Xung đột lợi ích giữa cá nhân và tổ chức

CẢNH THÁI (*)| 27/04/2011 05:17

Báo chí trong nước đưa tin bài về vụ một huấn luyện viên Taekwondo va chạm với nhân viên của Vietnam Airlines (VNA). Đúng sai chưa rõ nhưng đây là một điển hình cho xung đột lợi ích hay mâu thuẫn xuất hiện giữa một cá nhân và một tổ chức, hơn nữa, đây là một tổ chức có tính độc quyền về vận chuyển hàng không.

Xung đột lợi ích giữa cá nhân và tổ chức

Báo chí trong nước đưa tin bài về vụ một huấn luyện viên Taekwondo va chạm với nhân viên của Vietnam Airlines (VNA). Đúng sai chưa rõ nhưng đây là một điển hình cho xung đột lợi ích hay mâu thuẫn xuất hiện giữa một cá nhân và một tổ chức, hơn nữa, đây là một tổ chức có tính độc quyền về vận chuyển hàng không. Vị huấn luyện viên này có cơ hội thắng kiện VNA hoặc ngược lại có nguy cơ bị VNA phạt cấm bay?

Tin tức khác cho thấy một vài cá nhân ở Hà Nội không đồng ý với quyết định bồi thường để di dời cho dự án tới 4.000m2 của một công ty lớn về xây dựng và bất động sản tại khu “đất vàng” ngay giữa trung tâm Hà Nội.

Liệu các cá nhân không đồng ý với giá thỏa thuận đền bù có bị “cưỡng chế” giải tỏa để thực hiện dự án cho lợi ích của tổ chức?

Các thông tin phản hồi từ dư luận cho thấy, có người ủng hộ vị huấn luyện viên và ủng hộ các cá nhân là chủ nhân các ngôi nhà bị quy hoạch giải tỏa. Sự ủng hộ này là dành cho những người đã ở vị thế yếu, bị “tổ chức” lớn, có tính độc quyền, các dịch vụ có tính chất “không thể không theo”.

Dư luận khác lại ủng hộ “tổ chức” và cho rằng các cá nhân có thể đã hành động “quá đáng”. Vị huấn luyện viên có thể đã “nóng nảy” và “bất hợp tác” với nhân viên hàng không.

Chủ nhân của các ngôi nhà trong dự án quy hoạch có thể đã “quá tham” khi không chấp nhận giá đền bù lên tới cả tỷ đồng/m2 trong khi đời sống chung của người dân không được như vậy.

Trước áp lực của dư luận, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã rút toàn bộ hồ sơ vụ việc liên quan đến vụ va chạm hành khách là huấn luyện viên Taekwondo từ Cảng vụ Hàng không Miền Trung, giao cho thanh tra Cục Hàng không thụ lý, xác minh.

Tất nhiên, công bằng sẽ được xác lập bằng các quy định của luật pháp. Chỉ tại tòa án, nơi tốt nhất để các bên có quyền bình đẳng và sẽ chủ động đưa ra các chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, cả hai luồng ý kiến trái chiều đều cho thấy, vấn đề cần đặt ra ở đây là liệu quyền lợi của cá nhân so với tổ chức có công bằng và được đặt ngang nhau?

Khi có xung đột lợi ích giữa cá nhân và tổ chức hay tập thể, đặc biệt là các tổ chức có tính độc quyền cao như VNA thì nên giải quyết trên cơ sở nào?

Những câu hỏi trên đặt ra khi vụ việc chưa rõ trắng đen, đại diện của VNA đã đưa ra tuyên bố cảnh cáo cấm bay đối với vị huấn luyện viên kia. Cách hành xử thể hiện tính chất độc đoán mặc dù VNA danh nghĩa là một DN kinh doanh dịch vụ.

Một số người có thể nhầm tưởng rằng lợi ích của tổ chức luôn phải đặt cao hơn lợi ích của cá nhân. Khi có xung đột thì “cá nhân” đương nhiên phải hy sinh quyền lợi cho “tập thể” hay tổ chức.

Điều này dễ dẫn tới xem nhẹ lợi ích của mỗi cá nhân hay cá thể trong cộng đồng, mà quên rằng chính mỗi cá nhân là yếu tố sẽ tạo ra một cộng đồng có mạnh mẽ và phát triển bền vững được hay không, một xã hội có “thượng tôn pháp luật” hay không.

Thử nghĩ một ngày nào đó, nếu vị huấn luyện viên nói trên bị cấm đi máy bay của VNA mà không còn cách nào để di chuyển bằng đường hàng không (VNA đang chiếm thị phần lớn tuyệt đối trong nước) mặc dù có thể ông ta đúng.

Tất nhiên, sẽ không còn hành khách nào dám phản đối các hành vi không đúng của cơ quan hàng không này, sẽ không ai dám có ý kiến kể cả việc có thể bị đối xử bất công, dịch vụ không tốt.

Cũng tất nhiên, dịch vụ của VNA sẽ ngày một đi xuống, khả năng cạnh tranh của một hãng hàng không quốc gia cũng theo đó suy yếu dần.

Cũng như vậy khi các chủ nhà ở Hà Nội bị “cưỡng chế” giải tỏa bất chấp việc Luật Đất đai có quy định quyền sở hữu nhà ở hợp pháp của người dân và các chủ dự án đầu tư phải thương lượng giá đền bù với người dân (Luật Đất đai 2003).

Nhà bạn đang ở, đang sinh sống lâu đời, có thể bị một số người lợi dụng chủ trương chính sách để đưa vào “quy hoạch” làm khu “dự trữ đất”, khu dân cư đô thị mới... và ra quyết định “thu hồi” đất với lý do này nọ nhằm trục lợi mà không phải thương lượng giá đền bù với người dân trong khu dân cư hiện hữu.

Quản lý đất đai là vấn đề lớn và nổi cộm của nước ta hiện nay. Đa số các vụ khiếu kiện đều liên quan đến giải quyết tranh chấp đất đai. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đất đai và quản lý tài nguyên đất đai là quan trọng bật nhất vì liên quan đến quyền lợi của cá nhân mỗi người dân.

Đây cũng chính là quyền lợi của tập thể hay của đất nước. Vấn đề quy hoạch, đền bù, tái định cư, giải tỏa và xây dựng cần làm thận trọng nhằm tránh xâm hại đến quyền lợi của cá nhân mỗi người dân (cũng chính là lợi ích quốc gia).

Công lý cho cá nhân chính là công lý cho cộng đồng. Bảo vệ lợi ích cá nhân cũng chính là bảo vệ cộng đồng. Pháp luật để bảo vệ công lý của mỗi cá nhân và mang lại công bằng cơ hội về lợi ích của cá nhân trong cộng đồng.

Nếu lợi ích của cá nhân không được nhìn nhận thích đáng, không được tôn trọng, thì công lý có nguy cơ bị xâm hại và lợi ích thật sự chưa chắc thuộc về tổ chức hay tập thể nào, mà chỉ là thuộc về những cá nhân hoặc nhóm lợi ích có mưu cầu vụ lợi mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xung đột lợi ích giữa cá nhân và tổ chức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO