Thú chơi không chỉ riêng mình

Ý NHI| 28/07/2009 00:56

Nhiều năm nay, ngôi nhà nằm trên đường Lương Định Của, quận 2 của anh Nguyễn Văn Hải - Giám đốc dự án Công ty BMC là nơi hội họp của bạn bè và rất nhiều sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa.

Thú chơi không chỉ riêng mình

Nhiều năm nay, ngôi nhà nằm trên đường Lương Định Của, quận 2 của anh Nguyễn Văn Hải - Giám đốc dự án Công ty BMC là nơi hội họp của bạn bè và rất nhiều sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa. Họ đến không chỉ để thư giãn, nhâm nhi trà, rượu với chủ nhà mà còn để tìm hiểu, cảm nhận giá trị văn hóa từ những bộ sưu tập mà anh đã sưu tầm suốt 10 năm qua.

Anh Hải bên những bức tượng nhà mồ

Chọn dụng cụ sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Tây Nguyên làm chủ đề chính cho bộ sưu tập của mình, anh Hải cho biết: “Làm việc trong lĩnh vực xây dựng, thường xuyên đi đây đó để thi công các dự án, tôi có dịp lân la, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của bà con ở mỗi vùng, miền.

Đặc biệt, cuộc sống hiền hòa, mộc mạc, không bon chen của đồng bào Tây Nguyên đã chiếm nhiều tình cảm trong tôi. Một lần, ngồi uống rượu cần với già làng AK’ti (dân tộc Bana) ở Kontum, nhìn những dụng cụ sinh hoạt của họ đơn giản, thô sơ nhưng lại rất sáng tạo, dân dã, tất cả đều làm bằng tre, mây, gỗ nứa, tôi chợt nghĩ:

“Rồi đây, khi chính sách của Chính phủ giúp đồng bào Tây Nguyên có cuộc sống ổn định, văn minh hơn, không còn du canh, du cư, phá rừng thì những dụng cụ này sẽ bị vứt lây lất. Ý nghĩ sưu tập các dụng cụ này và lưu giữ như một dấu ấn văn hóa của đồng bào Tây Nguyên vụt lóe lên và tôi bắt tay thực hiện”.

Bắt đầu từ vài dụng cụ nhỏ, đơn giản rồi mỗi lần đi công tác, Giám đốc Hải lại tìm kiếm và mang về nhiều dụng cụ “cồng kềnh” hơn. Đến nay, anh đã có một bộ sưu tập khá đa dạng, gần như đầy đủ các dụng cụ sinh hoạt của đồng bào Tây Nguyên thuộc các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, H’ Mong, Bana...

Tượng nhà mồ

Bộ sưu tập của anh được phân chia thành 5 bộ nhỏ riêng biệt, gồm: Bộ trang phục (quần áo, khuyên tai, dây chuyền, kiềng đồng nam, nữ...), Bộ nhạc cụ (cồng chiêng, trống da voi, đàn T,rưng, khèn...), Bộ dụng cụ săn bắn, hái lượm (nỏ, lao, bẫy thú rừng, giỏ bắt cá...), Bộ sinh hoạt (gùi quần áo, gùi lúa, gùi lấy măng, gùi lấy củi, giỏ đựng cơm, ống lồ ô đựng nước, nồi đất, nồi đồng, bếp...), Bộ ma chay (dao trong lễ hội đâm trâu, áo thầy cúng, tượng nhà mồ, chum, choé đựng rượu, cây nêu...).

Ngắm nghía từng dụng cụ từ đơn giản như chiếc bẫy chuột, hũ đựng muối, ống đựng tên, guồng quay tơ, khung dệt thổ cẩm đến những vật dụng khá nặng và cồng kềnh như thang gỗ, trống da voi, thuyền độc mộc... mới thấy kỳ công của người sưu tầm.

Anh Hải cho biết: “Điều không thể thiếu ở những người có thú “sưu tầm” là sự đam mê, tâm huyết. Hễ nghe ở đâu có vật dụng cổ, hiếm là tôi “bay” tới ngay, thậm chí cả ban đêm. Với người dân Tây Nguyên, mua được một vật dụng quý giá của họ không dễ. Có những vật họ không bán nhưng lại sẵn sàng tặng khi quý mến mình.

Chẳng vậy mà mỗi lần đi công tác, bà xã đều chuẩn bị cho tôi một ba lô thật lớn nào muối, thuốc rê, quần áo, dầu ăn, thuốc chữa bệnh... để tặng bà con. Và để đáp lại, họ “đãi” tôi rượu cần, những món ăn mà tôi phải “nhắm mắt” cố nuốt vì không hợp khẩu vị, giảng giải cho tôi về các vật dụng và giúp tôi có được bộ sưu tập này, đặc biệt là bộ cồng chiêng (6 cái) và bộ trống da voi rất quý ở đằng kia”.

Chỉ bộ trống đang treo ở góc nhà, anh giải thích: “Sở dĩ bộ trống này có giá trị vì muốn làm một chiếc trống da voi phải hạ một con voi và đốn một cây cổ thụ, thân cây có đường kính tối thiểu 1 mét. Song, mua được một vật dụng quý đã khó, đem được chúng về còn là chuyện khó hơn.

Như việc mua chiếc thuyền độc mộc dài 8m, tôi phải đi bộ gần 20 cây số từ bìa rừng vào tận buôn của đồng bào Gia Rai, phải đi 4 - 5 chặng, dùng từ xe trâu kéo, xe ba gác đến xe tải để chở về. Anh giảng giải về những những bức tượng nhà mồ bằng gỗ, có cái đã ngả màu đen xém: “Do phải để ngoài trời nên tượng nhà mồ càng nứt nẻ, rêu phong càng đẹp và có giá trị”.

Để bảo quản các vật dụng không bị mối mọt xâm hại, lâu lâu anh lại đem chúng ra hun khói, xịt thuốc trừ mối, rồi ngắm nghía, lau chùi, bê chỗ này, chuyển chỗ khác. “Vậy mà vui”, anh nói, “Công việc ngành xây dựng vốn rất căng thẳng, từ khi có bộ sưu tập, tôi cảm thấy vui hơn, nhất là giảm được stress. Mỗi lần mua được một vật dụng mới, tôi thấy phấn chấn, lục lọi sách vở để tìm hiểu nguồn gốc, xem nó làm bằng gì, giá trị ra sao. Càng khám phá càng thích thú.

Đi công tác ở các tỉnh dù bận mấy cũng phải tranh thủ “chạy” vào Bảo tàng dân tộc học để tìm hiểu. Nhờ thú chơi này, vốn kiến thức về văn hóa Tây Nguyên của tôi trở nên phong phú hẳn. Cả bà xã và các con tôi cũng bị “lây” thú chơi của tôi, thỉnh thoảng các cháu lại kéo bạn bè tới “khoe” thành quả của bố và hãnh diện khi thấy bạn bè trầm trồ, thích thú”.

Ngồi bên cạnh, bà xã anh “bật mí”: “Vui thì nhiều nhưng cũng có lần mua hụt bộ dụng cụ sinh hoạt của đồng bào K’ Ho, về nhà ảnh buồn mấy ngày, cứ luôn miệng: “Tiếc quá, tiếc thật” khiến cả nhà cũng tiếc theo”.

Một người bạn hỏi nhỏ: “Chắc bộ sưu tập của anh trị giá lớn lắm?”. Anh lắc đầu: “Không thể lấy tiền để đo giá trị của mỗi bộ sưu tập, bởi có những vật dụng không có giá trị về vật chất nhưng lại có giá trị rất lớn về văn hóa và tinh thần, mang giá trị vượt thời gian”.

Ngoài bộ sưu tập về Tây Nguyên, anh còn dành một căn phòng rộng để trưng bày bộ sưu tập cổ vật (chủ yếu là đồ gốm) từ đời Đông Sơn, Hán Việt, đến đời Lý - Trần - Lê, đồ gốm được tìm thấy ở Khu di tích Óc Eo, đồ gốm Chăm Pa...

Anh cho biết sẽ xây dựng ngay tại khuôn viên này một khu trưng bày các bộ sưu tập (do nhà anh sát khu du lịch Làng Tôi) và dựng thêm ngôi nhà rông, nhà dài Tây Nguyên để khách du lịch, học sinh và người dân thành phố đến tham quan. Bởi với anh, thú chơi không chỉ dành cho riêng mình và nó chỉ có ý nghĩa khi nhiều người cùng được nhìn ngắm, cùng mình cảm nhận những giá trị văn hóa và tinh thần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thú chơi không chỉ riêng mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO