Nghe... Tây nói

QUẢNG YÊN/DNSGCT| 20/12/2015 06:48

Dần dần những gì xấu xí nhất, tệ hại nhất, giờ phải nhờ vào “Tây nói” mới có sức nặng.

Nghe... Tây nói

Một ngày chưa xa, mỗi khi có khách nước ngoài đến Việt Nam mà các nhà báo phải phỏng vấn thì bao giờ cũng có câu “hữu hảo” biết trước câu trả lời. Đó là câu “Ông/Bà thấy Việt Nam thế nào?”.

Y như rằng, ông bà Tây sẽ nói đất nước Việt Nam xinh đẹp, thức ăn ngon. Con người thân thiện. Còn bao nhiêu kỳ thú ở đất nước này. Người ta dễ làm quen ở các khu phố Tây. Đêm có thể nhảy ngoài đường, ngồi bất cứ đâu cũng có bia, trứng vịt lộn và các thứ ăn vặt ngon bá cháy.

Các câu nhận xét thường là "ngạc nhiên quá", "con người nhân hậu quá". Mỹ từng đem bom ném khắp đất nước này, đem chất độc da cam rải triệt hạ xóm làng cây cỏ, vậy mà giờ không có ai oán thù Mỹ hết. Họ dành cho sự yêu mến nồng hậu. Rồi có người đi trở lại những căn cứ lính Mỹ xưa nay đâu còn dấu vết. Một anh thanh niên vừa phụ bán hàng, dọn dẹp nặng nhọc nhưng hễ có giờ rảnh là học tiếng Anh, hỏi nhờ giải thích cách dùng thì, câu điều kiện… Một đất nước đứng dậy can đảm sau những đau thương.

Đến nay thì sao? Sau mấy chục năm đổi mới và hội nhập, những gì đẹp đẽ ấy vẫn còn được ngợi ca, nhưng đã thu gọn vào trong các khu phố Tây. Những “Tây ba lô” vẫn cứ tiếp tục khen như thế, tiếp tục vui vẻ ăn chơi nhảy múa. Là vì họ chỉ… xẹt qua vài ngày. Những gì “Tây nói” bây giờ khác rồi.

Nhưng với nhiều “ông/bà Tây” khác đến đây làm ăn kinh doanh sinh sống thì họ phải… tránh ra xa các trung tâm. Chẳng biết từ bao giờ, như có một sự “phân công tự nhiên”, ở Sài Gòn, Tây chuyên gia sống ở Thảo Điền. “Tây châu Á” như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore thì tập trung ở Phú Mỹ Hưng có cảnh quan sạch và xanh.

Những người sống đây lâu không ai “khen” cái kiểu qua đường rợn tóc gáy như mấy ông ghé chơi vài ngày (còn nói, nhìn cách qua đường sẽ hiểu cách “tồn tại mềm dẻo” của người Việt, kiểu gì cũng có đường đi). Bây giờ thì họ sợ mất vía với các con số thương vong tai nạn – ngang với thời còn chiến tranh.

Sự phát triển của internet đã làm thay đổi nhiều thứ, nhưng các mạng xã hội lại phơi bày cái người ta gọi là “trẻ trâu” vô học nhiều hơn bao giờ hết. Cái gì cũng chửi, làm anh hùng bàn phím. Mà nhiều cái chửi lại lòi ra là chính họ… đáng bị chửi nhất. Hiểu biết nông cạn, ích kỷ và phù phiếm.

Dần dần những gì xấu xí nhất, tệ hại nhất, giờ phải nhờ vào “Tây nói” mới có sức nặng. Tây thống kê Việt Nam đứng chót thế nào trong các bảng xếp hạng của xã hội văn minh.

Chẳng cần ông Tây nào, mà các “ông Ta ở Tây”, những doanh nhân Việt kiều thành đạt, họ về nước làm ăn và cất lên những câu nhận xét, kiểu như “sự nghèo hèn tự nguyện của nhiều người Việt Nam còn chua xót hơn các quan điểm về sự xấu xí”, “Tôi thất vọng vì Việt Nam thấy toàn những… ông cụ non mới trên 20. Nhút nhát cầu an thụ động chỉ biết ăn nhậu, đua đòi theo thời thế. Họ sống như những ông già”.

Ở một đất nước dân số trẻ – phân khúc sáng tạo và cầu tiến của bất cứ xã hội nào - mà lại nhận xét như vậy. Có khó hiểu?

Bây giờ các câu hỏi phỏng vấn kiểu xưa chờ nghe không còn xuất hiện nhiều nữa. Bây giờ rất sợ… nghe Tây nói. Họ sẽ nói kiểu như “Sau 20 năm Đổi mới, tôi quay lại đất nước này thấy người Việt… lười hẳn đi. Thanh niên chỉ chăm chăm chọn công việc ở văn phòng máy lạnh, mà không coi lao động cần cù gian khổ ra cái gì nữa”.

Chà, ngày xưa ai không tin thì nói rằng “Tây nói đó” hẳn hoi. Còn Tây nói bây giờ chẳng lọt lỗ tai ta.

>Văn hóa làng rau cảm hóa người Pháp

>Văn minh

>Đua nhau nói kiểu… showbiz

>Giàu có từ bao giờ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghe... Tây nói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO