Thanh long đấu xoài

16/09/2013 01:13

Nếu để gọi tên một loại trái cây quốc gia thì ở Việt Nam mình là trái gì nhỉ?”.

Thanh long đấu xoài

Trong cuộc họp giao ban, Thư ký tòa soạn một tờ báo bất ngờ hỏi: “Nếu để gọi tên một loại trái cây quốc gia thì ở Việt Nam mình là trái gì nhỉ?”.

Kim ngạch xuất khẩu của thanh long hơn 50%, nhưng xét về giá trị kinh tế, lại xếp sau xoài cát Hòa Lộc - Ảnh: Trường Nikon
>>Thanh long Chợ Gạo được cấp chứng nhận VietGAP
>>Thanh long vào siêu thị Mỹ
>>
Xuất khẩu thanh long: “Hồng nhan đa đoan”
>>Xoài cát Hòa Lộc được nhận chứng nhận VietGAP
>>
Xoài cát Hòa Lộc

Nhiều đáp án đã được đưa ra. Người cho rằng đó là thanh long. Người thì nói đó là dừa. Không ít người đề nghị xoài, nhãn lồng, vải thiều, bưởi, cóc.

Giữa tháng 7 vừa qua, hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Superfruits – Myth or Truth?” (Siêu trái cây: ảo tưởng hay thực tế?) do Tổ chức Nông lương Thế giới phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã được tổ chức tại Việt Nam.

Hơn 100 chuyên gia đến từ Mỹ, Úc, Trung Quốc, Nhật, Hà Lan, Philippines, Thái Lan… đã tranh luận để tìm ra loại siêu trái cây của Việt Nam.

Có vẻ như thanh long là siêu trái cây bởi nó được đa số chuyên gia chấp nhận. Tuy nhiên, vẫn có không ít ý kiến ngược lại.

Các chuyên gia nông nghiệp của Úc và Việt Nam cho rằng xoài mới là siêu trái cây. Trong khi đó, các chuyên gia Indonesia và Thái Lan lại nói siêu trái cây phải là măng cụt và mãng cầu xiêm vì chứa nhiều chất dinh dưỡng và có tác dụng chữa bệnh.

Ông Yi Ganjun (Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông, Trung Quốc), phát biểu rằng người tiêu dùng nước này xem vải thiều, cam, quýt là siêu trái cây vì chúng rất tốt cho sức khỏe.

Trong khi đó, Viện Dinh dưỡng Hoa Kỳ cho biết người Mỹ xem trái việt quất, mâm xôi và nam việt quất, vốn có nhiều ở Mỹ là siêu trái cây. Các chuyên gia đến từ châu Âu lại cho rằng trái lựu, bơ, nho, táo mới là siêu trái cây và được người dân châu lục này ưa thích.

Tại hội thảo, Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đã chiêu đãi khách một loạt trái cây đặc sản. Điều khá thú vị là xoài cát Hòa Lộc rất đắt hàng, mang ra bao nhiêu hết bấy nhiêu.

Cuối cùng, các chuyên gia đã thống nhất thanh long, xoài, bưởi da xanh, nhãn, vải là siêu trái cây. “Thật ra trái nào bán được nhiều tiền cho quốc gia thì trái đó là siêu trái cây của nước đó. Đây là định nghĩa của thế giới hiện nay”, Phó Giáo sư Nguyễn Minh Châu, thuộc SOFRI, cho biết.

Tỉ trọng xuất khẩu các loại trái cây Việt Nam năm 2012

Việc xác định được các loại siêu trái cây là hết sức quan trọng, bởi theo ông Kaison Chang (FAO), “siêu trái cây là từ dùng để thúc đẩy thương mại loại trái đó”. Như vậy, nếu danh mục siêu trái cây càng nhiều, Việt Nam sẽ càng có cơ hội xuất khẩu nhiều trái cây hơn, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước.

Nếu nhắc tới quả Kiwi người ta nghĩ đến đất nước New Zealand... thì đâu sẽ là loại trái cây mà khi gọi tên, người tiêu dùng quốc tế sẽ nghĩ ngay đến Việt Nam? Theo ông Châu, đó là trái thanh long. Tuy nhiên, trái thanh long của Việt Nam hiện đã bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế.

Thanh long đang đứng đầu danh sách, với trên 50% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, trong top 10 trái cây đặc sản có giá trị kinh tế cao được sách kỷ lục Việt Nam công bố ngày 6/8/2012, trái thanh long lại đứng ở vị trí 6/10, sau xoài cát Hòa Lộc, nhãn xuồng cơm vàng, sầu riêng Ri6, bưởi da xanh và vú sữa Lò Rèn.

Tuy được người tiêu dùng các nước công nhận có nhiều loại trái ngon nhưng trái cây Việt Nam chủ yếu được xuất đi lòng vòng ở châu Á. Ngay cả khi Việt Nam xác định được một số trái cây chủ đạo để đầu tư trồng phục vụ xuất khẩu, việc thâm nhập các thị trường châu Âu, châu Mỹ cũng không phải chuyện đơn giản.

Ông Châu cho rằng nguyên nhân là Việt Nam chưa tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo và khâu buôn bán cũng chưa đúng hướng.

“Ở New Zealand chỉ có 1 công ty được phép xuất khẩu trái kiwi, còn ở Việt Nam thì mạnh ai nấy làm. Các công ty xuất khẩu chỉ cố hạ giá để cạnh tranh với nhau. Như vậy làm sao có chất lượng tốt đồng đều để cạnh tranh với các nước khác”, ông Châu nói.

Để khắc phục tình trạng này, theo ông, Nhà nước phải đóng vai trò nhạc trưởng. “Việc này cần phải nỗ lực trong nhiều năm thì mới xong và phải bắt đầu ngay từ bây giờ”, ông Châu cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thanh long đấu xoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO