TP. Hồ Chí Minh tăng cường liên kết vùng

HÀN NGUYÊN thực hiện| 04/02/2010 08:41

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch “Vùng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn 2050” đã xác định TP.HCM là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam...

TP. Hồ Chí Minh tăng cường liên kết vùng

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch “Vùng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn 2050” đã xác định TP.HCM là hạt nhân (với bán kính lan tỏa 30km) của Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam. Tuy nhiên, sự liên kết giữa TP.HCM và các đô thị vệ tinh vẫn chưa thực sự rõ nét. Liên quan đến tính liên kết vùng, Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố.

* Quy hoạch “Vùng TP.HCM” đã được phê duyệt từ tháng 3/2009, nhưng trên thực tế, vai trò đầu tàu của TP.HCM đã được xác định trong Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam từ trước đó. Ông nhận thấy mối liên kết vùng này trong thời gian qua như thế nào?

- Xét về không gian đô thị, không gian kinh tế, văn hóa..., TP.HCM không chỉ gắn kết với Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam, mà còn là một mắt xích trong Vùng Đông Nam bộ, Vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Chẳng hạn, đối với nông nghiệp, tự thành phố chỉ có thể cung ứng được 25% nhu cầu, còn thì phải nhập từ các địa phương khác. Tuy nhiên, trong sự gắn kết đó luôn tồn tại một hạn chế khó khắc phục là tính cục bộ. Theo đó, tỉnh nào cũng muốn thành lập khu công nghiệp (KCN) và dẫn đến tình trạng thu hút nhiều dự án trùng lắp nhau, không phát huy được thế mạnh từng địa phương trong vùng. Hơn nữa, các dự án KCN lại tập trung chủ yếu vào lưu vực sông Đồng Nai và hậu quả là gây ô nhiễm nguồn nước. Trong đó, TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng do nằm ở hạ nguồn.

* Bài toán “Không gian đô thị” chắc chắn sẽ khó giải khi vấn đề kết nối và tạo đô thị vệ tinh vẫn chưa thực hiện được, có phải thế không, thưa ông?

- Để cấu trúc lại không gian đô thị của trung tâm là tạo các trục giao thông kết nối. Thành phố xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2010. Thật khó để giữ vững mức tăng trưởng hai con số nếu tình trạng ùn tắc giao thông cứ tiếp diễn. Nói đơn cử, đối với ngành dịch vụ, sẽ không có du khách nào muốn đến một thành phố như thế. Diện tích tự nhiên của TP.HCM chỉ chiếm 0,6% cả nước, nhưng khi xét về quy mô dân số, thành phố đã trở thành 1/15 siêu đô thị trên thế giới (dân số 10 triệu người). Hiện tượng tăng dân số cơ học của TP.HCM hiếm có đô thị nào trên thế giới gặp phải. Ước tính trong 10 triệu dân đã có hơn 2 triệu là dân từ các tỉnh đổ về. Tính từ năm 1979 đến nay, dân số đã tăng gấp 2,5 lần. Đó là còn chưa kể 5 triệu phương tiện giao thông lưu thông mỗi ngày, trong khi mật độ đường phố chỉ chiếm 5% diện tích tổng mặt đường của cả nước.

* Giải pháp về hạn chế tăng dân số cơ học, hay nói đúng hơn là hạn chế dân nhập cư thì sao, thưa ông?

- Nếu làm “mạnh tay” thì những người lao động nhập cư sẽ được giải quyết thế nào? Do đó, trước mắt, thành phố vẫn ưu tiên cho việc cải thiện hạ tầng, bởi đây là “mạch máu phát triển”. Trong vấn đề này, bên cạnh những điều chỉnh vĩ mô còn phải kể đến tinh thần tự giác của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, đối với một đô thị, đôi khi phải chấp nhận việc không hài hòa được lợi ích tất cả mọi thành phần. Đơn cử, việc di dời hay hạn chế xe ba gác trên 69 tuyến đường của thành phố đã gặp không ít phản ứng, nhưng nếu để những loại xe này vào trung tâm thì rất bất tiện. Thành phố đã gia hạn quy định này hai năm và cũng đã có hỗ trợ cho người dân chuyển đổi nghề.

* Thưa ông, trong năm 2010, tính liên vùng được định hướng như thế nào?

- Thành phố và các tỉnh lân cận sẽ có những liên kết trong việc bảo vệ môi trường. Cụ thể, cùng Bình Dương giải quyết ô nhiễm kênh Ba Bò, cùng Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu giải quyết ô nhiễm sông Thị Vải, phối hợp với Bình Dương, Long An và Tây Ninh giải quyết ô nhiễm trên sông Sài Gòn. Giữa TP.HCM và các địa phương có thể kết hợp để khai thác các khu du lịch sinh thái, tận dụng thế mạnh sông nước và khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhằm thu hút trên 3,55 triệu khách quốc tế một năm. Riêng đối với lĩnh vực thương mại, Vùng TP.HCM sẽ tổ chức những hội chợ xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa thay thế hàng nhập khẩu.

* Ngoài những dự án trọng điểm như đại lộ Đông - Tây, các tuyến metro, thành phố sẽ xúc tiến thêm những nút giao thông nào trong năm 2010 để tăng tính kết nối với các địa phương?

- Thành phố sẽ tập trung hoàn chỉnh đường nối đại lộ Đông - Tây với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đường vành đai số 3, đường cao tốc liên vùng phía Nam... Để giải quyết khó khăn về vốn, ngoài nguồn vốn ODA, thành phố đang tăng cường hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Hiện tại, ngân sách thành phố chỉ có thể đáp ứng được 1/3 so với nhu cầu mở rộng giao thông. Năm 2009, thành phố nộp ngân sách 123 nghìn tỷ đồng, được chi trở lại cho đầu tư, phát triển 20.000 tỷ đồng, trong khi đã giảm thuế ước tính trên 7.800 tỷ đồng. Dự kiến, đến hết quý I/2010 mới có thể gút được mức vốn ODA bổ sung.

* Xin cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP. Hồ Chí Minh tăng cường liên kết vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO