Ngẫm chuyện kinh doanh quanh chén trà

BÍCH HỒNG| 31/03/2018 03:42

Làm thế nào để những người đang ngày đêm nghiên cứu những sản phẩm trà làm từ các loại thảo mộc thiên nhiên đủ kiên trì đi lên bên cạnh dòng sản phẩm đến từ Trung Quốc với giá rẻ không tưởng?

Ngẫm chuyện kinh doanh quanh chén trà

Mới đây có dịp đi Vân Nam, đến thăm thủ phủ của ngành công nghiệp trà và hoa của Trung Quốc ở thành phố Côn Minh, ai cũng hoa mắt khi được tham quan những trang trại hoa rộng hàng trăm hecta đến nhà máy chế biến các loại trà từ hoa và thảo mộc.

Người Trung Quốc có nền y học cổ truyền nổi tiếng nhiều nghìn năm, đến nay vẫn còn giữ được thói quen sử dụng thảo mộc từ thiên nhiên để giữ sức khỏe, làm đẹp. Uống chén trà hoa hồng, nhìn bông hoa nở tươi đẹp bềnh bồng trên miệng chén sứ như nhan sắc mỹ miều của một cô gái, thấy sảng khoái vô cùng.

Tính mua một ít về làm quà thì mấy người trong đoàn cản, nói mang xách làm chi cho nặng, ở Việt Nam bán đầy, có gì lạ đâu. Lập tức tìm kiếm trên mạng, quả nhiên các công ty thương mại ở Việt Nam rao bán trà hoa nhiều vô cùng, thậm chí mẫu mã hộp, lọ đựng trà còn bắt mắt, phô diễn việc sản xuất thủ công và sự an toàn thực phẩm thông qua những chiếc lọ bằng thủy tinh xinh xắn, vốn là phong cách của những người khởi nghiệp trẻ, hiện đại. Và tất cả đều công bố đó là trà hoa Việt.

Nếu như trước đây chưa xảy ra vụ người tiêu dùng từng tin có một thương hiệu lụa tơ tằm của người Việt và đã từng thất vọng, thì có lẽ hôm nay tôi cũng sẽ mừng vui, hớn hở khi phát hiện chúng ta cũng làm được trà hoa phong phú chủng loại, đẹp mắt và bổ dưỡng như những gì quảng cáo trên internet.

Tuy nhiên, cố công tìm kiếm mãi cũng không thấy bất cứ nơi bán nào có công bố thông tin chi tiết về vùng nguyên liệu của họ, và điều đó khiến tôi nghi ngờ. Thế là tôi lẳng lặng mua vài hộp trà hoa Vân Nam làm quà vì tôi thích những mặt hàng có xuất xứ rõ ràng.

Thật lòng vẫn muốn "tin ở hoa hồng", vẫn mong mỏi chúng ta có một nền sản xuất thật sự minh bạch và bền vững, vẫn muốn dùng những sản phẩm tuy chất lượng chưa đạt chuẩn quốc tế nhưng đó là hành trình của sự kiên trì, sáng tạo từ một thế hệ mới. Tôi muốn uống một chén trà hoa hồng với những hình ảnh rõ ràng của các trang trại trồng trọt, thậm chí có thể kiểm tra trên mạng các công bố về quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu có đạt chuẩn an toàn thực phẩm không.

Và trên hết cứ mong muốn chúng ta không sản sinh ra một thế hệ trẻ làm ăn theo kiểu "ăn xổi ở thì”, dựa vào nền sản xuất lớn của nước láng giềng, buôn đầu biên giới, bán cuối biên giới, gắn nhãn mác Việt, hưởng lợi trên sự dối trá. Bởi thương trường hôm nay ai cũng biết việc mua sản phẩm Trung Quốc về bán có lời gấp nhiều lần, nhanh gấp nhiều lần việc lần mò nghiên cứu để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh.

Biết là khó lắm nếu muốn gầy dựng một đội ngũ doanh nhân trẻ can trường, năng động và bền bỉ sáng tạo, khi đồng tiền ngày càng thao túng thương trường, đẩy người kinh doanh vào những khó khăn, cạnh tranh không lành mạnh. Làm thế nào để những người đang ngày đêm nghiên cứu những sản phẩm trà làm từ các loại thảo mộc thiên nhiên đủ kiên trì đi lên bên cạnh dòng sản phẩm đến từ Trung Quốc với giá rẻ không tưởng do thị trường lớn, để tạo nên sự bền vững.

Uống một chén trà hoa hồng ở cao nguyên Vân Nam, càng thấu hiểu hơn những khó khăn của doanh nhân Việt, càng thấy lo hơn khi hoàn cảnh có thể ngày càng tạo ra nhiều hơn những người thích giàu nhanh, giàu xổi, dẫu có thể thành công nhưng không tạo ra được giá trị chung cho xã hội. Khó nhưng vẫn phải theo đuổi, và tôi bỗng nghĩ đó mới chính là hành động thể hiện lòng yêu nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngẫm chuyện kinh doanh quanh chén trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO