Tăng giá mùa Trăng

MINH HÀO| 21/08/2010 00:47

Trong khi doanh nghiệp và các cơ quan chức năng đang nỗ lực bình ổn giá hàng hóa, thì trên thị trường lại diễn ra một đợt tăng giá mới! Và người tiêu dùng cũng đang trông chờ sự can thiệp của 14 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá nhằm triệt phá “dây chuyền tăng giá” đang hình thành.

Tăng giá mùa Trăng

Điệp khúc tăng giá

Từ cuối tháng Bảy đến nay, hàng loạt mặt hàng thiết yếu, thực phẩm đua nhau tăng giá. Điều đáng nói là giá những mặt hàng nằm trong diện bình ổn giá của thành phố như gạo, đường, sữa... đang tăng và tăng khá cao.

Khảo sát tại các chợ bán lẻ cho thấy, hiện giá gạo đã tăng từ 500 - 2.000 đ/kg. Còn tại một số siêu thị, các loại gạo ngon, gạo thơm đều tăng từ 1.000 - 2.000 đ/kg.

Bà Nguyễn Vân Hường, tiểu thương kinh doanh gạo tại chợ Thị Nghè (Q. Bình Thạnh), cho biết, giá gạo đã tăng từ ba tuần nay, mỗi lần tăng vài trăm đồng/kg. Cùng với gạo là sữa, đặc biệt là sữa ngoại, cũng tăng giá khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng. Từ cuối tháng Bảy, hai hãng sữa Dumex và XO đã thông báo tăng giá từ 2 - 8%. Một số loại sữa nước của hãng Dutch Lady cũng được điều chỉnh tăng 200đ/hộp. Bên cạnh đó, đường ăn cũng tăng và tăng mạnh trong nhiều ngày qua.

Theo giới chuyên môn, đường tăng giá là do các nhà đầu cơ chi phối. Có hai lý do khiến họ “làm giá” đường. Thứ nhất, dựa trên tình hình thực tế đang diễn ra thì mùa thu hoạch mía sắp tới sẽ bị thất bại. Thứ hai là giá đường thế giới đang tăng cộng với nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu cũng đang ngày càng mở rộng cả về quy mô lẫn số lượng. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp sản xuất loại “bánh mùa vụ” này đang gom nguyên liệu dự trữ, nên đã tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ đẩy giá đường lên cao.

Chưa hết lo về thực phẩm tăng giá, từ ngày 9/8, người tiêu dùng lại “nhốn nháo” vì giá xăng tăng thêm 350 - 450đ/lít, trong đó xăng A92 tăng lên 16.400đ/lít, dầu diesel lên 14.750đ/lít... nên khiến giá nhiều mặt hàng biến động theo. Hệ quả thấy rõ nhất khi giá xăng tăng là phí vận chuyển cũng tăng.

Nhiều người vận chuyển hàng hóa từ các chợ đầu mối về các chợ nhỏ cho biết phải thu thêm 5.000 - 7.000đ/chuyến hàng để bù vào tiền xăng. Và người bán lẻ đã dựa vào lý do này để tăng giá thêm 500 - 1.000đ/kg cà chua, dưa leo, bầu, bí, mướp, khổ qua... Còn giá thịt heo mặc dù đã giảm sau khi dịch heo tai xanh bùng phát, thì nay có cơ hội “quay trở lại vị trí cũ”.

“Bình ổn giá” có là cứu tinh?

Không dừng lại ở những mặt hàng trên, đến cuối tháng Tám sẽ còn nhiều mặt hàng nữa tiếp tục tăng giá. Theo nguồn tin từ hai hệ thống siêu thị Maximark và Citimart, hiện hai đơn vị này đã nhận thông báo từ các doanh nghiệp về việc tăng giá cho khoảng 300 - 400 mặt hàng.

Nhiều nhất là thực phẩm (bánh kẹo, đồ hộp), dầu ăn, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, hàng may mặc... với mức tăng từ 5 - 12%. Lý do tăng giá, theo hầu hết các nhà cung cấp hàng cho Maximark và Citimart, là do đường tăng, nguyên liệu đầu vào để làm bao bì tăng, rồi tỷ giá đô la cũng tăng...

Sữa đã tăng giá và tiếp tục tăng trong thời gian tới

Đại diện hệ thống siêu thị Maximark cho biết, sau vài ngày xăng tăng giá, họ đã nhận được thêm không ít thông báo tăng giá mới. “Chắc chắn chúng tôi sẽ còn nhận được nhiều thông báo tăng giá từ các doanh nghiệp sau khi giá xăng được điều chỉnh”, vị này nói.

Không “chịu thua” hàng gia dụng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm..., một số hãng sữa cũng “nhấp nhổm” tăng giá trong nay mai. Cụ thể, hãng sữa Abbott đã gửi thông báo đến tất cả khách hàng là sẽ tăng giá 7% cho ba dòng sữa Similac Eye - Q Plus, Similac Gain Eye - Q Plus và Gain Plus Eye - Q Plus.

Trong đó, Similac Eye - Q Plus hộp 900g từ 361.100đ lên 388.517đ/hộp; Similac Gain Eye - Q Plus hộp 900g từ 357.200đ lên 382.204đ/hộp và Gain Plus Eye - Q Plus hộp 900g từ 330.300đ lên 353.421đ/hộp. Theo lý giải của nhà nhập khẩu sữa Abbott là Công ty 3A thì đây là đợt điều chỉnh giá theo mức tăng giá sữa nhập khẩu từ nhà cung cấp nước ngoài. Một số hãng khác tuy chưa tiết lộ thời gian cụ thể, nhưng cho biết cũng sắp điều chỉnh giá!

Đồng hành với sữa là đường. Giá đường đã tăng và còn “hứa hẹn” sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khiến các sản phẩm dùng đường làm nguyên liệu chế biến cũng tăng theo. Hiện tại, hai đơn vị sản xuất bánh Trung thu lớn là Kinh Đô và Bibica đã công bố tăng giá bán. Trong đó, Kinh Đô tăng giá bánh lên 10% so với năm 2009, còn Bibica tăng đến 15 - 20%.

Hiện tại, có thể nói “bình ổn giá” chỉ diễn ra ở hai hệ thống phân phối lớn là Co.opMart, Big C và các doanh nghiệp được hỗ trợ bình ổn giá. Tuy nhiên, trước những biến động theo chiều hướng ngày càng xấu hơn, nhiều người tự hỏi liệu chương trình bình ổn giá của thành phố có phát huy tác dụng để người tiêu dùng có thể mua được hàng bình ổn giá?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng giá mùa Trăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO