Nhan sắc Huế

VĂN TOÀN| 05/03/2019 07:00

Giọng nói nhỏ nhẹ, dễ thương cùng chiếc nón lá và chiếc áo dài tím duyên dáng, những người con gái Huế đã làm đẹp đất kinh kỳ một thuở và làm cho Huế đẹp thêm trong mắt du khách ngày nay...

Đã hơn 100 năm qua nhưng giai thoại về vua Thành Thái cải trang thành một người dân lên Kim Long tìm chọn quý phi vào một ngày xuân vẫn được nhắc đến. Chuyện kể rằng, vua kiếm tìm khắp nơi vẫn chẳng gặp cô gái nào vừa ý nên đành thuê một chiếc đò về kinh. Đò vừa ghé bờ, nhà vua trông thấy cô lái đò đôi má ửng hồng rất có duyên. Lòng xao xuyến, vua liền hỏi: "Nì, o tê, o có muốn lấy vua không?".

Nhan sắc Huế

Cô lái đò nhìn ông khách lạ, thỏ thẻ nói: "Đừng có bậy bạ mà họ lấy đầu chừ!". Lại càng thấy đáng yêu hơn, vua dấn tới: "Tui nói thiệt đó, o có muốn lấy vua thì tui làm mối cho". Câu chuyện còn dài nữa nhưng kết cục thì ai cũng rõ, cô gái lái đò Kim Long kia đã "vô nội", làm quý phi cho ông vua yêu nước chống Pháp. Bởi thế, dân gian đã lan truyền câu ca: "Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi".

Năm 1917, Trường Đồng Khánh - ngôi trường nữ đầu tiên của 13 tỉnh Trung kỳ được xây dựng tại Huế. Những tiểu thư khuê các từ các vùng Kim Long, Bến Ngự, Đông Ba, Vĩ Dạ, Nam Giao, Đập Đá... bước ra khỏi chốn "màn che trướng rũ” và trở thành những nữ sinh duyên dáng.

Trong bài hát Cô gái nữ sinh Đồng Khánh, tác giả Thu Hồ đã không tiếc lời ca ngợi vẻ đẹp "hoa nhường nguyệt thẹn" này: "Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi/ Khi gió mới lên làn tóc tung tăng/ Xõa ngang bờ vai khi tuổi dạy thì/ Đôi môi hồng thắm duyên là nên duyên/ Mắt tròn như mộng say đời xinh tươi/ Cô là tất cả trời đẹp xứ Kinh". Nhà thơ Mai Văn Hoan thì dành tặng cho nữ sinh Đồng Khánh những vần thơ đầy ngưỡng mộ: "Nữ sinh Đồng Khánh nhớ ai/ Mi cong khẽ chớp mắt nai thẫn thờ".

Ngày nay, những cô gái Huế không còn e ấp mãi mà đã bước vào vũ đài tôn vinh sắc đẹp, khiến cho bao người kinh ngạc. Đó là Tôn Nữ Na Uy, cháu đời thứ 12, hệ nhất, dòng dõi Nguyễn Kim, nữ sinh Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế thi Hoa hậu Việt Nam 2010 và lọt vào Top 20 người đẹp nhất. Tiếp đó, vào năm 2014, nữ sinh Khoa Du lịch Đại học Huế Lê Thị Hà Thu đoạt giải Á hậu 1 Hoa hậu Đại dương Việt Nam.

Năm 2015, Hà Thu đứng Top 17 chung kết Hoa hậu Liên lục địa và chiến thắng giải phụ Thí sinh được yêu thích nhất. Năm 2017, một người đẹp xứ Huế đứng vào Top 16 Hoa hậu Trái Đất với chiến thắng ở các giải phụ như Hoa hậu Ảnh, Chiến binh trái đất, Trang phục dạo biển đẹp nhất. Đặc biệt, người đẹp gốc Huế này đã đứng thứ 57 trong danh sách 90 người đẹp năm 2017 do chuyên trang sắc đẹp Missosology bình chọn.

Nhan sắc Huế

Bên cạnh đó, thế hệ nào Đại học Huế cũng có những giai nhân. Hoa khôi Miss Đại học Huế năm 2012 Nguyễn Thị Như Ý (Trường Đại học Kinh tế Huế) trải lòng: "So với sinh viên trên toàn quốc thì sinh viên Huế có nét khác biệt là được nuôi dưỡng trong nền văn hóa Huế. Vẻ đẹp duyên dáng của sinh viên Huế được thể hiện trong tính cách vốn là phẩm chất của con người sống trên đất Cố đô”.

Mới đây, 15 nữ sinh Đại học Huế đã tham gia vòng bán kết Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2018 khu vực miền Trung và Tây Nguyên diễn ra tại Đà Nẵng và 5 nữ sinh đã xuất sắc bước vào vòng chung kết, đó là Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trần Thị Mỹ Linh (Trường Đại học Sư phạm), Nguyễn Thị Thanh Hoàng (Khoa Du lịch Đại học Huế), Phạm Diệu Linh, Nguyễn Thị Phương Lan (Trường Đại học Luật). Vượt qua 44 thí sinh ở phần thi áo dài và trang phục dạ hội, trả lời thông minh câu hỏi ứng xử, nữ sinh Nguyễn Thị Phương Lan đã giành vương miện Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2018, đem lại niềm tự hào cho mảnh đất Cố đô.

Lớn lên trong vùng đất Cô đô, người con gái phải biết đủ công, dung, ngôn, hạnh và đặc biệt là hiếu đạo. Trong một lần  đến Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán Huế, tôi rất xúc động khi được nghe nội dung cuốn sách Thư gửi con (Nhà xuất bản Phụ nữ, 2012) của TS. Thái Kim Lan - một người phụ nữ xứ Huế lập nghiệp ở phương Tây.

Được biết, Thư gửi con của TS. Thái Kim Lan dành cho cô con gái Mai Lan. Mai Lan sinh ra, lớn lên và làm việc ở CHLB Đức, ảnh hưởng bởi nền giáo dục phương Tây nhưng không giống như những người phương Tây. Vẻ đẹp và cốt cách Huế mà Mai Lan thụ hưởng từ người mẹ là rất đậm nét. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, chia sẻ: "Ai đã gặp Mai Lan đều yêu quý cô, không những vẻ ngoài xinh đẹp mà còn vì cái cách cô - một cô gái phương Tây biết giữ lễ phép truyền thống và lòng hiếu thảo".

Tháng 9/2018, với mong muốn nâng cao vẻ đẹp của người phụ nữ Huế, làm cho Huế đẹp hơn trong mắt bạn bè và du khách, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Thư ngỏ gửi các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh về việc hưởng ứng cuộc vận động mang trang phục áo dài truyền thống. Bên cạnh chiếc áo dài, theo ý kiến cá nhân tôi, chiếc nón lá và giọng nói nhỏ nhẹ, dễ thương cũng là nét duyên của những cô gái Huế cần được gìn giữ.

Bởi chiếc nón lá không chỉ che mưa che nắng mà còn có chức năng làm đẹp, góp phần làm tăng thêm nét duyên dáng của người con gái Huế. Các chàng trai nếu nhìn thấy một cô gái Huế đội nón lá thì ai cũng ước thầm: Nón nghiêng, bóng nắng dáng thơ ngây/ Gặp anh nón hỡi đừng nghiêng xuống/ Cho anh trông mắt ngọc mày ngài.
Giọng nói của những cô con gái xứ Huế đã khiến một nhà thơ "rụng rời": "Em ơi giọng Huế có chi/ Mà trong hoa nắng thầm thì cơn mưa".

Vẻ duyên bên ngoài lẫn nét đẹp tâm hồn của những cô gái Huế là vậy, nên chẳng ai muốn mất đi hình tượng đẹp đẽ này, đặc biệt là đối với du khách mỗi lần đến Huế. Đúng như nhạc sĩ Võ Tá Hân đã viết trong một bài hát: Giữ chút gì rất Huế đi em/ Nét duyên là trời đất giao hòa/ Dẫu xa, một mai anh gặp lại/ Vẫn được nhìn em say lá hoa/ Giữ chút gì rất Huế hiền ngoan/ Xin em chớ cắt mái tóc thề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhan sắc Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO