Văn hóa, bao nhiêu là đủ với thương trường?

KHẢI LY| 26/07/2014 07:20

Có lần trong thư ngỏ của một công ty điều hành một khu du lịch văn hóa, thấy những dòng như: "Chúng tôi, nhà hàng X, đã mời bếp trưởng danh tiếng nhà hàng Y về phục vụ những món ngon nổi tiếng của địa phương".

Văn hóa, bao nhiêu là đủ với thương trường?

Có lần trong thư ngỏ của một công ty điều hành một khu du lịch văn hóa, thấy những dòng như: "Chúng tôi, nhà hàng X, đã mời bếp trưởng danh tiếng nhà hàng Y về phục vụ những món ngon nổi tiếng của địa phương".

Đọc E-paper

Trong giới kinh doanh lữ hành, nhiều đơn vị biết nhà hàng Y là thương hiệu cạnh tranh trực tiếp với nhà hàng X. Vì vậy, bên điều hành nhà hàng X cứ ngỡ "thâu tóm" được bếp trưởng của nhà hàng Y và công khai thì sẽ chinh phục được đối tác lữ hành và khách hàng.

Thật sự với một đơn vị làm du lịch văn hóa, bức thư ngỏ (gửi cho hàng trăm đối tác, khách hàng) như vậy không chỉ mắc lỗi trầm trọng phơi bày sự thiếu tự tin trong kinh doanh, mà còn thể hiện văn hóa chụp giât trong sử dụng nhân sự, sao chép sản phẩm.

Đây quả là điều tối kỵ trong kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh mảng du lịch văn hóa. Sự nghi ngờ đối với chất lượng sản phẩm đã thể hiện ngay ở trình độ thực hiện bức thư chào hàng!

Có bao nhiêu người tự nhận thức đã đánh mất cơ hội phát triển mối quan hệ tốt chỉ vì sự hạn chế văn hóa nền tảng. Có doanh nhân tâm sự, một lần anh có dịp làm quen với hai phụ nữ tại một sự kiện ra mắt nhãn hàng của công ty. Một người đang quản lý một gallery có tiếng ở Singapore, người kia quan tâm đến sưu tập tranh.

Câu chuyện của hai người mải mê xoay quanh các dòng tranh đang "có giá” trên thị trường TP.HCM. Một câu chuyện anh thấy hấp dẫn, nhưng không thể xen vào vì không có chút kiến thức về chuyện "tranh pháo". Vừa mất cơ hội làm thân với hai phụ nữ dễ mến, vừa giận bản thân văn hóa thiếu nền tảng.

Từng có trường hợp một doanh nhân rất thành công trong thương mại ở Đông Âu, trở về đầu tư kinh doanh du lịch ở Việt Nam. Trong lúc nhiều người khác đầu tư thuận lợi, thì doanh nhân này lại luôn vấp váp, khó khăn khi triển khai dự án. Những kinh nghiệm thương trường Đông Âu dường như có độ vênh với thực tế ở Hội An.

Doanh nhân này luôn "vấp" trong lúc cộng tác với các chuyên gia văn hóa, nên không thu hút được người giỏi giúp sức cho dự án, tạo ra những sản phẩm du lịch thiếu độc đáo, hời hợt. Với một môi trường du lịch cạnh tranh gay gắt do tụ hội người tài khắp thế giới đổ về như Hội An, sự thất bại vẫn xảy ra với nhiều người do không có sự chuẩn bị kỹ về khả năng hội nhập với một di sản văn hóa.

Tôi cùng từng ngạc nhiên khi một nữ doanh nhân giới thiệu về nhà hàng theo phong cách nhà rường miền Trung. Phong trào chơi nhà cổ, tạo dựng các khu nhà hàng, cà phê đã lan nhanh khắp cả nước. Không chỉ phục dựng các nhà rường cổ, mà còn là các chi tiết như bậc thềm phải là viên đá tảng đã sử dụng trăm năm, mòn vẹt bước chân người.

Tại sao phải kỳ công và tốn kém? Khi từng chi tiết xưa cũ trong không gian đều được chăm chút như vậy, bức tranh tổng thể vườn xưa sẽ mang tính nguyên bản. Sự hiểu biết về giá trị đích thực của văn hóa sẽ khiến nhà đầu tư chấp nhận chi tiền đúng chỗ, để nhà vườn xưa không giống các khu vườn đầy các cây cảnh cổ thụ nhưng hòn non bộ lại mới tinh, treo cả đèn xanh đỏ.

Có dịp hiểu sâu hơn về nữ doanh nhân này, sẽ cảm nhận sự nỗ lực tự học của chị vượt qua hoàn cảnh. Không chỉ thành công trong kinh doanh, nhờ quá trình tự hoàn thiện mình, chị có thêm nhiều người bạn tâm giao kinh doanh ở các lĩnh vực khác nhau, hỗ trợ nhau trên thương trường.

Có mấy người nhận ra, mười hai năm trên ghế nhà trường, học trò ra sức tô vẽ các bức tranh trong giờ mỹ thuật nhưng không hề được học (sơ lược) về lịch sử mỹ thuật, vài cách cảm thụ nền tảng, được đưa đi bảo tàng xem các tác phẩm nghệ thuật, hiểu về giá trị của tác phẩm độc bản hay phiên bản, biết tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ.

Sự chênh lệch thời lượng học môn sử với quá nhiều ngày tháng, địa điểm của các cuộc chiến tranh gây nhàm chán, trong khi nhiều kiến thức văn hóa cần thiết tạo nền tảng thôi thúc con người trau dồi, tự học trên đường đời lại rất sơ sài, phiến diện.

Và thiếu cả khả năng nhận thức được mình đang thiếu hụt những gì để bổ sung, sẽ mất những cơ hội nào, làm sao để giúp cuộc sống đẹp hơn, nhiều cơ hội hơn trong cả kinh doanh và hưởng thụ. Gần đây có rất nhiều hoạt động chăm sóc cho văn hóa doanh nhân, từ tác phong sang trọng đến quy trình một bữa ăn tối với đối tác nước ngoài, nhưng chiều sâu văn hóa mới là một nền tảng vững chắc làm nên hình ảnh đẹp thật sự.

>Thành phố có đáng sống không?
>Bị cấm cửa, mới giật mình!
>
Gìn giữ văn hóa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn hóa, bao nhiêu là đủ với thương trường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO