Tiểu thương Gò Vấp sau gần một tuần giãn cách

Phan Nhung| 04/06/2021 06:16

Sau gần một tuần giãn cách theo Chỉ thị 16, đời sống của người dân Gò Vấp và các tiểu thương trên địa bàn dù ít nhiều xáo trộn nhưng vẫn được đảm bảo.

Tiểu thương Gò Vấp sau gần một tuần giãn cách

Không còn buôn bán tấp nập nhưng vẫn đảm bảo nhu yếu phẩm

Người dân Gò Vấp đã thực hiện tốt theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đường sá và các khu chợ, những nơi tập trung đông đúc trên địa bàn quận đã vắng hẳn người qua lại. Tiểu thương và các cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, các mặt hàng không thiết yếu đóng cửa hoặc chuyển sang hình thức kinh doanh trực tuyến.

"Vì mục tiêu chống dịch của thành phố, chúng tôi chấp hành nghiêm ngặt Chỉ thị 16 cũng như hướng dẫn của Ủy ban phường. Hy sinh một chút lợi ích cá nhân, đồng lòng cùng phường, quận chống dịch, mong nhịp sống bình thường sớm trở lại" - một hộ kinh doanh chia sẻ.

f6f9a4b7601f9541cc0e-8082-1622795953.jpg

Chợ Phạm Văn Bạch – P.12, Q. Gò Vấp trước và sau ngày cách ly theo Chỉ thị 16. Ảnh: Phan Nhung

Theo ban Quản lý thị trường (QLTT) Q. Gò Vấp, các tiểu thương và hộ kinh doanh hàng hóa nhu yếu phẩm cho người dân sẽ được duy trì nhưng phải đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch.

69d7e07182da77842ecb-5071-1622795953.jpg

Các mặt hàng nhu yếu phẩm tại cửa hàng tiện lợi và các hộ kinh doanh vẫn được duy trì nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân trên chủ trương đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch. Ảnh: Phan Nhung

Theo khảo sát của phóng viên, nhiều cửa hàng tại các phường trên địa bàn Q. Gò Vấp đã đóng cửa và ngưng hoạt động hoặc chuyển sang hình thức hoạt động trực tuyến. Các cửa hàng kinh doanh mặt hàng ăn uống đã chuyển sang hình thức bán đem về nhằm đảm bảo an toàn và tuân thủ đúng quy tắc phòng chống Covid-19. 

Tiểu thương có tăng giá trong mùa dịch? 

Trong thời gian giãn cách, nhiều người lao động phải nghỉ việc. Theo đó thu nhập cũng giảm sút nhưng lại đối diện với tình trạng giá cả leo thang - đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm hằng ngày.

Trao đổi với phóng viên, chị Phạm Thị Thúy, 29 tuổi - một tiểu thương ở khu chợ tự phát trên đường Phạm Văn Bạch cho biết: “Các sản phẩm tôi bán có tăng giá, nhưng nguyên nhân không phải chủ quan mà do khách quan. Ngày cuối khi nghe có chỉ thị cách ly, bà con kéo nhau đi mua đồ tích trữ nên hàng hóa cạn kiệt, chúng tôi phải lấy hàng về ngay trong ngày hôm sau. Vì hàng khan nên giá thành ở các chợ đầu mối rất cao, tuy nhiên để đảm bảo nhu cầu cho bà con chúng tôi vẫn nhập hàng về, mà giá lấy vào cao thì bán ra cao, còn những mặt hàng có sẵn, tôi vẫn duy trì mức giá cũ.” 

02a2158e5525a07bf934-7464-1622795953.jpg

Chị Phạm Thị Thúy đang buôn bán các mặt hàng nhu yếu phẩm tại cửa hàng của mình

Anh Nguyễn Văn Duy - chồng chị Thúy, chia sẻ thêm: “Hiện tại, thời tiết đang có mưa nhiều, những mặt hàng như rau xanh, củ quả bị ngập nước nên tình trạng tăng giá là bình thường. Tuy nhiên, một số mặt hàng khác giá cao là do thương lái ở đầu mối tăng giá nên chúng tôi cũng phải tăng theo. Tuyệt đối không có tình trạng tăng giá vì dịch".

Mặc dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên, cũng có một số trường hợp tiểu thương tự tăng giá, lợi dụng sự khan hiếm hàng hóa và nhu cầu tích trữ nhu yếu phẩm của người dân để trục lợi.

Chia sẻ về điều này, đại diện đội QLTT Q. Gò Vấp cho biết: "Hiện tại chúng tôi chưa phát hiện trường hợp cá nhân tiểu thương nào tự tăng giá, bán phá giá thị trường. Các chốt và trạm kiểm tra đều hỗ trợ các xe chở nhu yếu phẩm phục vụ cho người dân qua lại bình thường. Nếu gặp trường hợp vi phạm và có người dân báo cáo, chúng tôi sẽ xử phạt nghiêm theo quy định".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiểu thương Gò Vấp sau gần một tuần giãn cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO