"Nghịch lý khó xử"

ANH THƯ| 18/10/2011 04:11

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 9 năm nay, có gần 49.000 DN đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế.

Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 9 năm nay, có gần 49.000 DN đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế. Trong đó, phá sản, giải thể là 5.800 doanh nghiệp (DN), khoảng 11.500 DN ngừng hoạt động và 31.500 DN ngừng nộp thuế.

Như vậy bình quân một quý có trên 12.000 DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế. Với tốc độ này, dự báo cả năm 2011, số DN lâm vào tình trạng như trên có thể chiếm tới 10% trong tổng số 600.000 DN cả nước hiện nay.

Số DN phá sản như vậy sẽ có tác động lớn, vì một lượng lớn những người lao động sẽ bị nợ lương, nghỉ việc, dắt dây DN nợ ngân hàng, viễn thông, điện lực...

Dù nghiệt ngã nhưng đây thực sự là cuộc sàng lọc tự nhiên trong bối cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn. Trong thời kỳ này, DN nào có năng lực cạnh tranh yếu, quản trị kém và trang thiết bị lạc hậu sẽ khó có thể tồn tại. Cho những DN yếu phá sản để dồn nguồn lực cho các DN có năng lực hơn.

Tuy nhiên, kịch bản này thực sự là gánh nặng cho nền kinh tế và xã hội. Mặt khác, số các DN phá sản tăng lên cũng cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh hiện vẫn rất khó khăn đối với DN mọi thành phần, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Trong khi đó, dự báo, thời gian tới, DN sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều thử thách khó khăn hơn. Đặc biệt, năm 2015, Việt Nam hội nhập đầy đủ trong AFTA, tới năm 2018, hội nhập toàn diện trong WTO, nhiều mặt hàng thuế nhập khẩu về 0%, rào cản bảo hộ không còn.

Lúc đó, cuộc đào thải còn khốc liệt hơn rất nhiều hiện nay. Đó là sự trả giá trong hội nhập, là cuộc tái cấu trúc đau đớn mà các DN buộc phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh để vượt qua.

Trong khó khăn hiện nay, ngày càng nhiều nhóm DN đã kiến nghị Chính phủ “giải cứu” vì quyền lợi của nhóm và đôi khi các kiến nghị này mâu thuẫn với nhau. Ví như DN bất động sản muốn nới tín dụng, sản xuất muốn hạ lãi suất, còn ngân hàng thì cần lãi suất có lợi.

Lợi ích nhóm không chỉ là mâu thuẫn giữa các nhóm ngành, mà còn là mâu thuẫn trong chính sách. Nếu không điều hòa hợp lý, sức cạnh tranh của các DN sẽ suy yếu, nặng nề hơn, dắt dây sự suy yếu chung của cả nền kinh tế.

Các nhà đầu tư hoan nghênh sự thay đổi trong chính sách - vốn được biết đến là Nghị quyết 11 (về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội).

Tuy nhiên, cho đến khi họ thấy bằng chứng vững chắc hơn về việc Nghị quyết 11 được thực thi thành công, thì giới đầu tư vẫn sẽ còn lo lắng. Không thể không lo lắng khi số DN phá sản, giải thể ngày càng nhiều.

Rõ ràng, phải mất nhiều thời gian hơn cho các biện pháp thắt chặt có kết quả, đặc biệt là trong trường hợp của tín dụng, với lãi suất cho vay ngân hàng thường được tái lập trên cơ sở sáu tháng một lần.

Bên cạnh đó, có một mối quan ngại rằng các công ty nhà nước, vốn từ lâu được thụ hưởng sự hào phóng của Nhà nước dưới các hình thức tiếp cận đất đai, giấy phép và tín dụng giá rẻ, hiện đang tiếp tục được vay vốn từ các ngân hàng nhà nước với những mức chiết khấu đáng kể so với mức lãi suất 25% mà một số công ty ở khu vực tư nhân buộc phải chi trả ngay bây giờ.

Cuối cùng, với một luật phá sản mà phần lớn là chưa được thử nghiệm trên thực tế và tình trạng nhiều công ty lớn của Việt Nam đa dạng hóa nhiều lĩnh vực kinh doanh, gồm cả ngân hàng, các phân tích gia nói rằng, hoàn toàn có khả năng các công ty này có thể kéo dài tình trạng mà thông thường được coi là “phá sản” ở các nước có nền kinh tế phát triển hơn.

Vì vậy, nói riêng về DN, có chuyên gia nhận định nếu phá sản thêm 30% DN nữa thì cũng nên.

Tuy nhiên, DN cần phá sản không phá sản, DN cần duy trì lại bị phá sản. Nghịch lý này thể hiện ở một số chiều hướng như củng cố công nghiệp hoặc tái cấp vốn của ngân hàng có thể là cần thiết trong những năm tới, nhưng tính thiếu minh bạch có thể gây khó khăn cho việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Chính phủ đang ở trong một vị trí khá khó xử.

Nếu Chính phủ kháng lại áp lực từ các công ty, từ cả khu vực nhà nước và tư nhân, để giảm lãi suất cho vay vào cuối năm nay, sự gia tăng rủi ro với các công ty sẽ bị kéo theo và một số ngân hàng nhỏ ít vốn có thể sẽ phá sản.

Nhưng nếu Chính phủ theo hướng gia tăng lãi suất cho vay quá sớm, thì áp lực lên giá cả và đồng thời là việc giảm áp lực về tiền tệ của nội tệ VND có khả năng giáng đòn trở lại.

Trong đó, chậm tăng trưởng và lãi suất cao hơn có thể gây áp lực lên cán cân thanh toán ngân hàng, vốn được cho là đang có nhiều khoản vay lớn thiếu hiệu quả và suy giảm đáng kể sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng nhanh chóng.

Nếu tình hình tiếp tục kéo dài, nhà đầu tư nước ngoài không khỏi lo ngại về quyết tâm, tính kiên trì, nhẫn nại của các nhà làm chính sách của Việt Nam. Vì thế cần có thông điệp rõ ràng trong chính sách và cần đặt sự ổn định kinh tế vĩ mô làm chuẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Nghịch lý khó xử"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO