Treo mình giữa trời xanh

HÀ TIÊN| 23/11/2017 00:04

Suốt nhiều giờ làm việc thui thủi một mình trên độ cao 40 - 50 mét so với mặt đất, đó là đặc thù của nghề lái cẩu tháp phục vụ các công trình xây dựng, nhất là xây dựng nhà cao tầng.

Treo mình giữa trời xanh

Suốt nhiều giờ làm việc thui thủi một mình trên độ cao 40 - 50 mét so với mặt đất, đó là đặc thù của nghề lái cẩu tháp phục vụ các công trình xây dựng, nhất là xây dựng nhà cao tầng. Và vì phải đảm bảo bí mật cho chủ đầu tư hoặc nhà thầu mà rất ít công nhân lái cẩu nói về tai nạn có thể xảy ra với nghề này.  

Đọc E-paper

Từ trên cabin, lái chính trao đổi với nhân viên mặt đất (áo đỏ) qua bộ đàm

1. Sau giờ xuống ca, anh Nguyễn Bình Sơn (40 tuổi, quê Phú Yên) - lái chính cẩu tháp xây dựng một chung cư cao tầng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, chia sẻ: "Lúc mới vào nghề thì ngồi trên cabin hồi hộp lắm, tim đập thình thịch, nhưng làm riết rồi quen. Ai bị rối loạn tiền đình thì không thể làm nghề này. Với mức lương trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng như hiện nay thì nghề lái cẩu tháp cũng nuôi được vợ con, dù có ngày phải ngồi trên đó cả chục tiếng đồng hồ”. Nói xong, anh Sơn nở nụ cười hiền dưới chiếc nón nhựa trắng quen thuộc của công trường.
Theo anh Sơn, tùy công trình mà lái chính cẩu tháp và ê kíp có khi phải làm suốt đêm để đổ bê tông sàn.

Để hiểu thêm nghề lái cẩu tháp, tôi đến công trường xây dựng chung cư cao cấp ba block Lavita ở quận Thủ Đức (tên địa phương trong bài đều ở TP.HCM). Bảy giờ sáng, sau khi đội nón và mặc đồ bảo hộ, thắt dây an toàn, tôi cùng lái chính cẩu tháp Nguyễn Văn Vũ bước vào thang lồng để leo lên cẩu tháp. Leo trên những miếng ván và sắt chông chênh, nhìn xuống phía dưới, tôi hoa cả mắt. Vũ mở cửa đưa tôi vào cabin cẩu. Đó là một "chuồng chim" giữa trời, diện tích chừng ba mét vuông.

Trong cabin có máy lạnh nhưng người lái thường mở cửa lấy gió cho "đỡ ngợp". Họ liên lạc với chỉ huy công trường hay lái phụ qua bộ đàm. Một ê kíp cẩu tháp thường có ba người: lái chính và hai lái phụ, thường gọi là nhân viên đánh tín hiệu. Trong hai người phụ thì một đứng dưới đất, một ở trên sàn tầng. Họ thường mặc áo phản quang và đội nón đỏ để phân biệt với màu cam là nhân viên đảm trách an toàn lao động tại công trường. Nếu diện tích sàn xây dựng lớn thì cần thêm lái phụ chỉ dẫn để cẩu tránh đụng vào chướng ngại.

Lái phụ mặt đất nói qua bộ đàm, lái chính từ từ đưa cẩu xuống hay cẩu vật tư lên. Khi đưa vật tư lên, lái phụ liên tục nói qua bộ đàm: "Qua phải năm tấc". "Qua trái nửa mét"..., cứ lặp đi lặp lại như thế, dù rất nhàm chán. Đến giờ ăn trưa, nhân viên mặt đất lại móc hộp cơm hay ổ bánh mì vào dây cẩu để lái chính kéo lên. Nước uống thì trên cabin có sẵn. Ăn xong, họ lại tiếp tục làm việc đến 7 giờ tối rồi thay kíp, cũng gồm lái chính và hai lái phụ. Để đảm bảo sức khỏe, các kíp lái cẩu tháp không được làm quá 12 tiếng đồng hồ một ngày.

Hết ca, Vũ đưa tôi xuống đất và tâm sự: "Em từng làm cho nhiều công ty, trong đó có Hoàng Anh Gia Lai, Invesco... Nếu chấp hành tốt quy định "an toàn là trên hết" thì người lái cẩu tháp hầu như không gặp rủi ro. Nhờ nghề này mà em và vợ buôn bán nhỏ ở nhà nuôi được hai con nhỏ”.
Một kỹ sư xây dựng cho tôi biết, cẩu tháp vô cùng quan trọng vì tiến độ xây dựng công trình phụ thuộc vào cẩu đến 70%. Nghề này vẫn có rủi ro nếu không cẩn thận, nên việc bảo trì, bảo dưỡng thiết bị rất nghiêm ngặt, thường định kỳ một tháng hai lần.

Lái cẩu của Công ty Hưng Thịnh Incons

2. Nhiều năm lái cẩu tháp, anh Vũ Tá Tùng (50 tuổi, chủ một công ty xây dựng ở quận 1) tiết lộ, chiều cao của các chung cư không quyết định phải có bao nhiêu cẩu tháp mà tùy thuộc vào diện tích xây dựng. Chẳng hạn, một cẩu tháp có tay cần dài 56 mét, sử dụng cho một sàn (tầng) có diện tích 1.500 mét vuông, nếu dùng kỹ thuật cốt pha trượt thì chỉ làm trong 5 ngày. Sau khi học việc tối thiểu ba tháng, nắm được nghiệp vụ, nhất là an toàn thiết bị nâng, rồi qua hai năm thực tập, lái phụ mới được tuyển dụng lái chính cẩu tháp.

Lái cẩu tháp mà để xảy ra tai nạn sẽ không có cơ hội sửa chữa sai lầm nên phải tuyệt đối tuân thủ quy định an toàn. Một cây sắt từ trên cẩu rơi xuống có thể gây chết người. Để đảm bảo an toàn cho công nhân, các doanh nghiệp phải sử dụng hệ thống chống sét chủ động cho cẩu tháp và sắp tới còn phải sử dụng hộp đen trên cabin để kiểm soát mọi hoạt động của cẩu tháp cũng như thao tác của người lái.

Một trong những người có thâm niên lái cẩu tháp tại TP.HCM là anh Phạm Kiều Anh, hiện là trưởng bộ phận thiết bị của một công ty xây dựng, cho biết, cẩu tháp là cánh tay khổng lồ để xây dựng những công trình có độ cao không giới hạn. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành cơ khí, anh lái cẩu tháp cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xây dựng Saigon News (24 tầng), Phú Hoàng Anh (43 tầng)... Khi đầu quân cho Công ty Hưng Thịnh, anh lái cẩu tháp xây dựng tòa nhà Saigon Mia (27 tầng), Sky Center (16 tầng), Plus (17 tầng).

Anh Kiều Anh cho biết, cẩu tháp có nhiều loại, đều nhập từ các nước. Giá mỗi cẩu tháp bình quân khoảng 3 tỷ đồng. Hiện tại, ở TP.HCM chỉ có vài chủ thầu xây dựng có trang bị cẩu tháp, nên hầu hết chủ thầu phải thuê cẩu tháp bên ngoài, giá 60 - 70 triệu đồng/tháng. Thuê cẩu tháp cùng người lái cũng là cách giảm thiểu trách nhiệm với thiết bị nâng.

Tại Việt Nam, cẩu tháp lớn nhất có tay cần dài 80 mét, độ cao của cẩu thì tùy thuộc vào công trình. Thông thường chiều cao tính từ đất là 40 mét, tay cần dài 50 mét, nặng 40 - 45 tấn, phải ráp trong ba ngày. Cẩu tháp phải dùng nguồn điện độc lập. Khi mất điện đột ngột thì dùng máy điện dự phòng để trả cẩu về vị trị nghỉ.

Trên cao, phải có thanh giằng để giữ cẩu với tòa nhà. Cẩu tháp chuyên chở mọi vật liệu xây dựng, nhưng để đảm bảo an toàn, chúng được đưa vào xuồng trước để tránh bị rơi rớt. Cẩu tháp còn vận chuyển công nhân lên tầng, làm sàn treo để công nhân sơn và lắp kính các tòa nhà cao tầng.

Cẩu tháp dày đặc trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7

3. Cẩu tháp là thiết bị được thiết kế an toàn, nhưng thực tế đã có những tai nạn đau lòng xảy ra, chủ yếu là do con người. Chẳng hạn cẩu tháp xây dựng khu căn hộ cao cấp tại 376 Điện Biên Phủ đổ xuống sân Trường Mầm non phưòng 11, quận 10 lúc 9 giờ 30 ngày 12/5/2016, may mà không có thương vong. Tại một số công trường xây dựng lớn, sự cố cẩu tháp tải trọng lớn vẫn xảy ra. Nguyên nhân chính là cẩu tháp gãy ngang do cẩu quá tải trọng cho phép hoặc đứt cáp gây giật mạnh khiến cần gãy ở một vị trí nào đó.

Ông Huỳnh Tấn Dũng - Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM thông tin: Từ đầu năm 2016 đến nay, trong 19 vụ tai nạn lao động xảy ra thì có đến 17 vụ thuộc lĩnh vực xây dựng, chiếm 50 - 65% tổng số vụ tai nạn lao động có người chết. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, thành phố hiện có khoảng 500 công trình xây dựng nhà cao tầng, sử dụng khoảng 200 cẩu tháp.

Trưởng Phòng An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM - Nguyễn Quốc Việt cảnh báo: Nguy cơ đổ cẩu tháp là không nhỏ vì hầu hết cẩu tháp đã qua sử dụng, thuê, mua lại với giá rẻ. Một nguyên nhân gây gãy đổ là không ít cẩu tháp nằm phơi nắng mưa hằng tháng mà không được bảo dưỡng định kỳ. Qua kiểm tra, vẫn còn tồn tại tình trạng một chứng chỉ nghề đứng tên ở nhiều công trình, trong khi người lái cẩu là người khác không qua đào tạo bài bản.

>>Báo động tình trạng mất an toàn lao động trong xây dựng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Treo mình giữa trời xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO