Từ kỳ thi "hai mục đích" nghĩ về chất lượng nguồn nhân lực

LÃO PHƯƠNG| 12/08/2015 06:45

Bốn ngày đầu tháng 7 vừa qua, hơn một triệu thí sinh cả nước tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia lần đầu tiên được tổ chức với hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Từ kỳ thi

Bốn ngày đầu tháng 7 vừa qua, hơn một triệu thí sinh cả nước tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia lần đầu tiên được tổ chức với hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Đọc E-paper

Kỳ thi được đánh giá là khâu đột phá trong đổi mới thi cử nhằm giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh, gia đình họ và xã hội, đảm bảo độ tin cậy và trung thực, đồng thời cung cấp căn cứ làm cơ sở cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Kết quả mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 91,58%, với các năm trước, con số này giảm đáng kể: giảm 7,44% so với năm 2014, giảm khoảng 6% so với các năm 2013 và 2012. Phổ điểm môn toán 6,5, môn văn 6, môn vật lý 6,5, môn hóa 6,5, môn sinh 4,5, môn sử 5, môn địa lý 6, môn ngoại ngữ có phổ điểm thấp nhất, 2 - 3,5 điểm.

Với việc công bố phổ điểm (lần đầu tiên) của thí sinh, cũng theo bộ này, là giúp xã hội có cái nhìn tổng thể về chất lượng dạy và học hiện nay.

Dư luận xã hội cho rằng tỉ lệ học sinh trung học phổ thông tốt nghiệp năm 2015 sát với thực tế hơn kết quả hằng năm luôn ở mức gần 100%. Nguyên nhân, theo PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội: "Tôi không bất ngờ với kết quả này. Điều đó không phản ánh học sinh chúng ta kém đi đâu. Thực ra, các em vẫn ở mức như vậy thôi. Do năm nay có 38 cụm thi do các trường đại học chủ trì và rõ ràng khâu coi thi chặt chẽ hơn, thí sinh làm bài nghiêm túc hơn. Đề thi năm nay cũng có tính chất "cứu điểm" cho học sinh".

Còn theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2015 giảm so với các năm trước phản ánh đúng hơn kết quả học tập của học sinh. Đây cũng là minh chứng cho chất lượng đề thi được nâng cao theo hướng mở, chuyển mạnh theo hướng đánh giá năng lực và có tính phân hóa cao.

Phổ điểm của 8 môn thi đều ở mức trung bình và trên trung bình, ngoại trừ môn ngoại ngữ, vì thế những trường "top trên" có thể tuyển sinh với điểm sàn cao hơn 1 - 2 điểm so với năm trước, nhưng đa số trường "top dưới" và "top trung" chất lượng thí sinh đầu vào không khá hơn những năm trước, nói thẳng là vẫn thấp!

Bấy lâu nay ngành giáo dục - đào tạo nước ta chưa coi trọng hướng nghiệp nghề giúp học sinh hiểu tổng quan các nghề, hình thành một số kỹ năng cơ bản về một nghề nào đó để chọn ngành học phù hợp sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt là thiếu lao động có tay nghề, một phần là do công tác hướng nghiệp, công tác phân luồng ở khối trung học cơ sở và trung học phổ thông chưa tốt.

Nhưng "cái gốc" của chất lượng giáo dục chưa cao của nước ta là ở việc dạy và học. Vì thế, cải cách giáo dục là phải chọn đột phá trong dạy và học chứ không thể chọn đột phá trong thi cử vì đi ngược quy trình. Và khâu đột phá là phải xử lý được và xử lý đúng mối quan hệ giữa giáo dục - đào tạo với xã hội và nhu cầu của thị trường lao động.

Điều rất đáng lo là theo số liệu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội về thị trường lao động quý I/2015, số lao động có trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa lao động là đào tạo ồ ạt (có đến gần 500 trường đại học và cao đẳng), không đúng nhu cầu thực tế, chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo quá kém khiến những người cần tìm việc không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/5 so với Malaysia, 2/5 so với Thái Lan và 1/15 so với Singapore.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, nhìn lại nền kinh tế thời gian qua để thấy, việc tăng trưởng hoàn toàn không do năng suất, hiệu quả của thể chế, khoa học - công nghệ, quản trị mà chủ yếu phụ thuộc vào tăng quy mô nguồn vốn, số lượng lao động và lượng tài nguyên thiên nhiên được khai thác.

Như năm 2008, Việt Nam đã đổ ra một lượng vốn khổng lồ (cả tín dụng lẫn đầu tư) nên tốc độ tăng trưởng cao song đến 2010 phải lĩnh hậu quả là lạm phát lên tới 18,13%. Vì thế, theo Bộ trưởng Vinh, để tăng trưởng bền vững không có cách nào khác là phải chú trọng đặc biệt đến nguồn nhân lực

Trước những thực trạng ấy, đòi hỏi "chiếc máy cái" là nền giáo dục quốc gia phải thay đổi tận gốc. Ba lần cải cách giáo dục trước không mang lại kết quả như mong đợi vì chưa xử lý được những khâu cơ bản như nêu ở trên.

Cải cách giáo dục này - lần thứ tư - trong bối cảnh đất nước đang thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào 2050, ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì trước hết phải đáp ứng mục tiêu phát triển con người, cụ thể là đến mươi năm sau, khoảng 95% học sinh tốt nghiệp được các doanh nghiệp và cơ quan sử dụng lao động đánh giá đáp ứng được yêu cầu công việc, sinh viên tốt nghiệp có kiến thức hiện đại, tư duy độc lập, thích ứng cao với biến động của thị trường lao động...; đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường đa ngôn ngữ, đa văn hóa...

Kỳ vọng lắm thay!

>Lãng phí nguồn nhân lực, do đâu?

>Nguồn nhân lực bị "bỏ quên"

>Vẫn thiếu nguồn nhân lực có chất lượng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ kỳ thi "hai mục đích" nghĩ về chất lượng nguồn nhân lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO