Xoá bỏ độc quyền xuất khẩu gạo được không?

05/07/2010 05:32

Từ đầu năm 2011, theo cam kết WTO, doanh nghiệp nước ngoài chính thức được phép kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam. Liệu thế độc quyền của hai đơn vị Vinafood I và Vinafood II đang chiếm giữ 70% thị phần xuất khẩu có bị xoá bỏ?

Xoá bỏ độc quyền xuất khẩu gạo được không?

Từ đầu năm 2011, theo cam kết WTO, doanh nghiệp nước ngoài chính thức được phép kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam. Liệu thế độc quyền của hai đơn vị Vinafood I và Vinafood II đang chiếm giữ 70% thị phần xuất khẩu có bị xoá bỏ?

GS Võ Tòng Xuân, nguyên hiệu trưởng trường đại học An Giang cho biết, không phải đến bây giờ Việt Nam mới mở cửa thị trường lúa gạo, mà từ năm 1993 – 1994, một công ty gạo của Mỹ (American Rice Company) vào liên kết với Vinafood II trồng lúa xuất khẩu.

GS Xuân kể, thời điểm đó, họ chọn ra một số vùng sản xuất lúa, rồi thuê nông dân trồng duy nhất một giống lúa IR 64 theo quy trình kỹ thuật họ đưa ra. Gạo làm ra từ một giống lúa, lại trồng theo kỹ thuật canh tác của Mỹ nên trắng, thơm, dẻo hơn gạo thường. Do có sẵn bạn hàng lớn ở Mỹ, Âu châu, nên sau hai năm vào đầu tư, American Rice Company bán khá nhiều gạo, sản lượng xuất khẩu đến năm 1995 khoảng 500.000 tấn với giá từ 350 – 400 USD/tấn, trong khi doanh nghiệp Việt Nam bán có 200 – 220 USD. Tuy nhiên, do American Rice Company mua lúa giá cao hơn thị trường, lãnh đạo một số địa phương thấy vậy phản đối, vì cho rằng, làm như vậy là hại doanh nghiệp trong nước và yêu cầu họ phải đóng thuế cao hơn doanh nghiệp trong nước. Cách đối xử này khiến American Rice Company phải tháo lui. Từ đó đến nay thì không thấy có thêm nhà đầu tư nào vào kinh doanh như họ nữa.

Doanh nghiệp ỷ lại

Ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia phân tích thị trường nêu thực tế: thị trường những năm gần đây biến động nhanh, mạnh về giá, về cung cầu, nhưng trước những diễn biến này, doanh nghiệp kinh doanh thường phản ứng chậm và không thật sự sâu sắc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông, là do từ nhiều năm qua, doanh nghiệp trông chờ quá nhiều vào việc Chính phủ “mở đường”, mang về các hợp đồng tập trung số lượng lớn, mà không chịu tìm kiếm thêm thị trường mới.

“Thử nhìn vào tốp mười thị trường dẫn đầu danh sách nhập khẩu gạo Việt Nam vài năm trở lại đây sẽ thấy, luôn chiếm 70% sản lượng, tập trung vào một số quốc gia như Philippines, Malaysia, Iraq, Cuba. Những hợp đồng này ký được thông qua đàm phán Chính phủ chứ không phải do doanh nghiệp tìm kiếm”, ông Diệu dẫn chứng.

Trong những năm tới, với quan điểm vẫn coi lúa gạo là mặt hàng chiến lược, có vai trò góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia, thì những quy chế điều hành dự kiến sẽ khó có gì thay đổi. “Tôi cho rằng, dù sang năm 2011 chúng ta mở cửa thị trường, có thêm doanh nghiệp nước ngoài tham gia thì với cơ chế chính sách cũ vẫn duy trì, khó xoá bỏ độc quyền. Khả năng cạnh tranh, do đó, chỉ có thể diễn ra chậm chứ không đột biến như một số ngành hàng nông sản khác”, chuyên gia thương mại Nguyễn Đình Bích nhận xét.

Thay hỗ trợ doanh nghiệp bằng hỗ trợ nông dân

Một số chuyên gia kinh tế khi được hỏi cũng đồng ý với quan điểm rất khó xoá độc quyền kinh doanh gạo.

Về lý thuyết, một khi doanh nghiệp trong nước yếu thế, thị trường có tín hiệu mang lại hiệu quả đầu tư, thì nước ngoài sẵn sàng nhảy vào lấp khoảng trống, giống như cách mà nhiều công ty Mỹ, châu Âu, thậm chí Thái Lan, Indonesia vào liên kết nuôi cá tra, tôm hay heo, gà.

Tuy nhiên, kịch bản ấy khó xảy ra với ngành gạo khi mà một vài đại gia quốc doanh còn đang nắm lợi thế quá lớn về vốn, cơ sở hạ tầng (nhà máy xay xát, kho bãi…) Chẳng hạn, Vinafood II hiện đang sở hữu số vốn nhà nước hàng ngàn tỉ đồng, cộng thêm hệ thống nhà máy xay xát, lau bóng, máy sấy, kho chứa trải đều ở hầu hết các vùng trọng điểm sản xuất lúa lớn. Họ luôn nắm quyền chủ động thu mua lúa gạo, khi thị trường khó khăn lại còn được Chính phủ hỗ trợ vốn, lãi suất. Đó là chưa kể, một khi chúng ta vẫn coi gạo là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, thì khi thị trường biến động, giá tăng nóng, thiếu hụt nguồn cung thì nhà nước lại dùng chính sách kiểm soát giống như lâu nay vẫn làm.

GS Xuân nêu ra trường hợp của Thái Lan, mà theo ông có thể xem như một tia hy vọng có thể xoá bỏ độc quyền kinh doanh lúa gạo. Ông nói: Chính phủ Thái trợ giá bằng cách mua lại lượng lúa của nông dân vừa đủ kiểm soát thị trường. Số còn dư thừa, các công ty được quyền mua bán, nhưng mức giá không thấp hơn giá chính phủ. Số gạo dự trữ, tuỳ vào tình hình thị trường, nếu thấy có lợi, Chính phủ sẽ mở thầu bán lại cho các công ty trong nước (không phân biệt đối xử) để họ xuất khẩu.

Như vậy, chính sách hỗ trợ đến trực tiếp nông dân chứ không phải doanh nghiệp và cơ chế này cũng không mang lại đặc quyền cho doanh nghiệp nào. Việt Nam cũng có thể làm theo cách này, nhưng số tiền bỏ ra thu mua lúa dự trữ hàng năm phải rất lớn. “Biện pháp này vừa giải quyết vấn đề an ninh lương thực quốc gia, vừa không phải mất công quản lý xuất khẩu và hơn hết là mang lại sự công bằng”, GS Xuân bình luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xoá bỏ độc quyền xuất khẩu gạo được không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO