Nước mắt Thiên đường

Nguyễn Loan| 15/09/2019 06:00

Pusamcap - điểm du lịch được ví như “thiên đường hang động” của Tây Bắc khiến người ta trầm trồ nhưng không thể không đau xót trước những gì đã mất đi vĩnh viễn.

Nước mắt Thiên đường

Trên tỉnh lộ 129 nối thị xã Lai Châu với huyện Sìn Hồ, cách trung tâm thị xã chừng 5-6km, người ta sẽ dễ dàng tìm được động Thiên Môn - nơi được ví von là Phong Nha của vùng Tây Bắc. Nó nằm trong quần thể gồm nhiều hang động trên hệ thống núi Pusamcap (mà theo tài liệu ghi lại là có độ cao từ 1.300-1.700m so với mực nước biển), trong đó có ba động lớn được đặt tên là Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh. Chúng được phát hiện từ tháng 7/2006. 

Trong hành trình Đoàn Phượt 308 - như cách chúng tôi tự gọi mình, bạn “trưởng đoàn” đã vốn có ý giới thiệu với chúng tôi điểm đến khá nổi tiếng này. Theo nhiều người thì đây là chỗ “Tây thích nhưng Ta thờ ơ”, có lẽ bởi khoảng cách về việc cảm thụ và đánh giá vẻ đẹp thiên nhiên... Từ đường lớn, bắt vào vùng núi xanh ngút ngàn là con đường mòn nho nhỏ với những bậc thang rêu phủ. Suốt một khoảng dài, cây cỏ mọc um tùm chỉ có màu xanh ở đủ những sắc thái khác nhau choán lấy tầm mắt. Rồi tất cả bỗng khựng lại khi một khoảng rộng hiện ra - cửa động là đây, một khoảng đất bằng thoáng đãng làm điểm dừng chân tự nhiên trước khi du khách “đi sâu vào lòng đất”. Tất cả vẫn còn khá hoang sơ, hơi đất mát lạnh tỏa ra vừa như mời mọc vừa khiến không ít người cảm thấy run rẩy, hồi hộp.

pusa5-1229-1568438122.jpg

Những khối thạch nhũ đẹp với đủ hình thù là tuyệt tác của thiên nhiên

Lòng hang khá rộng với nhiều ngóc ngách và các lối đi nho nhỏ không biết sẽ dẫn tới đâu. Nước rỏ tí tách hoặc rỉ thành những dòng nhỏ ngoằn ngoèo trên mặt đá, đôi chỗ đọng thành vũng trong hang. Dấu vết của những đợt nước ngập, của các hóa thạch vẫn còn đây, chờ tay người khám phá và lần ngược về huyền sử... Tùy chỗ mà những đám nhũ đá sà xuống thấp hoặc ngự tít trên cao, “nới” rộng không gian. Dù trong động không có nhiều ánh sáng nhưng qua ánh đèn mờ ảo và những lần chớp nháy flash máy ảnh, có thể dễ dàng nhận ra những khối, những cột nhũ đá đủ hình thù và màu sắc khiến trí tưởng tượng tha hồ bay bổng. Không thể không trầm trồ trước những gì mà “bàn tay” tạo hóa đã sáng tạo và xếp đặt nơi đây, thậm chí đôi chỗ có hình dáng khiến người ta liên tưởng đến thứ “đùa lỡm” đầy dí dỏm mà thiên nhiên gửi tới con người.

pusa7-4102-1568438123.jpg

Việc khai thác du lịch quá đà khiến lữ khách xa xót

Tuy nhiên, khi cẩn thận men theo con đường bậc thang trong lòng hang, du khách không khỏi xa xót cho những gì đã mất đi để người ta “khai thác du lịch” nơi này: Các khối đá bị phạt ngang, thạch nhũ bị cắt, vách đá bị khoan, lòng hang được đổ bê tông... để tạo thành lối đi, tay vịn hay trụ bố trí đèn chiếu sáng. Không những không làm nổi bật được vẻ đẹp thiên tạo trên những khối đá quý giá này, dường như bàn tay thô bạo của con người đã can thiệp một cách man rợ vào thành quả hàng ngàn năm tích tụ của trời đất... Đó là chưa kể đến sự tham lam của thói tư hữu đã khiến người ta vụng trộm khai thác, khiến những rèm thạch nhũ bị phạt nham nhở... 

Theo một tài liệu khoa học, để tạo ra được 2cm thạch nhũ trong hang động, tùy theo kiến trúc địa tầng và chất đá - sẽ phải mất từ 50-100 năm. Nhưng giờ đây, chỉ với những nhát đục, nhát cưa nếu thạch nhũ bị cắt đi thì sẽ chẳng bao giờ tái tạo lại được nữa.

pusa6-9127-1568438123.jpg

Sẽ có một ngày những tạo tác này biến mất vĩnh viễn vì lòng tham của con người

Thạch nhũ - những khối đá đặc biệt mà người ta từng ví von hình ảnh là “nước mắt của núi”, những báu vật được thiên nhiên kiến tạo sau hàng nghìn năm kiên nhẫn... Nhưng nó cũng dễ dàng bị bàn tay thô bạo và ngu ngốc của con người phá hủy. Này Thiên Môn, rồi đến Thiên Đường, Thủy Tinh... nếu không được chăm chút giữ gìn và bảo tồn, phải chăng rồi đây sẽ chỉ còn là “nước mắt Thiên đường” và lời oán trách của các thế hệ mai sau?

Trong quá trình tìm thêm thông tin cho bài viết này, tôi thực sự cảm thấy buồn khi vẫn đọc được những dòng rao bán thạch nhũ “mới được khai thác” hoặc cây “ôm” thạch nhũ tự nhiên trên một số diễn đàn chơi và sưu tầm đá cảnh, cây cảnh. Theo nhiều cách khác nhau, thói tư hữu của con người - bao gồm cả tư hữu vẻ đẹp thiên nhiên - đã, đang và sẽ tận diệt chính những gì mang lại nguồn sống cho chúng ta.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nước mắt Thiên đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO