Ulaanbaatar "mùa lạ lùng"

NGUYỄN CHÍ LINH| 19/09/2014 07:07

Thời tiết ở Ulaanbaatar thật khắc nghiệt, những ngày trước vẫn còn nắng ấm, vậy mà trận bão tuyết hôm nay đã khiến thành phố chìm ngập trong một màu trắng tinh và lạnh cóng.

Ulaanbaatar

Thời tiết ở Ulaanbaatar thật khắc nghiệt, những ngày trước vẫn còn nắng ấm, vậy mà trận bão tuyết hôm nay đã khiến thành phố chìm ngập trong một màu trắng tinh và lạnh cóng. Nhưng người Mông Cổ dường như đã quá quen với thời tiết đỏng đảnh như thế. Trong màn sương mùa Đông ở Ulaanbaatar, những ống khói từ các nhà máy vẫn hoạt động hết công suất, nhả ra những làn khói đen kịt. Ulaanbaatar đang gánh chịu hậu quả ô nhiễm môi trường quá lớn.

Đọc E-paper

Một góc Quảng trường trung tâm UB

Ulaanbaatar được người địa phương gọi một cách đơn giản nhưng đầy yêu thương là UB. Ẩn sau những bức tường thành cũ kỹ rêu phong màu nâu xám là thành phố có bề dày lịch sử và những trái tim nồng ấm đáng yêu của người bản địa.

Người Mông Cổ yêu quý thủ đô của mình như cách người chăn nuôi gia súc trên những đồng cỏ chạy dài đến tận chân trời cần mẫn dùng chiếc dao nhỏ cắt gọt từng thớ thịt còn sót lại trên những chiếc xương cừu trong những bát súp.

Mùa Xuân dường như đến chậm trên những thảo nguyên xanh mướt và thời tiết thì quá lạ kỳ trong những ngày tôi ở UB. Một ngày có nhiều mùa và có những mùa "lạ lùng" ngoài bốn mùa cơ bản. Các chuyến bay đến đây cũng nhanh chóng bị hủy trong chốc lát vì sự lạ lùng này.

Các hãng hàng không không xuất thẻ máy bay nối chuyến đến UB, mà cần phải xác định hôm nay có bay được hay không rồi mới tính tiếp. Cô Ghana, hướng dẫn viên cho tôi đi vào sa mạc Gobi cho biết, tháng 6 và 7, những cơn mưa đến vội vàng trên thảo nguyên, những đồng cỏ màu vành chanh được thay thế bằng những đồng cỏ xanh rì, bát ngát đầy sức sống.

Vậy nên người ta hay gọi Mông Cổ là quốc gia của những thảo nguyên. Đến sau những trận mưa rào là những cầu vồng tuyệt đẹp nằm vắt vẻo trên những rừng thông hay trên đồi cỏ. Bắt đầu sang Thu, thời tiết trở nên dịu dàng, không còn đỏng đảnh.

Những tháng Hè, nhiệt độ ở Mông Cổ vào khoảng 20 độ C và thấp dần vào những tháng mùa Thu. Hầu hết các tháng còn lại, nhiệt độ gần như dưới 0 độ.

Tháng 1 và tháng 2, nhiệt độ biến thiên từ -15 đến -30 độ C. Tình trạng ấy kéo dài khiến cho nhiệt độ bình quân ở UB khoảng -1,3 độ C và UB được xem là một trong những thành phố lạnh nhất trên quả địa cầu.

Chăn nuôi gia súc theo kiểu du canh du cư là nghề truyền thống của người Mông Cổ

Hôm qua nắng đẹp, nhưng hôm nay tuyết lại rơi phủ kín các mái nhà và đường phố. Cả thành phố chìm trong băng giá.

Từ trên đỉnh đồi cao nhìn xuống, ống khói của những nhà máy nằm liền kề trong lòng thành phố UB liên tục nhả những cột khói đen kịt vào không khí, bác tài xế Burmaa chắc lưỡi: "UB đang gánh chịu hậu quả ô nhiễm môi trường quá lớn bởi sự khắc nghiệt của thời tiết!".

Ghana giải thích cho tôi hiểu thêm, thời tiết quá khắc nghiệt ở Mông Cổ đã khiến gia súc chết rất nhiều, những người trẻ từ làng quê bỏ nghề chăn nuôi truyền thống để lên UB tìm việc khiến thành phố phải gánh chịu hậu quả như thế này.

UB đang tái cấu trúc ngành công nghiệp để giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động. So với thủ đô Bắc Kinh, mức độ ô nhiễm không khí ở UB cao gấp 20 lần và theo Tổ chức Y tế Thế giới, UB là thành phố ô nhiễm cao thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau thành phố công nghiệp Ahvaz của Iran.

Nền kinh tế của Mông Cổ trong thời kỳ còn quan hệ mặn nồng với khối Xô Viết dựa trên việc xuất khẩu những sản phẩm nông nghiệp như lúa mì, thịt, da thú, lông và sữa..., đóng góp khoảng 1/3 GDP của Mông Cổ. Chăn nuôi gia súc chiếm 80% trong lĩnh vực nông nghiệp và 30% dân số của Mông Cổ là những người chăn nuôi gia súc theo dạng du canh du cư và bán du canh du cư.

Ghana nhớ lại, trong thời gian đó, cuộc sống rất thanh bình, ai cũng có công ăn việc làm. Hằng tháng, người Mông Cổ đến các hợp tác xã để được phân phối lương thực và mua một ít vật dụng.

Năm 1990-1991, khối Xô Viết tan rã, mối quan hệ giữa Mông Cổ và Nga cũng gần như đóng băng. Những người chăn nuôi gia súc gặp khó khăn khi chỉ khoảng 8% lượng thịt và 4% lượng sữa được đưa vào ngành công nghiệp chế biến; ngành công nghiệp thực phẩm dường như chỉ hoạt động theo mùa, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu nội địa. GDP giảm nghiêm trọng, từ 3,2% vào năm 1999 xuống còn 1,3% vào năm 2000.

Khi khó khăn đã đi qua, Chính phủ Mông Cổ cố gắng khôi phục ngành nghề truyền thống và tìm cách xuất khẩu sản phẩm sang các nước lân cận. Việc mở cửa cho các công ty nước ngoài vào đầu tư vào năm 2001 là hướng đi mới của Mông Cổ.

Số lượng gia súc tăng lên đáng kể, từ 26 triệu con vào năm 1996 lên đến 43 triệu con vào năm 2010. Mặt khác, để vực dậy nền kinh tế đang lao đao, chính phủ Mông Cổ bắt đầu chuyển hướng sang các ngành công nghiệp nặng như khai thác đồng, thiếc, than đá, vàng và khí đốt.

Yurt - chiếc lều truyền thống của người Mông Cổ

Chúng tôi ghé qua nhà bác Bataar, chủ nhà ở vùng Tsagaansuvarga, trước khi đi vào sa mạc Gobi. Những chiếc điện thoại di động luôn được treo trên mái vòm của chiếc lều Yurt truyền thống để nhận sóng nhiều hơn ở vùng sa mạc. Buổi chiều, tôi cùng gia đình bác Bataar xén lông lạc đà và cừu.

Bác Bataar cho biết, 75% những người Mông Cổ ở làng quê sinh sống bằng nghề chăn nuôi gia súc trên các đồng cỏ. Cách thức giao dịch trong việc mua bán gia súc khá đơn giản: bán qua thương lái và mặc cho thương lái định đoạt giá cả bởi ở Mông Cổ chưa có bảng giá giao dịch chung của thị trường, đây cũng chính là thiệt thòi của những người chăn nuôi gia súc.

Việc sống theo kiểu du canh du cư rải rác trong sa mạc hay trên thảo nguyên mênh mông cùng với hệ thống viễn thông chưa hoàn thiện khiến họ khó có cơ hội gặp gỡ trao đổi thông tin lẫn kỹ thuật chăn nuôi gia súc hay đưa ra giá cả giao dịch chung cho thị trường.

Nhà nước vẫn chưa thành lập chợ gia súc để có tiếng nói chung và giá cả thị trường do thương lái định đoạt nên lợi nhuận thu được từ việc chăn nuôi gia súc quá thấp khiến cuộc sống của người chăn nuôi lao đao trong khi thương lái ngày càng giàu lên.

Bác Bataar vẫn nhớ như in sự khắc nghiệt của thời tiết vào những năm 2000 khi mùa Đông kéo dài và tuyết rơi liên tục. Khí hậu biến đổi khiến sự khắc nghiệt của thời tiết kéo dài đến những năm sau này, làm khoảng 24 triệu con gia súc bị chết.

Những người chăn nuôi tuyệt vọng bởi mất trắng, chẳng còn gì thu hoạch sau thiên tai và rất nhiều người đã bỏ nghề chăn nuôi truyền thống từ ngàn xưa để tìm kiếm những công việc khác tại các quặng mỏ và thủ đô UB. GDP của Mông Cổ giảm thê thảm vào năm 2009, từ 8% xuống còn 2,7%.

UB phải tái cấu trúc thành khu công nghiệp để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Việc mở cửa nhanh chóng cho các nhà đầu tư vào khai thác quặng mỏ và công nghệ dệt lông khiến UB phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm môi trường quá nặng do những ống khói của các nhà máy hoạt động liên tục 24/24.

Đứng trước tình trạng này, cuối năm 2009, Chính phủ Mông Cổ đưa ra nhiều chương trình hành động thiết thực nhằm lôi kéo người chăn nuôi quay lại với nghề truyền thống. Dù khá khó khăn nhưng cũng đạt kết quả khả quan khi số lượng gia súc hiện nay ở Mông Cổ vào khoảng 34,8 triệu con.

>Mông Cổ tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc
>Nỗi niềm cà phê Tanzania
>
Phiên chợ thành Ba Tư

Mông Cổ tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ulaanbaatar "mùa lạ lùng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO