![]() |
Câu trên trích trong bài “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương” của Việt Phương, tác giả tập thơ “Cửa mở” từng làm xao động một thời.
![]() |
Cánh đồng lúa Đồng Tháp - Ảnh: Hoàng Trung |
Cả đoạn thơ như sau:
“Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là “đánh đẹp”
Con xóa chữ “đẹp” đi như xóa sự cạn hẹp trong lòng con
Thêm hiểu lòng người đối với quân thù như sắt thép
Mà tình thương mênh mông ôm hết mọi linh hồn”.
Cùng một mạch ý ấy, nhà thơ viết:
“Ta khóc những lỗi lầm làm tim Bác thêm đau”.
Câu thơ viết cách nay đã 43 năm mà dường như vẫn xốn xang tính thời sự. Những lỗi lầm gì đã “làm tim Bác thêm đau”? Trong “trái tim mênh mông” ấy, đương nhiên trước hết là dành cho dân mình, nước mình.
Gộp lại thời gian thì đồng thời cũng “gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi” (1) tích tụ trong trái tim Hồ Chí Minh. Câu này Bác nói với một nhà báo nước ngoài 50 ngày trước khi mất.
E rằng, khi biết có những cánh đồng như “cánh đồng vàng” ở Văn Giang chỉ còn là kỷ niệm về một vùng đất trồng lúa vốn là niềm tự hào của người nông dân Hưng Yên như báo Nông thôn Ngày nay ngày 8/5/2012 đã mô tả rất xúc động với lời cảnh báo sẽ còn nhiều vùng đất trồng lúa cho năng suất rất cao, những “bờ xôi, ruộng mật” sẽ phải nhường chỗ cho những dự án đã lên quy hoạch, và rồi người nông dân chỉ còn biết “trông trời, trông đất, trông mưa, trông gió trông ngày trông đêm, trông cho chân cứng đá mềm, trời yên biển lặng” để tìm đường kiếm kế sinh nhai trong thời buổi
“... Khi mồ hôi trở nên quá rẻ
Kẻ ranh ma trở nên quá giàu” (Nguyễn Khoa Điềm. Cánh đồng buổi chiều)
thì quả thật làm sao mà Bác vui được!
Đắm mình trong những miên man suy ngẫm cứ ngỡ như Bác đã nói về những điều này trong Di chúc khi đặc biệt lưu ý đến “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”!
Đây là điều Hồ Chí Minh gọi là “cuộc chiến đấu khổng lồ”, mà để giành thắng lợi thì phải “động viên toàn dân, tổ chức giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”! (2).
Ai cũng nhớ câu nói của Hồ Chí Minh từ những ngày chính quyền mới thành lập năm 1946: “Nếu độc lập mà dân không được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”.
Cũng trong Di chúc, Hồ Chí Minh đòi hỏi phải “động viên toàn dân, tổ chức giáo dục toàn dân”. Đặc biệt, cần lưu ý điều mà Hồ Chí Minh khẳng định rất dứt khoát: “Nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân, tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ” (3).
Cần nhớ rằng, điều này được nhắc nhở vào năm 1947 khi Bác phê phán gay gắt lối “Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo... Làm theo cách quan liêu đó, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại!” (4)
Việc “đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ” là điều tối kỵ đối với người cầm quyền. Có phải khi nói đến điều này, như vẫn thường làm, Bác đã nhắc đến luận điểm của Mạnh Tử: “Vua coi dân như cỏ rác thì dân coi vua như cừu thù” và lên án việc đẩy dân đến chỗ là “cừu thù” rồi dùng hình phạt hà khắc để trừng trị họ “khác nào đặt lưới bẫy dân”.
Mạnh Tử viết: “Nhà cầm quyền không thể bỏ lỡ việc sinh nhai của dân... thường tình của dân là có hằng sản mới có hằng tâm, không có hằng sản thì không có hằng tâm. Không có hằng tâm thì... chẳng cái gì là chẳng làm, đến khi phạm pháp thì người cầm quyền vin vào đó mà chém giết họ, như vậy không khác gì đặt lưới mà bẫy họ. Bậc nhân đức... trị dân mà lại đặt lưới bẫy dân sao? Vậy cho nên bậc hiền quân phải khiêm cung, tiết kiệm, lễ độ đối với dân” (“Đằng văn công thượng”).
Cho nên, không “đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ” cũng chính là “không đặt lưới mà bẫy họ” là điều đã được cảnh báo từ hơn hai nghìn năm trước. Vì vậy, Hồ Chí Minh đòi hỏi “phải đưa chính trị vào giữa dân gian” (5) và phải “tin vào dân chúng”. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng (6).
Làm được điều ấy chính là đi đúng vào quỹ đạo của tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Cho nên, lắng nghe tiếng nói của dân, tiếp nhận nguồn sức mạnh từ dân chính là điều Hồ Chí Minh thiết tha căn dặn. Nói theo ngôn từ và hình tượng thơ thì như tác giả “Cửa mở” đã viết từ những năm 60 thế kỷ trước, đó là:
“Nơi sự thật chỉ cần là sự thật
Nơi lương tâm đến gặp tấm gương soi”
Ý KIẾN CỦA BẠN