Từ an toàn vệ sinh đến thương hiệu cho ngành thực phẩm

QUỐC KHÁNH/DNSGCT| 05/12/2016 06:20

Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu tại các doanh nghiệp và ngành thực phẩm còn nhiều hạn chế, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là một nguyên nhân làm giảm giá trị thương hiệu của thực phẩm Việt.

Từ an toàn vệ sinh đến thương hiệu cho ngành thực phẩm

Công nghiệp thực phẩm là một trong những ngành hàng có tiềm năng lớn của Việt Nam. Thế nhưng trong khi nhiều nước châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đã xây dựng thành công nhiều thương hiệu thực phẩm có vị trí vững chắc tại thị trường thế giới, các sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng và chưa được biết đến nhiều.

Đọc E-paper

Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu tại các doanh nghiệp và ngành thực phẩm còn nhiều hạn chế, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng là một nguyên nhân làm giảm giá trị thương hiệu của thực phẩm Việt, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Hoang mang với chất lượng thực phẩm Việt Nam

Có hay không thực phẩm an toàn tại Việt Nam? Đó là câu hỏi lớn được đặt ra trong thời gian gần đây khi vấn đề nông sản, thực phẩm không an toàn đang làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng trong nước lẫn các đối tác nhập khẩu nước ngoài.

Trong năm 2015, nhiều lô hàng nông sản, thủy sản đạt tiêu chuẩn ATVSTP của các cơ quan kiểm định trong nước và được xuất đi nhưng vẫn bị đối tác nước ngoài trả về vì dư lượng kháng sinh, thuốc trừ sâu… Điều đáng nói, tình trạng này không chỉ ở một ngành hàng, một dòng sản phẩm mà bị phát hiện ở nhiều ngành hàng, nhiều dòng sản phẩm đã cho thấy một lỗ hổng lớn trong việc kiểm soát ATVSTP.

Trong nước, thịt heo dán nhãn GAP bị phát hiện dư chất cấm, rau nhãn GAP bị phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu cũng khiến người tiêu dùng hoang mang không biết phải tìm mua các sản phẩm an toàn ở đâu.

Dù theo các thống kê, số lượng các nhà sản xuất thực phẩm sạch và đạt chứng nhận ATVSTP là khá nhiều, thế nhưng việc các đơn vị này chưa đầu tư truyền thông hoặc truyền thông mơ hồ đang khiến cho việc người tiêu dùng tiếp cận những sản phẩm an toàn trở nên khó khăn hơn.

Có thể thấy, ATVSTP đang đe dọa nghiêm trọng uy tín thương hiệu của thực phẩm Việt.

Trong nhiều yếu tố cấu thành nên thương hiệu của một doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm là một thành tố quan trọng đảm bảo cho sự tồn tại của sản phẩm và thương hiệu trên thị trường. Khi có được sản phẩm chất lượng cao, ổn định, doanh nghiệp sẽ tạo ra một biểu tượng tốt khiến khách hàng tin tưởng vào nhãn mác thương hiệu, tăng khả năng mua hàng, từ đó uy tín và danh tiếng thương hiệu được nâng cao.

Riêng với ngành thực phẩm, chất lượng ATVSTP có vai trò đặc biệt quan trọng đối với thương hiệu bởi đây là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định mua hàng, bên cạnh giá sản phẩm.

Trong một khảo sát “Các chiến lược phát triển ngành bán lẻ” được Công ty Nielsen thực hiện trên phạm vi toàn cầu, công ty này cho biết vấn đề chất lượng ATVSTP là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của người tiêu dùng, do đó, đảm bảo chất lượng thực phẩm nói riêng cũng như chất lượng sản phẩm nói chung sẽ là một lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ cho các nhà sản xuất cũng như các nhà bán lẻ.

Nông sản Việt Nam được thế giới biết đến bởi hương vị thơm ngon và có sự đặc trưng của yếu tố địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành thực phẩm tạo ra những sản phẩm chất lượng, tiền đề để tạo nên những thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế. Thế nhưng cho đến nay, số lượng thương hiệu thật sự có chỗ đứng trên trường quốc tế không nhiều.

Rất nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm nước ta được xuất khẩu để mang về kim ngạch tỷ USD nhưng hầu hết ở dạng thô hoặc sơ chế, chưa được đầu tư về nhãn mác, nhận diện thương hiệu nên không giúp gì nhiều cho việc gia tăng nhận diện thương hiệu cho ngành thực phẩm Việt Nam trên trường quốc tế, thậm chí có thể khiến khách hàng hiểu sai về các giá trị của sản phẩm đến từ Việt Nam.

Đơn cử như sản phẩm cá tra, dù là ngành xuất khẩu mũi nhọn và mang về gần 2 tỷ USD mỗi năm thế nhưng đến nay thương hiệu cá tra Việt Nam trên thế giới vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc và giá cả luôn bấp bênh.

Chưa có quy chuẩn thống nhất cho từng dòng sản phẩm, chưa có logo thương hiệu chung của ngành, mỗi doanh nghiệp sản xuất mỗi kiểu khác nhau, chưa chú trọng đầu tư nhãn mác, nhận diện thương hiệu nên không tạo nên những giá trị gia tăng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, việc nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng cạnh tranh về giá mà không đầu tư cải tiến chất lượng khiến hình ảnh và giá trị thương hiệu của ngành cá tra ngày càng xấu đi.

Trong tình hình như vậy, nếu yếu tố căn bản nhất là chất lượng ATVSTP cũng không được đảm bảo, đây sẽ là một gánh nặng kéo thương hiệu của toàn ngành thực phẩm Việt Nam đi xuống.

Xây dựng thương hiệu chung cho thực phẩm, cần một tiêu chuẩn ATVSTP đồng nhất

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế “Nâng cao chất lượng vì thương hiệu thực phẩm Việt Nam” diễn ra trong khuôn khổ triển lãm Thực phẩm Việt Nam 2016 tại Trung tâm triển lãm SECC, Q.7, TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện có lỗ hổng lớn trong khâu quản lý tiêu chuẩn, chất lượng ATVSTP khiến người tiêu dùng mất niềm tin, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp dù sản xuất các sản phẩm chất lượng, đủ tiêu chuẩn ATVSTP cũng khó bán sản phẩm ra thị trường với đúng giá trị, công sức mình đã bỏ ra vì người tiêu dùng không biết phân biệt đâu là sản phẩm an toàn đúng nghĩa.

Theo bà Minh, các cơ quan quản lý hiện nay chỉ kiểm soát vấn đề ATVSTP theo chiến dịch, lô hàng mà chưa kiểm soát tại các điểm đầu nguồn của chuỗi thực phẩm như biên giới, chợ đầu mối; cảng; các cơ sở sản xuất, thương mại hóa chất, thức ăn và phân bón…

Việc kiểm soát cũng không thực hiện theo quá trình (HACCP, GAP) và báo cáo thường xuyên, vì thế, chuỗi cung ứng thực phẩm hiện nay còn rất nhiều lỗ hổng, chỉ cần một mắc xích trong chuỗi có vấn đề sẽảnh hưởng đến uy tín của toàn bộ chuỗi.

Thực phẩm hiện nay cũng không bắt buộc truy xuất nguồn gốc và có quá nhiều cơ quan quản lý ATVSTP; trong khi không có lực lượng thanh tra kiểm soát ATVSTP đang tạo ra sự chồng chéo nhưng lại bỏ sót trách nhiệm trong quản lý.

Bên cạnh đó, công tác thẩm định và cấp chứng nhận ATVSTP của các cơ quan quản lý không tương thích với tiêu chuẩn chứng nhận của tổ chức quốc tế cũng tạo ra những thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Để xây dựng thương hiệu chung cho ngành thực phẩm, các chuyên gia cho rằng trước tiên phải lấp đầy những lỗ hổng về tiêu chuẩn, chất lượng để đảm bảo nền tảng cơ bản nhất về ATVSTP. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự thay đổi từ cách tiếp cận, thay vì chỉ kiểm tra sản phẩm cuối cùng, kiểm soát theo chiến dịch, các cơ quan quản lý phải thực hiện kiểm soát theo hệ thống.

Bên cạnh đó, nhà nước không nên “ôm” hết việc quản lý như hiện nay mà cần phát triển các tổ chức độc lập được xây dựng từ sự kết nối của các nhà sản xuất đơn lẻ để hình thành nên các hội. Chính các hội này sẽ xây dựng các tiêu chuẩn chuẩn mực riêng cho từng ngành hàng và kiểm soát các chuẩn mực đó. Đây là mô hình mà Phú Quốc đã triển khai rất thành công để xây dựng nên thương hiệu nước mắm Phú Quốc được các nước thuộc Liên minh châu Âu EU bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Được biết, sản phẩm nước mắm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý phải trải qua một quá trình sản xuất rất khắt khe và được kiểm soát nghiêm ngặt bởi nhà sản xuất cùng với Hội nước mắm Phú Quốc và Ban kiểm soát thuộc Hội trước khi được dán nhãn để bán ra thị trường.

Thương hiệu là "cái hiệu mà người ta thương", nói thì đơn giản vậy, nhưng để tạo được “cái hiệu” và “để người ta thương” là cả một quá trình dài đòi hỏi nỗ lực và sự bền bỉ. Chất lượng ATVSTP sẽ là nền tảng quan trọng để các thương hiệu thực phẩm Việt Nam chiếm được cảm tình của khách hàng, trước khi nghĩ đến các yếu tố khác như bao bì, nhãn mác nhận diện thương hiệu, dịch vụ hậu mãi…

Do đó, các cơ quan quản lý cần đẩy nhanh việc thay đổi chính sách quản lý ATVSTP để đảm bảo việc kiểm soát chất lượng thực phẩm an toàn và ổn định theo đúng các tiêu chuẩn được dán nhãn, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường là lấy lại niềm tin của người dùng.

Sự thay đổi trong nhận thức của người dùng trong việc ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chất lượng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư về chiều sâu để tạo nên những sản phẩm độc đáo, có chất lượng cao.

Thời điểm này, rất cần những chiến lược định vị, xây dựng thương hiệu chung ở cấp ngành với tầm nhìn dài hạn, đặc biệt, phải tạo được sự liên kết vững chắc giữa các doanh nghiệp trong việc xây dựng các thương hiệu chung, như vậy thực phẩm mới đủ lực để nâng cao vị thế của ngành trên trường quốc tế.

>Xây dựng thương hiệu - con đường ra biển lớn

>Cần xây dựng thương hiệu đặc trưng cho gạo Việt

>Con đường "ra biển" của thực phẩm Việt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ an toàn vệ sinh đến thương hiệu cho ngành thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO