Tổ quốc trên biển đảo

ÁNH DƯƠNG| 18/09/2009 08:35

Giữa biển khơi mịt mù, gác lại nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền, các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa ngày đêm vững chắc tay súng giữ vững biên cương Tổ quốc.

Tổ quốc trên biển đảo

Giữa biển khơi mịt mù, gác lại nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền, các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa ngày đêm vững chắc tay súng giữ vững biên cương Tổ quốc.

“Chuồng chim bồ câu trên biển” là cách ví von của lính đảo khi gọi các nhà giàn trên biển ở vùng thềm lục địa của Tổ quốc. Trong khoảng không gian vài chục mét vuông ấy, họ đã sống, học tập, rèn luyện năm này qua năm khác. Ở đây, những lúc biển động, từng cơn sóng dữ đánh vào nhà giàn, mạnh đến mức có thể hất nó xuống lòng đại dương.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Hà (bên phải) - người có 11 năm bám trụ ở nhà dàn DK1 - 7

Thiếu tá Nguyễn Xuân Hà - Chỉ huy nhà giàn DK1-7 trên bãi cạn Huyền Trân đã sống 14 năm ở các nhà giàn, tâm sự: "Mình là người chỉ huy, lúc nào cũng phải vững vàng. Có những lúc bão to, phải lệnh cho anh em chuẩn bị áo phao cá nhân, bảo vệ trang thiết bị, máy móc, trường hợp xấu nhất là đổ nhà thì phải làm sao để ít người bị thương vong nhất".

Cuộc sống ở nhà giàn cái gì cũng thiếu: thiếu nước ngọt, thiếu thức ăn, thiếu rau xanh. Lính đảo khắc phục bằng cách câu cá, nuôi gà, vịt. Hành lang của nhà giàn được tận dụng đặt chậu bằng composit, đất chở từ đất liền ra để trồng rau. Vậy mà nào rau cải, rau muống, mồng tơi, hành, lá lốt, và cả cây chanh mùa nào cũng xanh tốt. Ngoài nước mưa, ở nhà giàn có thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt. Nhưng việc dùng nước phải hết sức tiết kiệm: giặt quần áo hay rửa bát, đầu tiên là nước biển, sau mới dùng nước ngọt. Và nước đó tận dụng để tưới rau. Hiện các nhà giàn đều đã được trang bị máy phát điện.

Sách báo chỉ đến với các nhà giàn theo mỗi chuyến tàu. Báo cũ, với lính biển ở đây đều mới và rất quý. Anh em cũng có thể nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, xem truyền hình qua vệ tinh. Mỗi nhà giàn có một bộ karaoke để giao lưu văn nghệ vào các tối thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần. Ở đây thèm lắm tiếng cười con gái. Vì thế mỗi lần được đón đoàn từ đất liền ra thăm là một ngày hội lớn với anh em ở nhà giàn. Các buổi biểu diễn của văn công được tổ chức chớp nhoáng ngay sàn dưới của nhà giàn, cả người nghe và người hát đều rơm rớm nước mắt...

Đầu giường của thiếu úy Nguyễn Công Hùng ở đảo chìm Đá Lớn đặt bức ảnh cưới và tập thư dày của vợ gửi ra. Lần đầu tiên bước chân lên đảo, bốn bề là nước, mới cảm thấy hết những khó khăn, khắc nghiệt nơi đây. Nhưng "lính đảo thường xuyên huấn luyện và luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc sống dù khó khăn, vất vả đến đâu, anh em cũng hoàn thành nhiệm vụ. Dù xa xôi, nhưng hai vợ chồng hiểu nhau, mọi tình cảm trao đổi qua cánh thư mà thôi" - thiếu úy Nguyễn Công Hùng nói.

Thiếu úy Văn Vinh cũng ở đảo Đá Lớn, anh cho biết đã có một bé gái 6 tháng tuổi. "Ra đảo nhớ con lắm, nhớ nhất là những lúc hoàng hôn. Nhưng mọi công việc mình đều cố gắng hoàn thành tốt để cho người thân yên tâm. Ở các đảo chìm sóng to gió lớn, chúng tôi càng phải cố gắng khắc phục khó khăn và nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu".

"Thời gian ở đảo của tôi nhiều hơn ở đất liền" - trung tá Phạm Văn Hòa - Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết bảo như vậy. Trung tá Phạm Văn Hòa đã 8 năm ở Trường Sa. Trước khi ở đảo Nam Yết, anh đã công tác tại các đảo Trường Sa Lớn và Song Tử. Anh bảo, trong công tác thì chấp hành nghiêm mệnh lệnh, còn trong đời thường thì chú cháu, anh em tình cảm như trong một gia đình. Mọi người thường chơi bài, đánh bóng chuyền. Với lính đảo, hình ảnh của Bác Hồ vô cùng thân thương và gần gũi. "Chúng tôi học tập lời Bác dạy, tổ chức cho bộ đội giao lưu văn nghệ cho đời sống tinh thần vui tươi. Tăng gia sản xuất cũng là học theo Bác. Bác dạy phải cần, kiệm thì ở đây chúng tôi phải lo tiết kiệm từng giọt nước".

Chuẩn úy Trần Văn Tính ở đảo chìm Đá Tây tâm sự: "Đã là lính đảo ai mà chẳng nhớ đất liền, nhưng chúng tôi là thanh niên thì sẵn sàng đến những nơi khó khăn, gian khổ nhất và bao giờ cũng lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống".

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Dũng - phụ trách công tác Đoàn Thanh niên trên đảo Sinh Tồn nói: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là ở những công việc cụ thể. Ở đảo Sinh Tồn, đoàn viên, thanh niên chịu trách nhiệm hướng dẫn cách sinh hoạt trên đảo cho các hộ gia đình, từ việc trồng rau đến nuôi gà vịt; hướng dẫn luồng lạch để nhân dân đánh bắt cá. Hằng ngày, đơn vị trích một phần rau đưa xuống cho bà con, đảm bảo các gia đình có rau xanh ăn hằng ngày. Cán bộ, chiến sĩ kết hợp với cán bộ của UBND xã dạy các cháu học và làm học cụ phục vụ cho công việc giảng dạy. Cán bộ, chiến sĩ ở đảo Trường Sa cũng vậy. Mỗi chi đoàn được phân công giúp đỡ từng hộ dân, ngày nghỉ, anh em xuống ăn cơm với các gia đình cho thêm phần ấm cúng và vơi đi nỗi nhớ đất liền".

Các đảo trên quần đảo Trường Sa còn là địa chỉ để tàu đánh cá của ngư dân VN vào tránh bão hoặc nhờ giúp đỡ khi có người gặp nạn. Đại úy Nguyễn Xuân Triệu - Đảo trưởng đảo Đá Tây cho biết: "Chúng tôi đã chữa trị bệnh đột xuất cho ngư dân, chỉ luồng lạch cho tàu thuyền để neo đậu trong khu vực lòng hồ, đặc biệt là cấp cứu ngư dân của các tàu cá bị nạn. Năm 2007, trong cơn bão số 7, số 8 chúng tôi đã đưa 175 lượt tàu thuyền của ngư dân vào khu vực an toàn. Chúng tôi có xuồng XQ để hướng dẫn từng tàu cách neo đậu để không va vào nhau. Nếu tàu nào có nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng san sẻ khẩu phần gạo, nước ngọt".

Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa sống và học tập theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những công việc cụ thể, thiết thực như vậy. Lời Bác dạy họ mãi mãi khắc ghi để có thêm sức mạnh trụ vững giữa biển khơi bao la, thực sự làm điểm tựa chắc chắn cho việc củng cố an ninh quốc phòng và chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổ quốc trên biển đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO