuật. Tôi đã cười lăn cười lộn mỗi lần nghe bác Nguyên Hồng kể đã cùng bố chở mẹ đi sinh tôi như thế nào. Hai người hai đầu võng, cứ chở đi chở về hai ngày trời vòng qua làng mà tôi vẫn chưa chịu ra.

Cả làng cười rúc rích, nói tôi lì lắm, bố phải trèo lên nóc nhà, lội qua cái ao con mới chịu ra. Bố tôi làm thật. Rồi kháng chiến, cả gia đình theo bố lên đồi Nhã Nam, Yên Thế. Đó là quãng đời đẹp nhất của tôi, khi được sống với những hàng xóm như bác Ngô Tất Tố, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn, Nam Cao, Phùng Quán… mỗi người một số phận, một hoàn cảnh.

Bác Ngô Tất Tố có hai vợ, cứ buổi tối đến nhà vợ hai, sáng ra lại về nhà vợ cả, có con vịt lẽo đẽo đằng sau. Cô Anh Thơ thì thất tình, mặc quần áo như Suý Vân giả dại. Bác Nguyễn Huy Tưởng thật lành, thật tốt…

Trên ngọn đồi này, lần đầu tiên tôi được nghe bác Đỗ Nhuận chơi violon cùng dàn nhạc. Bố tôi trồng hoa rất giỏi, cứ bông hoa nào đẹp nhất vườn bố lại khẽ khàng cắt một cành, sai tôi lễ mễ mang sang tặng bác Nguyễn Tuân…

Như một cái cây non, tôi được tưới đẫm bởi những câu chuyện đời rất thật, rất cay đắng mà cũng thật thơ mộng, trong sáng ấy, để lớn lên không bao giờ “đi lạc” khỏi đạo văn chương.

Cuộc đời chẳng ai bằng phẳng cả, thất bại, bất công, bị bạn bè phản bội… bao khó khăn lúc nào cũng chỉ chực xô đổ họ, nhưng chính điểm tựa duy nhất là lòng say mê nghệ thuật đã tạo nên sức sống dai dẳng, như một dòng chảy ngầm mãnh liệt nuôi dưỡng tâm hồn giàu có mãi.

Khá nhiều tài danh hội hoạ đã trải qua một thời khốn khổ vì lối nghĩ khác, làm khác, và chị – người từng được mệnh danh là “thần đồng hội hoạ” cũng không thoát khỏi bi kịch ấy?

Bố tôi là nhà văn nhưng rất mê hội hoạ. Ngay từ nhỏ, bố đã hướng các con vào con đường hội hoạ. Bố thường dạy chúng tôi rằng khi đi học, hãy học thật giỏi, nhưng khi sáng tác phải tự do, phải là chính mình, con đường đó chắc chắn phải chấp nhận chông gai.

Buổi sáng bố thường mua hoa trái về, bày biện rất đẹp cho tôi vẽ, buổi chiều chở tôi ra ngoài trời vẽ phong cảnh, buổi tối thì ra ga Hàng Cỏ vẽ tả thực…

Bố còn nhờ bác Phái, bác Liên, bác Sĩ Ngọc góp ý. Hồi đó, các bác đã bị đả kích là không theo trường phái hiện thực XHCN. Không chỉ tôi mà cả Thành Chương, em trai tôi, cũng từng bị đánh tơi tả. Tôi bị kỷ luật vì dám để tranh Picasso, tranh Van Gogh trong cặp, và ra trường bị đẩy về một huyện xa, làm việc không lương…

Trước ngày thi tốt nghiệp, bố đã lang thang cùng tôi trên cánh đồng, nói với tôi rằng: Con chuẩn bị tinh thần đi, sẽ đỗ bét thôi, nhưng đừng buồn, còn cả một tương lai rất dài; ra đời, con sẽ được làm việc thực sự. Nghệ thuật đâu phải chỉ một bài thi… Bố biết trước con đường đi của tôi mà vẫn cho tôi chọn nó…

Khi làm trang văn nghệ cho tạp chí Thanh Niên đầu những năm 1970, tôi chủ trương thay đổi diện mạo nhàm chán của một tờ báo chính trị, đăng một loạt thơ của Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Đào Trọng Khánh, Đỗ Chu… và bị “đánh” tơi bời vì Vòng trắng của Phạm Tiến Duật…

Thời ấy chiến tranh, gian khổ thế mà các anh sống rất thăng hoa, rất đẹp, làm thơ rất hay. Những bài thơ của các anh đã trở thành hành trang không thể thiếu của những người lính trẻ, và theo tôi suốt cả cuộc đời.

Một người cá tính mạnh mẽ như chị có bao giờ xảy ra xung đột với người cha nghiêm khắc của mình? Chị học được điều gì quý giá nhất từ cuộc đời văn chương của ông?

Khi tôi trở thành thiếu nữ, nhiều lần bạn trai đến nhà chơi bị bố đuổi về, bố nói để cho tôi còn phải vẽ. Một lần tôi nói với bố con không phải là cái máy, con cần sống, cần cảm xúc, cần giao lưu như một con người bình thường…

Bố im lặng thật lâu, và từ đó tôi được thả lỏng. Với người ngoài, bố rất phóng khoáng, thoải mái, nhưng với tôi, cụ rất khó.

Có lẽ do cụ quá yêu mình. Cái gì quá đều khổ cả. Cụ vừa là thầy, vừa là bạn, chúng tôi trao đổi suốt ngày với nhau về văn chương nghệ thuật, chẳng biết gì về cuộc đời thường nhật cả.

Nhiều khi đi vẽ tranh cổ động thuê kiếm được rất nhiều tiền, nhưng khi tôi thèm sáng tác là bố sẵn sàng bảo tôi bỏ tất, dù nhà lúc ấy nghèo khó lắm.

Trong văn chương, xu hướng hiện thực hiện đại ngày càng sâu đậm, yêu thương tận gan ruột, mà cũng xót xa tận gan ruột đã giúp ông tạo nên những tác phẩm để đời, nhưng khi Con chó xấu xí, Làng bị quy kết, ông không viết nữa.

“Nhưng lạ lùng thay, những gì ông đã viết, dù chẳng nhiều nhặn gì vẫn được bạn đọc nâng niu, quý trọng. Ông là minh chứng cho thấy không thể sống nhạt, sống tồi mà lại có văn chương” – nhà văn Đỗ Chu đã viết như thế về bố tôi. Ông thường kể cho tôi nghe những câu chuyện không bao giờ viết ra của mình, những câu chuyện rưng rưng buồn.

Dường như cụ không muốn làm khổ các con của mình. “Điều kinh khủng nhất phải thú nhận mình hãy còn nhát, chưa được như Trần Dần, Lê Đạt. Còn nếu viết mà không phải của mình, thì thôi không viết nữa”, ông đã thổ lộ như thế.

Khi nhóm Nhân văn giai phẩm bị đánh, ông vẫn bảo vệ bạn bè, không làm điều gì trái với lương tâm, quyết giữ quan điểm, suy nghĩ của mình, và rất thật khi không kiếm tiền bằng văn chương, sống trong sạch, đạm bạc.

Trong bức hoạ về bố, tôi có trích một câu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Ông ở ẩn ngay chính trong sự im lặng của ông, sự im lặng của nỗi buồn muôn thuở”.

Trở thành nhà sưu tập tranh, bán đồ cổ, đã bao giờ chị để cho miếng cơm manh áo hàng ngày “giết chết” con người văn chương, con người hội hoạ trong chị?

Quả thật cuộc đời tôi đã trải qua những giai đoạn rất khó khăn, có những lúc buộc phải ẩn mình, bỏ cả sự nghiệp để cứu chồng gặp nạn. Tôi lao ra làm ăn, sát cánh cùng chồng, kiếm tiền nuôi con. Bạn bè nhiều người không hiểu đã từng trách tôi quá mê làm ăn bỏ vẽ rồi.

Tôi không chấp nhận sống quá khổ sở, kinh doanh nghệ thuật cũng là một cách lao động chân chính để có cuộc sống đàng hoàng hơn, giúp mình tiếp tục giấc mơ, không phải nhờ cậy ai.

Nhưng tôi quyết không biến mình thành một hoạ sĩ thương mại, chiều theo thị hiếu người mua tranh. Tôi chấp nhận trả giá cho những điều chưa biết, đó là phía trước.

Đi tiếp, đi tiếp mãi, đó là lối sống của tôi. Sau khi chồng mất ba năm, tôi triển lãm 142 bức tranh. Và từ đó đến nay, năm nào tôi cũng triển lãm. Chọn tên Dòng chảy cho tất cả các cuộc triển lãm của mình, tôi muốn nói với mọi người rằng tình yêu nghệ thuật trong tôi là một dòng chảy không ngừng, khi ào ạt tuôn tràn, lúc ủ ê âm thầm trong đất, đó là kim chỉ nam, là chân giá trị mà tôi nâng niu gìn giữ.

Tóc em rối và áo em đỏ thắm/ Những bức tranh nổi gió ở trên tường…”, trong tập thơ mới nhất của nhà thơ Lưu Quang Vũ in năm 2010 – Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, công bố rất nhiều bài thơ tình nhà thơ viết riêng tặng chị cùng thủ bút của anh. Mối tình sóng gió này dường như vẫn còn đọng lại trong chị những được mất chưa yên?

Tình yêu của chúng tôi khổ sở khôn cùng. Tôi bị kiểm điểm lên kiểm điểm xuống, dù lúc ấy Vũ đã nộp đơn ly dị, và Tố Uyên đã sống với người đàn ông khác…

Bố tôi giận quá, đuổi tôi đi, rồi lại giả bệnh, kéo tôi về. Nhìn bố gầy guộc, giữa mùa hè nắng gắt mà ôm chăn bông rên hừ hừ, làm sao tôi chịu được. Thế là chia tay.

Mãi sau này khi gặp lại, anh thổ lộ với tôi: “Ngày xưa mình yêu nhau trong sáng thế sao mọi người lại cho là xấu. Bây giờ Vũ giàu rồi, thơ Vũ không còn hay như xưa nữa, tại sao người ta lại cứ tung hô…

Có thể rất nhiều cô gái yêu Vũ, và Vũ cũng yêu họ, nhưng Hiền hãy nhớ không người nào có thể như Hiền. Dù làm gì, ở đâu, nếu ai làm cho Hiền không vẽ được nữa là tội ác”…

Cái tình giữa anh và tôi nó vượt trên cả tình yêu nam nữ, không còn là sự sở hữu một con người cụ thể nữa, mà là sự chia sẻ, đồng điệu. Chúng tôi lang thang cùng nhau, vẽ được nhiều, viết được nhiều.

Nhiều khi tôi tự hỏi người đàn bà đang yêu là tôi hồi ấy đang sống đẹp thế, hạnh phúc thế, mà sao lại bị cả xã hội ném phân vào mình… Dù sao mặc lòng, trong tôi luôn luôn còn một bông hoa chẳng bao giờ tàn.

Chị coi trọng phẩm chất nào nhất của tình yêu?

Sự trung thực và trách nhiệm. Nếu không, sẽ rất dễ huỷ diệt lẫn nhau. Tôi sợ nhất những người đàn ông thờ ơ, vô trách nhiệm, những “nguỵ quân tử” kiểu Nhạc Bất Quần.

Trong ứng xử giữa con người nghệ sĩ với nghệ thuật hiện nay, điều gì khiến chị buồn nhất?

Nhìn lại thế hệ văn nghệ sĩ ngày xưa như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Trịnh Công Sơn… tôi thấy họ sống thật giản dị, cởi mở, nhẹ nhàng. Nhưng thế hệ trẻ bây giờ sao thấy nhiều người ta đây, kẻ cả quá. Vừa mới nổi tiếng chút đỉnh đã lo tạo dáng, kiểu cách, cạnh tranh nhau từng bộ quần áo, đua nhau đến nực cười. Sao chẳng ai lo ganh nhau về một bức tranh đẹp, một tác phẩm hay…

Chạy theo vật chất nhiều quá cũng khiến mình trở thành sâu mọt lúc nào không hay. Không thể tạo dáng trong nghệ thuật. Bức tranh hội hoạ bây giờ hiện lên khá đau xót, rất nhiều hoạ sĩ có tài chuyển sang làm gallery, hoặc chuyển hướng sang vẽ tranh thương mại, giàu có lên nhờ bán được nhiều tranh, nhưng không đủ can đảm bứt phá khỏi chính mình.

Nhiều nhà sưu tập tranh đích thực của nước ngoài đã từng yêu mến những tên tuổi hoạ sĩ Việt Nam thời kỳ trước tỏ ra thất vọng vì không hiểu sao họ lại thành ra như thế. Chính họ đã tự giết mình…

Chị vừa triển lãm Dòng chảy 5 - Những con chữ, vì sao lần này lại là “những con chữ”?

Dòng chảy những con chữ là mối lương duyên giữa văn chương và hội hoạ, điều đã theo tôi suốt những năm qua. Vẽ trên thủ bút của Bùi Xuân Phái, Hàn Mạc Tử, Trần Dần, Xuân Diệu… là đồng điệu với tâm hồn họ, với vân tay họ, với ADN của họ.

54 nhà văn, nhà thơ, trong đó có nhiều chữ cổ, từ chữ đến tranh là tình yêu, lòng trân trọng, và cả sự kiên nhẫn của riêng tôi với văn chương. Chữ là tranh, mà tranh cũng là chữ…

Điều gì với chị bây giờ là quan trọng nhất?

Ngày xưa sơ tán trên Yên Thế, tôi thường đi học qua một ngọn đồi trọc có cái tên thật đẹp, đồi Non Tứa. Mỗi lần đi học về tôi đều trồng lên đó một cây bạch đàn. Sau bốn năm, tôi đã để lại cho người dân ở đó một khu rừng bạch đàn vươn cao… Tôi thấy thanh thản nếu mình ra đi cũng để lại được một rừng tranh như thế.

Đạo diễn Đào Trọng Khánh

“Hội hoạ bao giờ cũng là duy nhất. Đam mê, sáng tạo, luôn mới mẻ và không lặp lại chính mình, chị tạo nên một diện mạo đặc biệt, đóng góp vẻ đẹp mới cho hội hoạ. Tôi quý trọng tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, bền bỉ của chị; cuộc đời có lúc thật khắc nghiệt, nhưng chị vẫn bứt lên để làm công việc mà mình yêu thích. Mỗi lần triển lãm của chị là một bất ngờ, và tôi luôn chờ đợi, hy vọng một phía trước chưa đoán được của Hiền”.

Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha

“Một nghệ sĩ rất nghệ sĩ. Tuổi càng lớn sáng tạo càng chín, càng nhiều, càng hay, đặc biệt Dòng chảy 5 – Những con chữ, chị đã tìm ra cái mới của người khác để tạo nên cái mới của chính mình. Một người yêu rất quyết liệt, nhưng cũng rất dịu dàng, vừa chân thật, vừa uyển chuyển”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đi tiếp mãi, đó là lối sống của tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO