Những con sóng ở Lý Sơn

KHẢI LY| 12/12/2015 06:29

Lý Sơn - hòn đảo trù phú sinh sản những con người dũng mãnh, đọc sách thấu hiểu Đông Tây, đủ trí và lực ra khơi.

Những con sóng ở Lý Sơn

Có ra Lý Sơn, nhìn tận mắt những tủ sách hàng nghìn cuốn, những Hán thư cổ mới hiểu tại sao nhà Nguyễn ngày xưa chọn người ở đảo Lý Sơn đi giữ và khai thác sản vật ở Hoàng Sa. Một hòn đảo trù phú sinh sản những con người dũng mãnh, đọc sách thấu hiểu Đông Tây, đủ trí và lực ra khơi.

Đọc E-paper

Đó cũng là lý do Lý Sơn có những ngôi mộ gió, có những ngôi chùa chỉ dành cho việc đánh lên tiếng chuông cầu nguyện cho người ra biển, bởi ngoài đó có những con sóng dữ.

Tôi nhớ Lý Sơn như chuyến tàu chợ khổ nhọc, tiếng máy rung chuyển thành tàu, mùi hành tỏi và mùi cá khô thấm đẫm. Chuyến tàu ngược chở rất nhiều thứ mà dân đảo cần, nhưng lúc nào nước ngọt cũng chiếm nửa con tàu.

Có những tháng khô hạn, dân phải ngóng nước ngọt từ đất liền. Gần đây Lý Sơn còn ùn ùn chở máy lạnh, tủ lạnh vì đảo đã có điện, làm được vài công hành tỏi, trúng được vài chuyến mùa cá Nam, cho con ăn học có dư ra chút đỉnh thì có điện cũng coi như hưởng thụ cuộc sống.

Tôi nhớ người Lý Sơn. Công dân số 1 của hòn đảo dĩ nhiên là các vị người xã An Vĩnh có mặt trong những hải trình thăm thẳm của Hải đội Hoàng Sa thế kỷ XVIII. Lại có những công dân vô danh chuyên vớt rác biển. Mỗi khi trời nổi những cơn gió làm con sóng gằn trên biển, họ bắt đầu truyền đạm để chuẩn bị năng lượng ra biển hành nghề.

Bão tố đưa đủ loại hàng hóa từ những con tàu đắm trôi dạt trên biển về phía biển Quảng Ngãi, và những người Lý Sơn đã dám ra biển vào lúc gió cấp 7 tìm phế liệu.

Mưu sinh thắt buộc con người lao vào bão tố như vậy. Nhưng cũng chính tố chất người Lý Sơn mới nảy sinh ra cái nghề nguy hiểm như vậy.

Và trong những biến động của Biển Đông những năm gần đây do Trung Quốc muốn chiếm hết Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, người Lý Sơn vẫn vậy, cần cù ra biển. Bão tố không ngăn cản nổi họ, thì những kẻ dòm ngó biển đảo, ngư trường cũng không thể ngăn họ ra biển.

Nhiều lần đến Lý Sơn, lắng nghe những người ra biển kể chuyện nghề, ngắm nhìn vẻ chất phác của họ, mới càng kinh ngạc, ngư phủ chẳng phải những người đàn ông oai hùng ăn sóng nói gió, thậm chí họ có vẻ gầy gò, bé nhỏ so với người đồng bằng, thành phố.

Trong những câu chuyện của họ về Hoàng Sa, Trường Sa nó giản dị như người nông dân ra thửa ruộng đầu làng, nó lành như con cá con tôm, nó là sự bền vững của gia đình nhỏ bé để lại sau lưng mỗi chuyến biển.

Ngư dân Lý Sơn vẫn ra biển để kiếm đường sinh sống trước khi những cơn bão mùa đổ tới. Họ vẫn dừng lại ở miếu Âm hồn ít phút để thắp cây hương tưởng nhớ những người vùi xác đáy biển để bắt đầu một chuyến biển mới. Tháng 12, tin dữ bay về, ngư dân gặp những kẻ lạ mặt độc ác bắn người trong câm lặng.

Những cái chết oan khuất và vô cớ như vậy thật khó chấp nhận, nhưng người Lý Sơn từ biển về dự đám tang người thân của họ, khóc đó, rồi cũng lặng lẽ như thế sửa thuyền, vá lưới trở ra biển. Bởi không ra đó thì đi đâu? Không có bi kịch nào giữ được họ ở lại. Không có sự đe dọa nào có thể làm lung lay họ. Bởi ở đó, họ thuộc từng con sóng, thuộc từng ngọn gió, và chỉ với ngọn đèn măng sông nhỏ bé, với con thuyền câu đêm bé nhỏ, họ có thể lặn hụp suốt đêm, bình thản như ngủ trên chiếc giường trong nhà.

Vậy mà trong những câu ca buồn nhất mà người phụ nữ ở nhà thường hát có câu "Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm". Chỉ có biển mới hiểu nỗi người Lý Sơn.

>Thương hiệu thành phố Đà Nẵng

>Lại nghĩ về nông dân

>Tận hưởng nụ cười Thái Lan

>Văn hóa làng rau cảm hóa người Pháp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những con sóng ở Lý Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO