Vẫn còn những người đốt lửa

16/09/2013 04:45

Từng viết thư cho Thủ tướng đề xuất những cải cách cho đất nước từ rất sớm, những phản biện quyết liệt của anh về quy hoạch đô thị trong vai trò đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM cũng là để hướng tới một chính quyền đô thị phù hợp với nhịp sống thời đạ

Vẫn còn những người đốt lửa

Tốt nghiệp tiến sĩ xây dựng tại trường đào tạo kỹ sư danh tiếng của Pháp – Ecole Centrale Paris, thạc sĩ quản trị hành chính công tại trường Quản lý công Lý Quang Diệu (Singapore) và trường Hành chính công Kennedy – đại học Harvard (Mỹ), Lê Nguyễn Minh Quang không chỉ là chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng nền móng, công trình ngầm, những đóng góp thẳng thắn của anh cho những vấn đề nóng của đất nước, của thành phố thể hiện tầm nhìn, sự hiểu biết thấu đáo của một trí thức với trách nhiệm công dân sâu sắc.

Tranh: Hoàng Tường

Từng viết thư cho Thủ tướng đề xuất những cải cách cho đất nước từ rất sớm, những phản biện quyết liệt của anh về quy hoạch đô thị trong vai trò đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM cũng là để hướng tới một chính quyền đô thị phù hợp với nhịp sống thời đại.

*Đặt vấn đề chính quyền đô thị lúc này, rõ ràng nhu cầu vận động của cuộc sống, của xã hội đã trở nên bức bách?

Không phải chỉ vì chiếc áo quá chật lại rách nhiều nơi, mà thay thế một chiếc áo hoàn toàn mới bằng chất liệu mới, kiểu dáng mới là để phù hợp trào lưu chung của thế giới.

TP.HCM với xấp xỉ 10 triệu dân đang chịu sự quản lý của một bộ máy mà ở đó tiếng nói người dân chưa được coi trọng, đời sống dân sinh, an sinh chưa được bảo đảm, bộ máy chính quyền thì lúng túng khó khăn trong việc giải quyết những vấn nạn.

Là thành phố lớn nhất nước, TP.HCM vẫn phụ thuộc nhiều vào trung ương, từ chính sách đến tài khoá. Chính quyền đô thị đặt ra mục tiêu lớn nhất là được tự chủ trong việc ra những quyết định không vượt khỏi khung của luật pháp nhà nước.

Về tài khoá, không thể nuôi dưỡng một cơ thể lớn mạnh bằng khẩu phần và cơ chế định lượng như hiện nay. Yêu cầu được trao quyền tự chủ cũng chính là để thay thế bằng một chiếc áo mới, rộng lớn hơn. Muốn vậy, phải có sự chuẩn bị về đội ngũ viên chức, để khi chúng ta mặc áo mới không bị “luộm thuộm”.

Một số anh em đã được đào tạo qua thực tiễn nhưng chưa phát huy được khả năng vì chưa được trao thực quyền cho mỗi vị trí; thành phố muốn quyết việc gì cũng phải qua trung ương, các sở – ban – ngành cũng phải xin chỉ đạo thành phố… nên chưa thể kịp thời đưa ra những chính sách phù hợp với cuộc sống. Về đãi ngộ, chưa có cơ chế thu hút nhân tài vào bộ máy chính quyền.

Một điều đáng buồn là những người có năng lực và tâm huyết, cá tính đang có xu hướng đi ra ngoài làm vì không còn lửa nữa, lương bổng cũng chưa tương xứng để họ cống hiến trí tuệ cho chính quyền.

Những vấn đề đó đã dẫn đến thực tế là chúng ta chưa có khả năng phát huy nội lực mà thành phố đang có, và chưa thực sự sẵn sàng khoác lên chiếc áo mới. Nhưng không thể chờ đợi, phải song song hoàn thiện hai khiếm khuyết đó.

* Bao giờ chúng ta mới bắt đầu giải quyết một cách căn cơ những vấn đề của đô thị, thay vì kiểu chắp vá, hư đâu sửa đó như hiện nay?

Vấn đề bức xúc nhất của thực tế hàng ngày là giao thông, cấp thoát nước, hạ tầng… nhưng nhìn tổng quan, hệ thống pháp luật, các quy định đều yếu và thiếu.

Thành phố đã nỗ lực rất nhiều từ khi khánh thành đại lộ Đông Tây, điểm son là những chiếc cầu vượt bằng thép gần đây đã thay đổi cách nhìn về dự án nhà nước luôn chậm trễ và đội vốn. Nếu những việc nhỏ làm tốt sẽ tạo niềm tin lớn.

Nhưng những dự án cấp thoát nước, vệ sinh môi trường vẫn làm rất chậm, vốn đội lên nhiều lần khiến người dân bức xúc vì bộ máy chưa đủ tầm, đủ năng lực cho những dự án lớn.

Tại sao chúng ta không thu hút được người từ bên ngoài vào những dự án đó? Có vẻ mỗi sở đang thực hiện theo hệ thống ngành dọc, mang tính kiểm soát, quản lý hơn là định hướng phát triển.

Những quy định về giao thông vẫn sa đà vô chuyện chữa cháy nhiều hơn, phải định hướng để tạo được sự thông thoáng cho giao thông công cộng mới giải quyết được vấn đề đi lại hỗn độn… Rõ ràng Sài Gòn – TP.HCM bây giờ chưa có được tầm mức so với khu vực như trước 1975.

Mình tăng trưởng 10% với gia tốc của xe đạp, còn người ta tăng trưởng 3% theo gia tốc xe hơi. So sánh với các nước lân cận thôi, nếu chúng ta bằng lòng với hiện tại, khoảng cách sẽ ngày càng xa. Phải có đội ngũ quản lý quy hoạch có năng lực mới tạo được sức bật mới.

* Vậy theo anh, bao giờ chúng ta mới có được những cư dân đô thị quyết tâm cùng chính quyền thay đổi bộ mặt thành phố?

Tình trạng của Singapore nhiều năm về trước giao thông cũng hỗn độn, tệ nhũng nhiễu, làm tiền, xả rác… cũng đầy dẫy như ở Việt Nam. Thời điểm 1965, chính quyền Singapore đứng đầu là Lý Quang Diệu đã quyết tâm cải cách mạnh mẽ, như một cam kết sống còn của dân tộc, từ đó tạo được kỷ cương phép nước truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Khi chính quyền có quyết tâm, dân chúng đồng tình, họ đã biến Singapore thành một đảo quốc sạch và văn minh hàng đầu thế giới. Với những hình phạt thật nặng như vứt bậy một tàn thuốc bị phạt 500 đôla Sing, vẽ bậy trên ga điện ngầm ngoài phạt tiền còn bị đánh đòn… ông Lý Quang Diệu đã biến một đất nước tụt hậu thành một quốc gia văn minh, tuân thủ luật pháp.

Họ đã làm được chính là do nhận thức, quyết tâm, và năng lực. Không có lý do gì chúng ta từ chối học hỏi để quản lý đô thị thành công như ông Lý Quang Diệu.

Hiện tại mình chưa có được nếp sống và hành vi ứng xử của thị dân văn minh cũng là điều dễ hiểu. Do một thời gian dài tự hào với chiến thắng và tập trung xây dựng ý thức hệ mà xem nhẹ việc giáo dục đạo đức công dân, nên đã tạo ra một lỗ hổng lớn dẫn đến sự trì trệ, nạn vượt đèn đỏ, chen lấn xô đẩy, đánh nhau ngoài đường, cướp giật tràn lan…

Đã quá lâu người dân thành phố phải sống theo những quy định đem lại lợi ích trước tiên cho nhà quản lý, rất ít cơ hội thay đổi điều đó cho mục đích thoả mãn cuộc sống của mình. Chính sách là để hướng đến một cuộc sống tốt hơn cho người dân, cho xã hội.

Kênh Nhiêu Lộc nước đã bắt đầu sạch hơn, cá đã xuất hiện trở lại, nhưng người dân thiếu ý thức vẫn câu cá như một thú tiêu khiển, mặc cho các biển cấm giăng đầy. Phải có các hình thức phạt nặng, cùng việc vận động ý thức bảo vệ môi trường bắt đầu từ tổ dân phố, phường xã…

Cũng như tất cả thành phố khác, cuộc sống nhiều lần biện chứng cho thấy bản năng con người luôn tìm đến những gì thoải mái hơn, tiện lợi hơn. Nếu không có những chế định phục vụ nhu cầu phát triển tự nhiên của con người thì bằng cách này hay cách khác, con người cũng phải tìm cách vượt khỏi hàng rào để đạt được sự tự do, thoải mái.

* Từ những điều ông Nguyễn Sự đã làm được cho Hội An, anh nghĩ gì về bản lĩnh của một thị trưởng?

Bản lĩnh và nội lực của người thị trưởng quyết định vận mệnh một thành phố. Một thành phố nhỏ như Hội An, làm gì có khu công nghiệp, làm gì có trung tâm tài chính, nhưng ông Nguyễn Sự vẫn làm được, làm tốt là nhờ ý thức tạo nên một thành phố xanh, sạch, văn minh, đậm đặc bản sắc, để thu hút du khách và người tài đến với Hội An, nếu không Hội An sẽ bị nhấn chìm trước cơn lốc của đô thị hoá, sẽ bị diệt vong bởi tham vọng làm giàu của những nhà đầu tư không cùng chí hướng.

Thị trưởng một thành phố lớn phải là người quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, am hiểu về quy hoạch, không chỉ quy hoạch đô thị, mà cả quy hoạch giao thông, quy hoạch phát triển kinh tế.

Có thể không phải lúc nào ông cũng đúng, nhưng phải là người quyết đoán thì thành phố mới phát triển được. Nếu chỉ chờ đợi sự đồng thuận thì thành phố chỉ bình bình. Và điều tiên quyết là hội tụ được quanh mình những nhân sự có năng lực, tâm huyết.

* Từ lâu, anh đã kiến nghị thành phố công khai thi tuyển các chức danh quan trọng, kể cả chức thị trưởng?

Ở các nước, những chức danh quan trọng của một thành phố đều do dân bầu. Người ứng cử phải có chương trình hành động, cam kết rõ ràng để người dân đặt niềm tin, trao trách nhiệm và giám sát thực hiện. Phải chăng chúng ta không đủ người để ứng cử? Hay chúng ta đã quen với tư duy “hiệp thương”?

Nếu chúng ta công khai thi tuyển vào các chức danh quan trọng để tìm kiếm người tài và trả lương xứng đáng, ngang ngửa với các tổng giám đốc, lúc ấy họ sẽ yên tâm làm việc mà không phải tham nhũng, hối lộ. Để có được sự bứt phá, không còn cách nào khác là phải cởi mở, sử dụng và biết sử dụng nguồn vốn con người. Cách giải quyết, thu hút nhân tâm của Lý Quang Diệu rất đáng học.

* Anh đã nghĩ gì khi thấy tiếng nói phản biện của trí thức ngày càng ít đi hoặc rơi vào im lặng?

Ngày xưa Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nhóm Thứ Sáu tập hợp các trí thức để phản biện và đóng góp cho các chính sách. Đó là điều đáng suy nghĩ. Để đội ngũ trí thức chuyên gia bên ngoài bộ máy có thể tư vấn cho chính quyền, công việc này phải trở thành nhu cầu thiết yếu, xảy ra thường xuyên, nếu chỉ làm rời rạc, khi nào cần mới xử lý thì không thể kết nối được sức mạnh tri thức.

Tôi nghĩ sự bất bình đẳng lớn nhất về cơ hội là những người được đào tạo bài bản không phát huy được khả năng của mình. Cơ hội phát triển năng lực không dành đúng vị trí cho những người được đào tạo với bằng cấp đánh đổi bằng quá trình gian lao miệt mài học tập mà vì những người có tấm bằng nhờ… trao đổi, đó là bức bối lớn nhất, là sự nghẽn mạch cản đường đất nước. Khi cả một bộ máy vô hiệu hoá người tài, đó là thảm hoạ.

Nhìn vào giới trẻ hôm nay, đại đa số vẫn giữ được tinh thần ham học và vươn lên bằng tri thức. Điều tôi lo nhất là khi rời ghế nhà trường, môi trường này sẽ tác động đến họ như thế nào trong những ngã rẽ của cuộc đời?

* Là đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM khoá 7, những đóng góp của anh đã gây sóng gió không ít trong chốn nghị trường. Anh có quá mạo hiểm khi làm những điều gây bất lợi cho vị trí tổng giám đốc công ty Bachy Soletanche Việt Nam và cho cuộc sống bình yên của mình?

Trong tôi luôn có một thôi thúc rất mạnh, những điều mình có thể làm được, có thể đóng góp cho thành phố, cho đất nước, tôi không ngần ngại. Chọn cách nào cho hiệu quả là cách riêng của mỗi người.

Trong rất nhiều lần đóng góp những ý kiến trái chiều gây tranh cãi, câu hỏi đặt ra với tôi là mình có đem lợi ích cá nhân và lợi ích công ty vào trong nghị trường hay không?

Liệu có điều gì lớn hơn lợi ích chung của cộng đồng? Khi trả lời được những câu hỏi như vậy thì tôi thấy thanh thản. Sự dấn thân giúp mình đủ tự tin để phản biện.

Xem lại kịch của Lưu Quang Vũ, tôi thấy những thông điệp của anh vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Trong đêm đen, nếu anh không đốt lửa thì ai sẽ đốt lửa? Một người đốt lửa, nhiều người đốt lửa, tương lai thành phố sẽ tươi sáng hơn.

* Anh từng nói “Tài sản của chúng ta là nỗi nhục nghèo khó”. Cách để anh vượt lên những nỗi nhục của chính mình?

Nghịch cảnh là cơ hội của người có ý chí và thảm hoạ của người buông xuôi. Sau 1975, cha tôi đi học tập, mẹ ở nhà nuôi ba con nhỏ. Tôi không còn con đường nào khác là phải vượt lên, học thật giỏi. Đậu vào khoa điện đại học Bách khoa, nhưng vì lý lịch tôi phải chuyển qua khoa xây dựng, không ngờ lại tìm thấy niềm đam mê đóng góp cho xã hội những công trình đẹp đẽ khang trang…

Qua Pháp, môi trường cạnh tranh quá dữ dội của một đại học hàng đầu đã khiến tôi có lúc phải cầm đơn đến giáo sư định xin nghỉ học. Nhưng nghĩ cảnh phải quay về trong tư thế thất bại, tôi gạt nước mắt quyết tâm vượt qua.

Khi đi làm, những thử thách trong một tập đoàn đa quốc gia với những chính sách hạn chế, miệt thị người bản xứ đã khiến tôi nổi giận: “Từ nhỏ tôi đã bị phân biệt đối xử, một khi đứng lên, tôi sẽ không bao giờ quỳ xuống nữa!”

Tính cách thẳng thắn, không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác đã khiến tôi nhiều khi gặp trở ngại, thất bại, nhưng tôi vẫn tin vào sự kiên trì, lòng quyết tâm, sự trầm tĩnh, phân tích, có trước có sau, và đặc biệt là cách sống không hổ thẹn sẽ giúp mình tìm ra những con đường để vượt qua trở ngại đó.

* Theo anh, điều gì sẽ giúp cho đất nước tạo được sức bật mới, thay vì chìm sâu trong khủng hoảng?

Đáng sợ nhất là sự bàng quan của giới trẻ, bàng quan ngay cả với tương lai của chính mình, đặc biệt với người xung quanh, với vận mệnh đất nước. Phải chăng họ đang thiếu một lý tưởng đẹp để sống, một mục tiêu chung có thể thu hút nguồn sinh lực khiến giới trẻ đi theo?

Vận mệnh dân tộc phải gắn liền với một đội ngũ lãnh đạo kiệt xuất, anh minh, đủ sức lôi kéo nhân tài đóng góp cho sự nghiệp chung. Nhân tài là nguyên khí của quốc gia. Chúng ta phải thay đổi tư duy sử dụng nhân tài thì đất nước mới có cơ may phát triển.

Tôi tin vào thuyết tiến hoá của nhân loại, dân tộc mình không thể đi ngược quy luật đó được. Lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho tôi xác tín mạnh mẽ Việt Nam sẽ thay đổi và đi lên, mình sẽ có cơ hội để đóng góp. Cuộc sống vẫn còn những người đốt lửa, để Việt Nam vượt ra khỏi nghèo hèn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẫn còn những người đốt lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO