Phỏng vấn trong phong tỏa

Nguyễn Thị Ngọc Hải| 02/02/2022 01:59

Nhờ Internet mà tôi ngồi tại nhà ở Sài Gòn trong những tháng giãn cách nghiêm ngặt nhất, không thể đi đâu, kể cả xuống sân chung cư tập thể dục, để đem đến cho người đọc nhiều cuộc tiếp xúc giữa người với người, ngồi nhà vẫn gặp chuyện hay chuyện dở bốn phương.

Năm 2021 đã qua - một năm muốn quên nhưng không thể - nhất là khi Sài Gòn trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư "gây đau thương, mất mát chưa từng có trong lịch sử" (lời Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên).

Báo chí, theo truyền thống, cuối năm tổng kết lại các sự kiện 2021: làn sóng dịch lần thứ tư, GDP quý III tăng trưởng âm 6,17%, cuộc "điều quân" chống dịch lớn nhất sau chiến tranh, những đợt tiêm chủng lớn chưa từng có...

Biết bao gương hy sinh, biết bao gương lao động sáng tạo, những tấm lòng cao cả, tình thương yêu rộng lớn...

Hai năm đại dịch, nhất là năm 2021 khốc liệt ấy, giãn cách kéo dài phải ở trong nhà, tôi đã cố gắng thực hiện những cuộc phỏng vấn, cả với người ngoài nước. Họ cho tôi biết về cảm xúc, về "thắng lợi" và "thất bại" trong "cuộc chiến" chống con virus SARS-CoV-2 và những biến chủng của nó...

Ngay lúc TP.HCM bắt đầu căng mình chống đợt đại dịch lần thứ tư, tôi liên hệ với nhà báo tự do người Pháp gốc Việt - anh Võ Trung Dung - có thể là nhà báo đầu tiên mắc Covid-19 khi căn bệnh bí ẩn mới bắt đầu trong sự lo lắng của thế giới và người mắc ngại ngần không muốn cho ai biết. Anh Võ Trung Dung nhận lời ngay khi tôi nói rằng người Sài Gòn hôm nay đang cần những câu chuyện của anh. Thế là qua Internet, 2 giờ đêm Sài Gòn (vì lệch múi giờ với châu Âu), tôi bắt đầu nghe anh trò chuyện với giọng nói còn khá yếu. 

Những câu hỏi tất nhiên sẽ là: Anh phát hiện bệnh thế nào, điều trị ra sao khi  chưa có thuốc và anh chỉ có một mình? Anh nói khỏi  bệnh được là do "sức mạnh tinh thần", vậy xin diễn tả nó như thế nào? Làm sao "viên thuốc vô hình" ấy lại giúp anh khi những người chung phòng bệnh lần lượt ra đi cùng một cách, ở nơi không ai được thấy ngoài nhân viên y tế, không ai có cơ hội nắm tay người thân lần cuối? Anh là nhà báo tự do, không nơi trả lương, ốm đau không ai chăm thì sống thế nào?...

Anh trả lời rằng, đó là do lòng can đảm của nghề báo tự do (anh chuyên làm phóng sự chiến tranh và từng bị bắt cóc ở Trung Đông). Anh nói rất tiếc nuối vì lúc này không ở Việt Nam để viết phóng sự về dịch bệnh và cách người Việt chống lại nó, vì trên thị trường báo chí phương Tây, anh được đánh giá là phóng viên nước ngoài am hiểu nhất về Việt Nam.

Nha-bao-Vo-Trung-Dung-1804-1643342083.jp

Tôi hỏi, lòng can đảm anh nói là do nghề nghiệp đặc biệt, thế người bình thường thì làm sao? Anh bảo rằng con người ai cũng có cảm xúc và tình yêu một thứ gì đó. Người thích leo núi, người thích đua xe. Anh thích những chuyện đời của con người, có buồn có vui và cả hiểm nghèo. 

Tôi hiểu ra đó chính là "viên thuốc sức mạnh tinh thần". Khi bài báo của tôi gửi cho Tuổi Trẻ Cuối tuần có tít "Mình cố làm gì cho trái đất tốt lên chút xíu" chuẩn bị in, tòa báo đã tìm được hình ảnh mới nhất của Võ Trung Dung đang làm phóng sự ở châu Phi.

Cuộc phỏng vấn thứ hai tôi muốn  hầu chuyện bạn đọc là cuộc phỏng vấn chị Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA). Bài phỏng vấn có tít "Không ở diễn đàn long trọng, tôi chỉ là người kéo màn", đăng trên Báo Doanh Nhân Sài Gòn và vui nhất khi nó được một giáo sư người Việt ở Mỹ đưa lên trang Viet-studies của ông và nó lọt vào top bài được đọc nhiều nhất.

Điều ấy chứng tỏ Việt kiều rất quan tâm đến doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam tồn tại ra sao, khi ngay cả ở những nước giàu cũng lao đao vì Covid-19.

Những câu hỏi tôi đặt ra với chị Kim Hạnh, tất nhiên sẽ là doanh nghiệp gặp khó gì khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy? Những doanh nhân chống chọi giỏi nhất thì bằng cách nào? Trong bình thường đã có đến 80% startup "chết yểu" trong năm đầu tiên thì nay đại dịch, doanh nghiệp khởi nghiệp nguy khốn đến đâu? Đóng góp của BSA trong việc tìm lối thoát như "tìm giấy thông hành" chất lượng cho sản phẩm Việt ra thế giới kết quả đến đâu? Chuyện chuyển đổi số trong doanh nghiệp như thế nào? Rồi hỏi chuyện riêng tư: Chị vừa mất người chồng yêu quý - một nhà báo có tiếng, hằng ngày chị túi bụi công việc mà vẫn viết trò chuyện với chồng...

Chị kể về nỗ lực sáng tạo của doanh nhân Việt Nam và người kinh doanh nhỏ. Cố giữ vững phong trào như "Đồng Tháp khởi nghiệp thương mại", "Bến Tre khởi sự mưu sinh thoát nghèo"...

Người ta thấy Kim Hạnh hằng ngày vẫn cùng các tổ chức và doanh nghiệp đi cứu trợ, vào các xóm nghèo Sài Gòn nhiều hóc hẻm, rồi bay ra Hà Nội, đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Nhân vật thứ ba tôi muốn kể là nữ tu trẻ Rosa Hoàng Kim Anh - dòng Đa minh Rosa Lima ở Sài Gòn. Theo lời kêu gọi của lãnh đạo tôn giáo, Kim Anh đã tình nguyện phục vụ bệnh nhân Covid-19 

ở Bệnh viện dã chiến số 16 tới 500 giường. Đó là lúc Sài Gòn ở đỉnh dịch, người chết nhiều nhất. Câu hỏi của tôi là: Cô đã làm những việc gì khi không hề học y khoa mà học sư phạm? Cô được huấn luyện nhanh thế nào? Những chuyện đau thương và cảm động cô chứng kiến? Sau đợt phục vụ ấy, cô thấy mình thay đổi những gì?

Cô đã làm tất cả công việc của một hộ lý: tắm rửa, thay bỉm, đổ bô cho bệnh nhân. Ai gọi cần giúp gì làm nấy, trò chuyện an ủi khi họ sợ hãi. Khi có người hấp hối không người thân bên cạnh, cô đã lặng lẽ với đức tin của mình, cầu nguyện âm thầm thay người thân của họ.

Và cô nói đã hạnh phúc được tận hiến để vừa thực hiện đức tin vừa cảm nhận trực tiếp tình yêu thương cao cả giữa con người với con người.

Còn nhiều câu chuyện nữa với nhiều người tôi đã phỏng vấn trong hai năm đại dịch, nhất là vào năm 2021 khốc liệt.

Trước đây, khi học nghề báo, tôi thường tâm niệm theo lời khuyên khi phỏng vấn hãy chọn cách trò chuyện trực tiếp - face to face talking - vì cho dù Internet có vi diệu đến đâu, trò chuyện trực tiếp mới khai thác được nhiều chuyện. Nhiều nhà báo và nhà nghiên cứu, giảng dạy báo chí trên thế giới vẫn còn tranh luận việc phỏng vấn qua email hiệu quả đến đâu. Họ cho rằng nó có một số ưu điểm nhưng độ tin cậy kém hơn và nhất là khó cho các câu hỏi nảy sinh ngay tại chỗ.

Tôi đã tuân theo cách face to face talking và từng có những cuộc gặp gỡ quý báu trong đời làm  báo: phỏng vấn các văn nghệ sĩ lớn như Phạm Duy, Hoàng Cầm, Hồ Dzếnh, các nhà tình báo lỗi lạc Trần Quốc Hương, Phạm Xuân Ẩn... và nhiều trí thức, doanh nhân.

Dịch Covid-19 ùa đến, chắc rằng chấm dứt cuộc tranh luận về phỏng vấn qua Internet. Nhờ nó mà tôi đã ngồi tại nhà ở Sài Gòn trong những tháng giãn cách nghiêm ngặt nhất, không thể đi đâu, kể cả xuống sân chung cư tập thể dục, để đem đến cho người đọc nhiều cuộc tiếp xúc giữa người với người, ngồi nhà vẫn gặp chuyện hay chuyện dở bốn phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phỏng vấn trong phong tỏa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO