Tập trung vốn nhà nước cho lĩnh vực then chốt

NGỌC VÂN thực hiện| 30/07/2009 08:55

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước thực hiện quyền cổ đông nhà nước trong các DN. Trong 754 DN mà SCIC đã đầu tư, Tổng công ty SCIC có kế hoạch thoái vốn trên 600 DN.

Tập trung vốn nhà nước cho lĩnh vực then chốt

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) thực hiện quyền cổ đông nhà nước trong các DN. Trong 754 DN mà SCIC đã đầu tư, Tổng công ty SCIC có kế hoạch thoái vốn trên 600 DN. Năm 2009, SCIC thoái vốn 272 DN, nhưng 6 tháng đầu năm chỉ thoái vốn được 66 DN. Ông Ngô Viết Sơn, Tổng giám đốc SCIC trao đổi về việc cơ cấu lại danh mục đầu tư của SCIC.

* Xin ông cho biết vì sao SCIC lại rút bớt danh mục đầu tư?

- Tổng số vốn điều lệ của 754 DN mà SCIC đầu tư vào là 20.438 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 8.512 tỷ đồng, trung bình tỷ lệ sở hữu là 46,63%. Kế hoạch của SCIC rút ngắn danh mục đầu tư để tập trung vào khoảng 100 - 150 DN lớn trong các lĩnh vực kinh tế then chốt như hạ tầng, năng lượng, tài chính - ngân hàng, khoáng sản, dầu khí.

SCIC tiến hành phân loại DN theo ba nhóm: nhóm A (11 DN) đầu tư chiến lược dài hạn; nhóm B (105 DN) thực hiện đầu tư linh hoạt; nhóm C (638 DN) ưu tiên bán hết vốn nhà nước, SCIC sẽ đẩy nhanh thoái vốn đầu tư tại các DN này theo tiến độ sớm nhất có thể.

* Tiến độ ấy như thế nào?

- Dự kiến hoàn thành cơ cấu lại danh mục đầu tư vào giai đoạn từ năm 2012 - 2015. Năm 2008, SCIC bán được 70 DN; năm 2009, đặt kế hoạch bán 272 DN, có giá trị vốn theo sổ sách là 559 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 1.439 tỷ đồng. Vốn của SCIC bình quân 2 tỷ đồng trong một công ty. Sáu tháng đầu năm nay, SCIC đã bán được 66 DN, giá trị vốn là 152,3 tỷ đồng, số tiền thực thu về đạt 229,9 tỷ đồng.

Việc bán vốn diễn ra ở 54 tỉnh, thành phố, trong đó 21 tỉnh, thành phố có giá trị vốn bán trên 10 tỷ đồng. Ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của các DN mà SCIC bán vốn rất rộng, gồm khoáng sản, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu, thủy sản, sách và thiết bị trường học; dịch vụ, du lịch, kinh doanh nhà và bất động sản.

Ngoài các DN trên, SCIC tiếp tục rà soát các DN nhóm B và tìm kiếm các cơ hội thoái vốn hiệu quả, bao gồm cả các DN niêm yết trên hai sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội, trong đó sẽ tập trung ở những DN hiện SCIC có tỷ lệ sở hữu cao nhưng hoạt động trong các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.

* Đó là kế hoạch chung, còn tiến độ đến nay có vẻ chậm, 6 tháng mới bán được 66 DN, chưa đạt một nửa kế hoạch. Từ nay đến cuối năm, thị trường chứng khoán chưa chắc đáng lạc quan. Ông đánh giá thế nào về điều kiện thoái vốn để hoàn thành kế hoạch năm?

- Sáu tháng đầu năm, do tập trung vào công tác đại hội cổ đông, thực hiện quyền cổ đông, nên việc bán vốn nhà nước bị ảnh hưởng. Chúng tôi vẫn kỳ vọng từ nay đến cuối năm thị trường sẽ theo xu hướng tích cực. Quyết tâm hoàn thành mục tiêu càng nhanh càng tốt, nhưng không bán bằng mọi giá. Nguyên tắc của chúng tôi là đảm bảo nguồn vốn, bán không dưới giá trị sổ sách của DN, phải bán vốn nhà nước có hiệu quả cao nhất.

Bán vốn tại các DN niêm yết thực hiện theo cơ chế khớp lệnh, thỏa thuận và chế độ công bố thông tin. Việc bán vốn nhà nước tại các DN niêm yết hiện nay không nhiều. Bán vốn tại các DN chưa niêm yết hầu hết theo hình thức tổ chức bán đấu giá công khai, thông qua các công ty chứng khoán.

Xin cảm ơn ông

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tập trung vốn nhà nước cho lĩnh vực then chốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO