Nỗi lo về dân số già

NGỌC ANH/DNSGCT| 24/04/2017 06:29

Một bài bình luận trên đài phát thanh RFI (Pháp) hôm 10/4 cho rằng Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh.

Nỗi lo về dân số già

Lâu nay các nhà phân tích quốc tế đều cho rằng một trong những lợi thế phát triển kinh tế của chúng ta là đang sở hữu một “dân số vàng” - điều mà nhiều nước mơ ước. Vậy mà, một bài bình luận trên đài phát thanh RFI (Pháp) hôm 10/4 lại cho rằng Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh.

Đọc E-paper

Nhận định trên xuất phát từ một báo cáo của Ngân hàng Thế giới hồi giữa năm ngoái cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do tỷ lệ sinh giảm mạnh từ 6 xuống còn 1,95 - 2,09 trong giai đoạn 1970 - 2015 do thu nhập tăng, trình độ văn hóa được nâng cao, cùng với chính sách mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con được khuyến khích từ đầu những năm 1980 và áp dụng chính thức từ 1993.

Trong cùng thời gian đó, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 70 lên 76 do đời sống người dân cũng như tình hình chăm sóc y tế được cải thiện.

Tình hình này sẽ tác động đáng kể đến tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động. Theo cách tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tỷ trọng dân số trong tuổi lao động (15 - 64 tuổi) so với tổng dân số Việt Nam dự kiến sẽ giảm 5% từ nay cho đến đầu thập niên 2040, mặc dù người trong tuổi lao động vẫn tăng vào năm 2038 là 72 triệu người so với 66 triệu người hiện nay. Vẫn theo tính toán của ILO, sau thời điểm đó, dân số trong độ tuổi lao động của chúng ta sẽ giảm dần khiến bức tranh dân số trở nên khá phức tạp.

Dân số lão hóa nhanh sẽ khiến tuổi trung bình của lực lượng lao động tăng lên dẫn đến việc năng suất lao động trong xã hội bị sút giảm. Theo số liệu thống kê, năm 2010, độ tuổi trung bình của lao động chúng ta là 34 thì đến năm 2017 đã lên đến 41, nghĩa là lực lượng lao động Việt Nam ngày càng già đi. Điều này đồng nghĩa với năng suất lao động giảm theo, làm ảnh hưởng không chỉ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn tác động vào mức độ thu hút đầu tư nước ngoài.

>>Thái Lan trước sức ép trở thành quốc gia già hóa nhất Đông Nam Á

Ở các nước phát triển như Nhật Bản hay Mỹ, người ta giải quyết bài toán dân số già bằng cách tăng năng suất lao động, nhờ cải tiến công nghệ tức sử dụng máy móc hiện đại. Nhưng ở nước ta lại khác, nếu làm như vậy thì lại dôi dư một nhóm dân số trong tuổi lao động năng suất thấp.

Thực tế ở nước ta cho thấy người cao tuổi ở Việt Nam hiện chiếm 11% dân số, khoảng 60% trong số này vẫn đang làm việc và do thu nhập thấp từ những công việc đơn giản, họ phải làm việc có khi 36 giờ/tuần như những người trong tuổi lao động.

Chuyên viên về an sinh xã hội của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho rằng khoảng phân nửa người cao tuổi ở Việt Nam đang nhận được sự hỗ trợ từ lương hưu hoặc trợ giúp xã hội.

Thách thức lớn hiện nay là hệ thống an sinh xã hội làm thế nào để bao phủ được số 50% còn lại trong khi cách đóng và hưởng quỹ hưu trí chưa phù hợp như hiện nay. Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, nếu điều này không thay đổi theo hướng tích cực thì đến năm 2035 chính phủ phải bù đắp tiền để không vỡ quỹ, số tiền này có thể chiếm từ 30 - 50% GDP.

Cho nên bài toán đặt ra cho lực lượng lao động Việt Nam là phải dựa vào nguồn vốn con người, trong đó việc tăng năng suất của lực lượng lao động còn lại là cơ hội để thích ứng với một tương lai gần.

>>Khủng hoảng dân số tại Mỹ và Trung Quốc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nỗi lo về dân số già
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO