Xã thương binh

PHƯƠNG QUYÊN| 05/09/2009 07:23

Những đêm trở trời, cơn đau từ vết thương cũ lại âm ỉ nhắc người chiến sĩ năm xưa về một thời đấu tranh oanh liệt...

Xã thương binh

Những đêm trở trời, cơn đau từ vết thương cũ lại âm ỉ nhắc người chiến sĩ năm xưa về một thời đấu tranh oanh liệt. Giấc ngủ đến nặng nhọc nhưng chỉ vài giờ nữa thôi, khi bình minh ló dạng, họ sẽ lại vác cuốc ra ruộng, ra vườn với khí thế lao động như ngày còn son trẻ.

Anh hùng giữ nước

Con đường đầy ổ gà lẫn khói bụi dẫn chúng tôi đi dọc địa phương được mệnh danh là “Vành đai đỏ” của TP.HCM suốt hai cuộc kháng chiến. “Có lẽ, phải đến năm 2011, cung đường này mới tươm tất được”- anh Võ Văn Huệ, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nhựt, Bình Chánh, bạn đưa đường của chúng tôi, cho biết. Đô thị hóa, giá đất tăng, đâu đâu cũng thấy treo bảng rao bán đất. “Thổ nhưỡng là phèn mặn, chua, rất khó sản xuất. Kêu gọi những người trẻ quí trọng, gìn giữ mảnh đất nhiều dấu ấn lịch sử này là không dễ, bởi họ không đổ máu để giữ gìn chúng”- ông Nguyễn Thế Hùng (Năm Hùng) ở ấp 3, xã Tân Nhựt thở dài. Hiểu suy nghĩ của người trẻ nhưng dù có đổi đất lấy bao nhiêu vàng, ông cũng không chịu. Mộ tổ ở đây, từ đường ở đây và một phần xương thịt của ông cũng ở đây.

Ao cá của thương binh Nguyễn Thế Hùng

Ông kể, 17 tuổi, theo cách mạng vì ham vui, nhưng khi đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định, ông dần hiểu mục đích cầm súng bảo vệ quê hương. Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, “Vành đai đỏ” trở thành địa điểm của những đợt càn quét khốc liệt của kẻ thù. Cuối năm 1969, trên đường đưa đoàn tập huấn chính trị vượt qua các ổ mai phục của địch, ông cùng đồng đội bị tiểu đoàn Trâu điên đánh úp. Sa vào tay giặc với vết thương hoại tử ở chân và toàn thân trầy xước, những trận đòn tra tấn chí tử khiến ông nghĩ mình không thể sống sót. Ông nhớ lại: “Bị giải đến đâu, đồng bào, đồng chí cũng yêu thương, nâng đỡ. Điều đó giúp tôi vững tinh thần, kiên định trước sự dã man của giặc”.

Sau những ngày bị giam cầm ở Phú Quốc, được tự do, anh thương binh Nguyễn Thế Hùng ngày ấy lại khập khiễng hòa mình cùng đồng đội trong chiến dịch Hồ Chí Minh rồi về lại thành phố, đảm nhận nhiệm vụ mở đường cho một cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. “Máu đỏ đồng, máu đòi độc lập chủ quyền, thiêng liêng lắm!” - ông nói với đôi mắt đã hoe đỏ. Thiêng liêng thế nên mỗi tấc đất thừa tự, ông đều chăm chút, giữ gìn cẩn thận.

Bắt đất phèn sinh lợi

Trên vùng đất chỉ hơn 2.000 ha này, có đến 21 Mẹ Việt Nam anh hùng, 353 liệt sĩ và 64 thương binh. Đáng ngạc nhiên là dù ở tuổi khá cao, những anh hùng chiến trận này nào vẫn chưa cho phép bản thân nghỉ ngơi. Cùng với ông Hùng, những thương binh như Lê Văn Giáp, Trần Văn Bốn, Phan Nhật Trung... luôn gắn liền với danh hiệu Lao động tiên tiến.

“Ngày mới giải phóng, tham gia mô hình hợp tác xã, cày cấy trên đất phèn, thiếu phương tiện, kỹ thuật, lãi một năm được 30% là mừng hết lớn” - ông Lê Văn Giáp (Tư Hậu) cho biết. Vậy mà giờ đây, khi ruộng của dân trong vùng thu được khoảng 15 giạ/công thì ruộng của ông đạt năng suất đến 22 giạ/công. Mỗi năm hai vụ, kết hợp với nuôi cá, kinh tế nhà ông nhờ vậy mà thoải mái hơn ngày xưa rất nhiều. Hỏi ông học trồng lúa ở đâu, ông đùa, bảo ngày xưa bắt giặc đầu hàng được thì thời bình phải tự bắt lúa đầu hàng mình được.

Chiến đấu kiên cường, lao động sáng tạo

Tinh thần không bao giờ lùi bước của người lính khiến họ cố gắng và nhắc nhau cố gắng nhiều hơn nữa. Bà Nguyễn Thị Nữa, cô gái dân quân năm nào, tiết lộ: “Không có kỹ thuật, chúng tôi động viên nhau tham gia các lớp triển khai công nghệ do xã tổ chức, xem truyền hình khuyến nông để lấy kinh nghiệm”. Lao động với tinh thần học hỏi như thế, những cựu chiến binh ấy đạt đến thành công cũng là điều dễ hiểu. Trời chiều lòng người, những cố gắng nhằm theo kịp đời sống mới của các chiến sĩ năm nào nay đã đến mùa gặt hái.

Nhà ông Nguyễn Thế Hùng có đàn heo nái gần 30 con, 6.000m2 mặt ao cá, 20.000 m2 đất vườn... Kết hợp sản xuất theo mô hình VAC, mỗi năm ông thu lãi hơn 200 triệu đồng. “Chiến đấu phải kiên cường nhưng lao động thì phải sáng tạo”- ông Hùng chia sẻ. Nếu không biết tự nghiên cứu, làm thức ăn cho cá với những nguyên liệu sẵn có, với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, có lẽ, như những nông dân khác, ông đã bị “cá rầy”, lỗ nặng.Trời gầm gừ rồi sập tối. “Ở đây vẫn còn nhiều khu chưa có đèn đường”- ông Trần Văn Bốn nói vậy rồi từng bước lần ra sân che bạt cho mấy bao lúa mới gặt. Một chân bỏ lại trong chiến dịch Mậu Thân nhưng từ ngày làm cán bộ văn thư đến nay về hưu, ở nhà, chăn nuôi, nụ cười bao giờ cũng nở trên môi ông. Thiếu ánh sáng, giao thông không thuận lợi. Lại thêm một cái khó của vùng đất chua phèn!

Nước mặn, đồng chua... ở nơi tận cùng thành phố, những người chiến sĩ năm nào vẫn sát cánh bên nhau sau bao thăng trầm cuộc sống. Có vài người đã ra đi mãi mãi. Hình như giữa họ có sự gắn kết kỳ lạ nào đó, người đã khuất như vẫn đang đau đáu dõi theo những người đang sống, giữ lửa cho họ, để nguồn sức mạnh trong công cuộc giữ đất, đánh bại cái khó cái khăn vẫn như ngọn đuốc cứ cháy mãi, sáng mãi...

Rời “xã thương binh”, chia tay những người không còn lành lặn nhưng lại là anh hùng của cả hai mặt trận chống giặc và chống nghèo, chúng tôi di chuyển thật nhanh, mong tránh được cơn mưa giữa mùa, bên tai còn nghe giọng ông Năm Hùng: “Thời đạn bom ngập trời, sống, chết chỉ cách nhau một bước chân, tụi này chiến đấu chẳng thua ai. Bây giờ mà để nghèo khó đè bẹp mình, coi sao được!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xã thương binh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO