Những câu chuyện tham nhũng

ANH THƯ| 12/11/2009 08:29

Trong tổng số tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát có một phần không nhỏ do tham nhũng.

Những câu chuyện tham nhũng

Trong loạt bài nhận định về các rủi ro mà giới đầu tư nước ngoài cần phải chú ý khi đầu tư vào châu Á, hãng tin Reuters đã nêu tên 15 quốc gia, từ các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ cho đến các nền kinh tế có trọng lượng như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia..., VN cũng được đề cập tới.

Đối với từng quốc gia, hãng tin Anh đã ghi nhận 5 nhân tố chủ yếu gọi là ''rủi ro'' mà những ai muốn kinh doanh tại các quốc gia châu Á nói trên cần phải lưu ý. Trong trường hợp VN, có năm ''rủi ro'' được nêu bật, đó là tham nhũng, chính sách hối đoái và vấn đề môi trường... Tham nhũng được xếp đứng đầu các nguy cơ đối với sự phát triển của VN.

Ảnh minh họa

Ở trong nước, “tham nhũng” cũng là cụm từ được nhắc đến nhiều tại nghị trường trong tuần qua. Thường vụ Quốc hội đã đánh giá tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tham nhũng vẫn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội... Kiểm toán Nhà nước phát hiện các khoản phải nộp, hoàn trả ngân sách nhà nước 10.876 tỷ đồng qua 233 cuộc kiểm toán. Kết thúc 25.413 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm với tổng giá trị 15.380,58 tỷ đồng; 1.549.653USD; 22.791,76ha đất... Trong tổng số tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát có một phần không nhỏ do tham nhũng.

Để hình dung rõ hơn, xin kể lại hai chuyện điển hình để thấy tham nhũng biến hình và đa dạng như thế nào. Đó là chuyện xảy ra ở thôn 4, xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi: Trên giấy tờ, không ít người có tên, có chữ ký nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ, nhưng thực tế họ không nhận được cân gạo nào, hoặc nhận không đủ số gạo như đã ghi. Đó là chuyện Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, có người đã từng “mang đến” cho ông cả trăm nghìn USD. Từ ký gạo đến hàng trăm nghìn USD, từ nông dân mót lúa đến Tổng Thanh tra Chính phủ cũng có thể bị tham nhũng “tấn công”.

Cũng có con số đặc biệt là đã có 211 cán bộ, công chức nộp lại quà cho cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng giá trị 66,5 triệu đồng. Dù nộp lại nhưng vẫn khiến người ta đặt câu hỏi , tại sao ngay sau khi nhận quà không báo cáo mà để thời gian dài như vậy? Có 211 người nhận quà thì ít nhất cũng có từng ấy người gửi quà, vậy những người này là ai, gửi quà làm gì? Chưa có ai trả lời câu hỏi này.

Nhưng thắc mắc này lại có thể là một phần của câu trả lời cho những cụm từ “hết sức khó xử lý”, “đại biểu cần thông cảm”... được nhấn mạnh trong phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trả lời trước Quốc hội. Thực trạng này có thể thấy qua phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh: “Việc đấu tranh chống tham nhũng trong các tổ chức của mình cũng không quyết liệt, còn tình trạng e ngại, nể nang. Thực tế tôi cũng thấy chưa có vụ tham nhũng nào được phát hiện ngay ở chi bộ Đảng của cơ quan đó”.

Bình luận về sự “nể nang”, đại biểu Đặng Văn Xướng nói: "Án treo trong các vụ án tham nhũng quá nhiều, lúc khởi tố thì to như con voi, khi xử lý bé như con chuột. Nếu không làm mạnh sẽ khiến người dân hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta". Còn đại biểu Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, lo ngại: “Không có loại tội phạm nào được ưu ái cho treo nhiều như tham nhũng”.
Trước đó, Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng làm rõ lý do về tình trạng “hình như việc chống tham nhũng đang có vẻ chùng xuống, không quyết liệt như khi mới ra Nghị quyết Trung ương 3 hoặc khi Luật Phòng, chống tham nhũng mới ra đời”.

Đảng đã xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ cần phải loại trừ. “Việt Nam coi chống tham nhũng là quốc sách, là sự nghiệp quan trọng liên quan đến sự sống còn của chế độ”. Trong tác phẩm nổi tiếng “Chống tham ô, lãng phí”, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao tài sản của Chính phủ và nhân dân, tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”.

Thẳng tay diệt trừ tham nhũng cũng là quốc sách hàng đầu trong kinh nghiệm hóa rồng của Singapore. Năm 1960, Singapore đã thay đổi Luật Chống tham nhũng, mở rộng định nghĩa về quà cáp để chỉ bất cứ thứ gì có giá trị. Sự sửa đổi này nới rộng quyền lực của các điều tra viên, kể cả quyền bắt giữ, khám xét, thanh tra tài khoản ngân hàng, số ghi tiền gửi ngân hàng của những kẻ bị tình nghi cũng như của vợ, con và thuộc hạ của họ. Người quản lý thuế thu nhập buộc phải đưa ra những thông tin có liên quan tới bất kỳ ai đang bị điều tra.

Quyết tâm này để đảm bảo một nguyên tắc bất di bất dịch: mỗi đồng trong tổng thu nhập đều phải được giải thích một cách minh bạch, hợp lý và sẽ đến với người dân nguyên vẹn, không thể bị rút bớt đi ở dọc đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những câu chuyện tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO