Thung lũng hoàn lương

NHẬT MINH| 10/06/2009 01:24

Bên kia thượng nguồn sông Cu Đê có một ngôi làng mà người ta gọi là “Thung lũng hoàn lương”. Đó là thung lũng Bàu Bàn.

Thung lũng hoàn lương

Bên kia thượng nguồn sông Cu Đê có một ngôi làng mà người ta gọi là “Thung lũng hoàn lương”. Đó là thung lũng Bàu Bàn (thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Những người một thời “lầm đường lạc lối”, nhưng bằng sự nỗ lực vươn lên, đã vượt qua mọi mặc cảm, quy tụ về đây để làm lại cuộc đời.

Đường vào “Thung lũng hoàn lương”


Muôn cảnh đời lầm lỗi

Qua Lộc Mỹ chỉ có cách duy nhất là vượt sông bằng đò. Cuộc sống ở xã Hòa Bắc vốn đã khó khăn, Lộc Mỹ ngăn sông cách chợ lại càng khốn khó trăm bề. Giữa bao la núi đồi heo hút, những mảnh đất nhỏ nằm cheo leo bên dòng suối, dưới chân đồi là nơi trú ngụ của anh chị em “Xóm Trại” (cái tên khác của Trung tâm 05 - 06 Đà Nẵng).

Mỗi khi nói đến “Thung lũng hoàn lương”, ai cũng nhắc đến chị Trần Thị Phương (*) bởi chị được xem là người “khai canh” Xóm Trại này. Cuộc đời chị Phương cũng như hàng chục anh chị em khác, cùng chung cảnh lầm lỗi dẫn đến những tủi nhục, cơ hàn. Xứ Quảng Nam - Đà Nẵng những năm đầu thập kỷ 1970 hiếm người không biết “danh tiếng” Trần Thị Phương. Bố mẹ mất sớm, một thân một mình, không công ăn việc làm cùng những sai lầm đã nhanh chóng đẩy Phương vào chốn thanh lâu. Sau năm năm sống trong tủi nhục, Phương phải vào trại phục hồi nhân phẩm.

Chị Trần Thị Minh cũng một thời “vang bóng” không kém. Những năm chiến tranh, vùng quê của chị Minh là trại lính tạm thời của quân Mỹ và Sài Gòn. Xinh đẹp nên Minh lọt vào “tầm ngắm” của những tên lính bất nhân. Trong một lần mời chị đi uống nước, chúng đã bỏ thuốc mê và làm hại chị... Chán đời, chẳng mấy chốc Minh lao vào ăn chơi, trả thù đàn ông... Thế rồi “thời vàng son” cũng qua đi, Minh lại phải “đứng đường” để tồn tại...

Bọt bèo củng có thân phận

Bốn năm trong trại là quãng thời gian khá dài để chị Phương ngẫm nghĩ về thân phận gái làng chơi bèo bọt, để rồi duyên số gắn đời chị với một nam trại viên khác. Đó là bước ngoặt để chị can đảm xin ra ngoài làm ăn, sống cuộc đời bình thường như bao người khác.

Chị Phương kể: “Chồng tui hồi vào trại cũng nghiện oặt (nghiện ma túy), nhưng rồi cai được, tui khâm phục ý chí của ảnh nên thương. Năm 1980, ban lãnh đạo trại tổ chức cưới tập thể cho nhiều cặp vợ chồng. Rồi sau đó vợ chồng tui xin được miếng đất sát chân núi, dựng túp lều ở tạm, cùng lên rừng kiếm củi, làm thuê, rau cháo qua ngày”.

Chị Nguyễn Thị Hào, quê Quảng Trị, một người đẹp nức tiếng một thời nhưng phận đời đưa đẩy, lầm đường lạc lối nên phải vào trại 05 - 06 khi đang “hành nghề” ở Đà Nẵng. Vào trại, chị Hào gặp anh Phạm Văn Hài, một người trai xứ Quảng, mồ côi cha mẹ, sống lây lất không giấy tờ tùy thân nên được đưa vào trại.

Những tháng ngày tu tĩnh trong trại, họ cảm thấy đồng cảm, nên năm 1991 được cán bộ trại và anh chị em tổ chức đám cưới. Năm 1992, vợ chồng anh Hài ra trại, tìm về “Thung lũng hoàn lương” để xây đắp cuộc đời. Anh chị có với nhau hai mặt con, đều được học đến nơi đến chốn.

Hạnh phúc của vợ chồng anh Nguyễn Văn - chị Bùi Thị Sửu, quê Quảng Ngãi) rất giản dị. Anh Văn người Đà Nẵng, lên làm kinh tế mới ở vùng miền núi Hoà Bắc từ những năm 1980. Chị Sửu là một gái làng chơi, năm 1985, được đưa vào trại 05 - 06 Đà Nẵng. Ít ai ngờ, tại đây, chị đã gặp được “một nửa” của đời mình, như một sự sắp đặt của số phận.

Trong một lần các trại viên biểu diễn văn nghệ, chàng thanh niên Nguyễn Văn là người dân ở ngoài vào xem, mến cái duyên ngầm và giọng ca mặn mà của cô trại viên trại phục hồi nhân phẩm hơn mình đến 4 tuổi, một mực xin cưới chị, mặc cha mẹ và bảy anh chị em cực lực phản đối.

Năm 1986, họ nên vợ thành chồng và chị Sửu cũng theo chồng “ra riêng” về thôn Lộc Mỹ. Anh Văn quan niệm: “Trên đời không có ai không lầm lỡ, vợ tôi có thể lầm lỡ với xã hội, với chính cô ấy, nhưng với riêng tôi, cô ấy mãi mãi trong sáng”. Hai anh chị siêng năng làm ăn, giờ đã có một cơ ngơi khang trang.

Qua Lộc Mỹ chỉ có cách duy nhất là vượt sông bằng đò.


Lằn ranh quá khứ buồn

Những thước phim buồn tủi của quá khứ khiến đôi mắt chị Phương nhòa lệ: “Thật trớ trêu, sống với nhau đến năm 1998 thì chồng tui mất, để lại hai mẹ con chẳng biết xoay xở ra sao. Rồi con gái tui lấy chồng, những tưởng có được tấm chồng thì bớt khổ, ai ngờ mới được vài năm thì chồng nó chết. Bây giờ lại phải sống với tui”.

Anh chị Văn - Sửu lại gặp cảnh trớ trêu khác, được gần năm tháng tuổi thì con anh chị bị bệnh mất. Do đã lớn tuổi nên chị Sửu không sinh đẻ được nữa, giờ họ sống với nhau mà lo lắng mai này không biết nương tựa vào đâu.

Trong khi đó, các chị Nụ, May, Thành, Xoan... và một số trường hợp ở thung lũng này bị “cụt đọt” (mất chồng), nên cuộc sống lâm vào cảnh khốn khó hơn. Chị Phương không lấy chồng nhưng xin con nuôi vì một phần “ghét đàn ông”, và chị nghĩ nếu mình sinh con mà không lo lắng được cho nó thì lại càng buồn hơn.

Một số chị tuy đã nguôi ngoai nhưng vẫn mang “mặc cảm tội lỗi”. Có trường hợp con cái lớn, thành đạt mà người mẹ vẫn đứng lấp ló phía sau, không dám xưng danh.

Theo bà Ngô Thị Nhàn - Phó chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của “Thung lũng hoàn lương”, địa phương tích cực theo sát hỗ trợ (cho vay vốn làm ăn), động viên để anh chị em hòa nhập cộng đồng, xóa nhòa mặc cảm.

Tuy nhiên, vì là xã miền núi cũng hết sức khó khăn nên địa phương chưa thể góp phần tạo điều kiện đột phá, giúp anh chị em đổi đời. Các hộ dân chỉ có mảnh đất vừa đủ làm nhà, còn đất sản xuất thì không biết kiếm đâu ra nên chỉ biết bám rừng, bám sông suối và làm thuê nay đây mai đó để kiếm sống.

Ông Ngô Văn An - Phó trưởng Công an xã Hòa Bắc, cho biết đã hàng chục năm nay, hàng chục hộ dân hoàn lương về sống ở thung lũng Bầu Bàn rất đoàn kết, tương trợ, không gây mất trật tự, an ninh xóm làng. Chính quyền xã tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng nên nhiều hộ dân cũng vơi bớt mặc cảm. Tuy nhiên, ông An lo lắng về địa hình ngăn sông cách trở nên chuyện học hành và làm ăn ở thôn Lộc Mỹ sẽ gặp muôn vàn khó khăn, nhất là những hộ Xóm Trại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thung lũng hoàn lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO