Thiếu tương tín, khó làm ăn chung

Ngọc Vân thực hiện| 16/10/2009 08:37

Mặc dù đến nay, DN, doanh nhân VN được nhìn nhận là đã lớn mạnh rất nhiều so với những năm đầu có chính sách đổi mới hay khi Luật Doanh nghiệp đầu tiên được ban hành...

Thiếu tương tín, khó làm ăn chung

Mặc dù đến nay, DN, doanh nhân VN được nhìn nhận là đã lớn mạnh rất nhiều so với những năm đầu có chính sách đổi mới hay khi Luật Doanh nghiệp đầu tiên được ban hành, nhưng khi nói đến tinh thần hợp tác thì DN, doanh nhân VN vẫn bị chê là tính cộng đồng kém, khó làm ăn chung. Là nhà tư vấn cho nhiều tập đoàn nước ngoài và trong nước liên doanh hoặc góp vốn lập công ty cổ phần, ông Trần Sĩ Chương cho rằng:

- Dù là hai hay nhiều người cùng chung vốn thì cũng không thể bỏ qua bốn nguyên tắc cơ bản: phải có lòng thành; phải hiểu nhau, biết nhau rất rõ; đặt kỳ vọng đúng tầm, đúng mức, đúng những gì mà các bên có thể thỏa thuận; phải có kế hoạch “sống chung” thật rõ ràng, kể cả dự liệu những chuyện phải giải quyết khi có xung đột về lợi ích hoặc quan điểm phát triển DN. Dù các bên đối tác là trong nước với nhau hay trong nước với nước ngoài cũng phải tôn trọng những nguyên tắc trên. Biết bao vụ hùn hạp không thành cũng chỉ vì một phía không ý thức được điều này.

* Theo những nguyên tắc như ông nêu ra, thì hạp nhau vẫn chưa đủ điều kiện để hùn vốn làm ăn?

- Nhiều người thường nghĩ phải thân thiết hoặc có cảm tình thì mới thoải mái khi làm ăn với nhau. Như vậy cũng tốt, nhưng có lúc lại không hay vì cứ nghĩ không nên rạch ròi quá làm mất thân thiện, từ đó không chịu đối đầu với những điều cần làm rõ. Đó là cái dở trong văn hóa hùn hạp của người VN. Cùng làm ăn với nhau mà kế hoạch chung không chuẩn thì khi có xung đột sẽ hay đổ lỗi cho nhau. Một khía cạnh khác cũng cần suy nghĩ: Người VN kém người Hoa, người Mỹ hay người Nhật ở tính cộng đồng.

Người nước ngoài làm việc có uy tín không phải vì cá nhân họ đạo đức hơn người VN, nhưng vì họ thường rạch ròi từ đầu để ràng buộc nhau, họ biết tận dụng ảnh hưởng cộng đồng, chính là các hiệp hội. Người Hoa kinh doanh thường lập thành hội, rồi hội nhỏ trong hội lớn, hội này liên quan tới hội khác, nên “bứt dây động rừng”, khi mất uy tín với một nơi làm ăn thì không ai dám làm ăn với mình nữa. Còn người VN tính độc lập rất cao, sự “tương - tín” giữa con người với nhau yếu, thiếu những mắt xích giữ họ lại với nhau. Khi làm việc với nhau mà không có sự “tương - tín” thì ai cũng có thể nghĩ mình có khả năng ở kèo trên. Quan hệ làm ăn ở một điểm xuất phát như vậy thì chắc chắn không thể đi tới kết quả.

* Nhiều người cho rằng, doanh nhân VN yếu thế hơn khi hợp tác với DN nước ngoài. Theo ông, có nên thay đổi quan niệm này?

- Việc hợp tác giữa DN VN và DN nước ngoài không thành là vì DN VN có phần hời hợt. Giai đoạn đầu mới mở cửa, DN đang thiếu vốn, thấy DN nước ngoài nào vào thì vội vàng “kết hôn”. Giai đoạn kế tiếp, có thể DN VN không cần vốn mà cần ở DN nước ngoài công nghệ hoặc uy tín thương hiệu, nhưng do thói quen “cứ chạy rồi hẵng lo xếp hàng”, không tính trước, không chịu tìm hiểu, cứ hùn hạp với nhau rồi tính sau, đến lúc vỡ lẽ thì đã muộn, là lỗi của mình chứ không phải lỗi người ta. Đúng là nhiều DN VN ngày nay không thiếu tiền, sẵn sàng cùng người khác kinh doanh vì tin nhau, nhưng sau đó chỉ vì một tác động bên ngoài không kiểm soát được lại xảy ra xung đột. Nếu doanh nhân không ý thức được việc này thì sẽ mất rất nhiều vốn và cơ hội. Tóm lại, không thể hùn hạp bằng cảm tính, đã làm ăn là phải chuẩn hóa mọi nguyên tắc cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thiếu tương tín, khó làm ăn chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO