Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Cần tạo động lực mạnh mẽ hơn

THANH NHÃ| 04/07/2018 03:27

Với kỳ vọng là năm cao điểm về cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN), năm 2018 khởi đầu thuận lợi với phiên đấu giá thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của nhiều công ty lớn.

Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Cần tạo động lực mạnh mẽ hơn

Mặc dù vậy, quá trình này đang bị chững lại cả về số lượng doanh nghiệp lẫn quy mô thoái vốn. Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung - Đại học RMIT cho rằng, tỷ lệ bán vốn nhà nước phải lớn hơn, chứ chỉ mới hơn 8% như hiện nay là quá thấp nên quá trình CPH chưa đạt yêu cầu.

* Theo ông thì tỷ lệ thoái vốn nhà nước bao nhiêu mới phù hợp?

- Nhiều nghiên cứu cho thấy, khối DNNN chiếm tỷ trọng lớn sẽ làm méo mó thị trường cạnh tranh. DNNN thường tiếp cận vốn ngân hàng dễ hơn và có nhiều cơ hội độc quyền, nên cơ hội về vốn cũng như thị trường của doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế. DNNN hoạt động không hiệu quả và làm méo mó môi trường cạnh tranh ở Việt Nam nghiêm trọng hơn các nước khác.

Hiện nay, đóng góp của DNNN vào GDP ở các nước trong nhóm Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trung bình là 5%, ở các nước châu Á là 6% , ở Việt Nam còn rất lớn, vào khoảng 29 - 30%. Theo tôi, tỷ lệ này phải giảm dưới 15% để thị trường lành mạnh hơn, DNNN hoạt động hiệu quả hơn và đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế. Khi DNNN hoạt động hiệu quả thì các đợt thoái vốn nhà nước sẽ có giá trị cao hơn, đem lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách.

thoái vốn, doanh nghiệp nhà nước,Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Đại học RMIT

Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung - Đại học RMIT

* Việc đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước đang gặp khó khăn vì DNNN chưa hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư?

- Hiện vẫn có nhóm DNNN CPH chỉ để đối phó hoặc chỉ muốn trục lợi. CPH có thể làm mất những "con gà đẻ trứng vàng" của nhiều bộ, ngành và chính quyền địa phương nên chưa có động lực triển khai. Tuy vậy, vẫn có những DNNN nhiệt tình muốn CPH nhưng lại chưa biết làm cách nào để trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.

Vẫn có thể đẩy nhanh quá trình CPH và thoái vốn nhà nước nếu thực hiện triệt để một số nhóm giải pháp. Trước hết là cải thiện cơ chế quản lý doanh nghiệp, như đào tạo bắt buộc đối với thành viên HĐQT, loại bỏ tồn đọng nợ, các sai phạm chưa giải quyết, tăng độ minh bạch về kiểm toán. Hai là rút ngắn thời gian phê duyệt thủ tục, kiểm toán và tăng thời gian từ lúc công bố bản cáo bạch đến thời điểm IPO.

Ba là phải quy định về giá khởi điểm phù hợp, phổ biến phương pháp dựng sổ cũng như quy định về mức phạt đủ tính răng đe. Bốn là các giải pháp phải theo hướng thị trường, nghĩa là phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư (phía cầu) và các tổ chức hỗ trợ khác.

Thứ năm là về thời điểm. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nên là cơ quan điều phối thời điểm IPO của các doanh nghiệp để tránh tình trạng nhiều "ông lớn" cùng bán ra một lúc gây thừa cung đột ngột. Sáu là cần có luật về CPH và một cơ quan chịu trách nhiệm cho toàn bộ quá trình này. Bảy là tạo động lực mạnh mẽ hơn cho lãnh đạo và nhân viên của chính DNNN để họ nỗ lực thực hiện CPH.

* Nhưng đã có Ủy ban Quản lý vốn nhà nước ra đời từ đầu năm 2018 chịu trách nhiệm về tiến trình CPH...

- Cần giao nhiều quyền lực hơn cho ủy ban này, kể cả quyết định vấn đề lương thưởng và tự chủ trong xây dựng bộ máy. Tuy vậy, theo quan sát của chúng tôi, nhiều khả năng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ hoạt động giống như một cơ quan hành chính. Điều này rất rủi ro.  Sẽ rất khó để thu hút nhân sự giỏi (mà thị trường đang trả lương rất cao) để điều hành và hoạch định chính sách cho cơ quan quan trọng này nếu sử dụng thang bậc lương nhà nước hiện nay.

Giám sát tốt hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cần có luật cổ phần hóa. Nếu không, hiệu quả sử dụng nguồn lực kém, lãng phí cơ hội và thất thoát tài sản là khó tránh khỏi. Lãnh đạo cơ quan này phải chịu trách nhiệm giải trình quá trình CPH và thoái vốn nhà nước trước Quốc hội.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước: Cần tạo động lực mạnh mẽ hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO